BIDV lãi hơn 9.000 tỷ từ cho vay chỉ trong 3 tháng

BIDV lãi hơn 9.000 tỷ từ cho vay chỉ trong 3 tháng ảnh 1

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh khiến BIDV phải dành hơn 6.700 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro cho vay khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sáng nay (14/5) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2013. Theo dữ liệu phản ánh tại báo cáo tài chính, quý vừa rồi, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong kỳ của BIDV đạt 10.634,5 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi cho vay khách hàng ở mức 9.071,87 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lãi và các chi phí tương tự, khoản thu nhập lãi thuần còn 3.123,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các mảng khác cũng đều mang lại lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng: Hoạt động dịch vụ lãi thuần 514,9 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối lãi thuần 40,6 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi thuần 136 tỷ, mua bán chứng khoán đầu tư lãi thuần 1,1 tỷ và hoạt động khác lãi thuần 69,6 tỷ. Khép lại quý I, BIDV gặt lợi nhuận sau thuế 1.145,8 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản lợi ích của nhóm cổ đông thiểu số, lợi nhuận ròng trong kỳ đạt 1.141,72 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh
Quý vừa rồi BIDV chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về tiền gửi mặc dù trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước quy định liên tục hạ, còn 7,5%/năm vào quý III sau 7 lần điều chỉnh kể từ năm ngoái. Tiền gửi khách hàng tính đến 31/3 đạt con số 320.039,35 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong số này, tiền gửi có kỳ hạn chiếm 87% với 278.466 tỷ đồng. Giữa lúc tín dụng ngành ngân hàng “đóng băng” thì tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm của BIDV vẫn đạt 1,46% với con số tuyệt đối là 344.893,38 tỷ đồng. Trong số này có 26.360,1 tỷ đồng là khoản cho vay bằng vốn ODA. Tuy nhiên, tín dụng tăng đồng thời với tỷ lệ nợ xấu cũng tăng theo. Trong khi nợ nhóm 3 (dưới chuẩn) của ngân hàng giảm 6,8% thì nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh. Nợ nghi ngờ tăng 12,8% và nợ có khả năng mất vốn tăng gần 27%. Qua đó, khiến quy mô nợ xấu của BIDV tăng lên tới 9.529,1 tỷ đồng, tăng 368 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu sau 3 tháng đã tăng lên 2,99% so với mức 2,92% thời điểm kết thúc năm 2012. Khoản dự phòng rủi ro cho vay khách hàng vì vậy đã tăng 832,8 tỷ đồng so với đầu năm lên 6.747,3 tỷ đồng.
Theo Mai Chi (DT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm