Phải giảm lãi suất ngân hàng

2012 là năm mà nền kinh tế chịu nhiều tổn hại do hệ thống ngân hàng (NH) bất chấp các quy định của luật pháp, đẩy lãi suất lên quá cao. Từ đây, hàng loạt doanh nghiệp (DN) thoi thóp do không thể tiếp cận vốn.

Lãi suất hợp lý: Chưa đủ!

Điều đáng tiếc trong năm qua là cơ quan quản lý đã để cho các NH quá lộng hành, nhất là việc các NH thương mại chạy đua huy động vốn với mức lãi suất có lúc lên đến gần 20%. Khi đã huy động cao thì phải đẩy lãi suất cho vay lên cao. Hành động này đưa nền kinh tế vào tình trạng nguy hại bởi DN chỉ chịu được lãi suất vay vốn ở mức nào đấy, cao quá thì khó khăn và cao hơn nữa thì phá sản. Mức lãi suất năm qua là quá sức chịu đựng của các DN.

Từ đây đặt ra trách nhiệm của NH trung ương năm 2013 là xác lập một mức lãi suất hợp lý để DN có thể tiếp cận được, đồng thời xem các DN nước ngoài hoạt động với lãi suất nào để định hướng lại mức lãi suất của mình. Trên thực tế, trong khi các DN đầu tư nước ngoài tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất thấp thì NH trong nước lại áp đặt cho DN mình mức lãi suất rất cao. Chẳng khác nào ngay tại sân nhà, chúng ta đã tạo điều kiện cho “người ngoài” bành trướng thị trường.

Vậy mức lãi suất như thế nào là hợp lý? Từ lâu, các DN đã nói rằng lãi suất 10%/năm thì họ còn sống được, trên mức đó bắt đầu khô héo, chỉ có mức thấp hơn là phát triển tốt. Không phải tự nhiên mà các DN mơ tưởng tới mức lãi suất 7%/năm. Ở các nước châu Á khác, mức lãi suất cho vay tối đa cũng chỉ là 7%/năm.

Phải giảm lãi suất ngân hàng ảnh 1

Lãi suất hợp lý và điều kiện cho vay tốt sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển. Ảnh: HTD

Mà lãi suất hợp lý thôi cũng chưa đủ, cần có chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực lợi thế. Đặc biệt, Chính phủ nên tạo điều kiện tối ưu về tín dụng cho xuất khẩu nông nghiệp. Ở Trung Quốc, họ cho nông dân vay với lãi suất 0%. Mỹ thì gần như lãi suất âm và có cả chính sách ưu đãi tín dụng trả chậm cho người nhập khẩu nông sản Mỹ…

Thêm một vấn đề cần giải quyết đối với hoạt động NH là điều kiện cho vay. NH phải chú trọng đến việc tư vấn khách hàng, không thể thấy cầm sổ đỏ đến là cho vay. Nếu cứ để vậy, DN sẽ sử dụng nguồn vốn đó không đúng mục đích, đầu tư dàn trải, gặp rủi ro và dẫn đến nợ xấu. Nợ xấu làm hao mòn sức lực của nhân dân và tạo ra khó khăn cho hệ thống NH.

Quán triệt vai trò của NH trung ương

Tâm lý bi quan về tương lai nền kinh tế đã xuất hiện, nhất là trong cộng đồng DN. Không nên quá bi quan như thế! Chúng ta vẫn còn đủ cơ hội để kịp thời điều chỉnh chính sách giúp DN sống sót, phục hồi và phát triển. Nếu ngày mai Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quán triệt đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của mình thì vẫn có thể làm ngay việc xây dựng mức lãi suất 7%/năm. Chỉ có lãi suất hợp lý mới tạo điều kiện cho DN phát triển và việc cho vay không nên để như xưa, cho vay phải đúng mục đích.

DNNN chỉ phục vụ lợi ích cộng đồng

Do thiếu quy định chặt chẽ, DNNN đầu tư dàn trải và không kịp thoái vốn, gây lãng phí. Giải pháp là cổ phần hóa nhưng thực hiện không quyết liệt và Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ chủ đạo... Do đó, năm 2013 nhất quyết phải cấu trúc DNNN, tập trung vào ngành có chức năng, nhiệm vụ phải làm. DNNN không kinh doanh lấy lời, chỉ có một mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng. Những việc kinh doanh lấy lời nhân dân có thể làm được thì để nhân dân làm.

Khả năng tiếp tục hạ lãi suất giữa lúc kinh tế khó khăn không phải là không có. NH trung ương có quyền lực do pháp luật ủy nhiệm là điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển. NH này hoạt động không phải để kinh doanh lấy lời nên sẽ không huy động vốn trong nhân dân và hoàn toàn có đủ nguồn lực cho NH thương mại vay với lãi suất từ 2% đến 4%/năm. Làm như vậy, mặt bằng lãi suất sẽ thấp xuống. Khi NH thương mại thu hồi được vốn sẽ trả lại tiền cho NH trung ương. Đây là cho vay chứ không hề cho không, là cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế phát triển bền vững nhưng vẫn không tạo ra lạm phát, không để xảy ra thiểu phát. Mỗi ngày NH trung ương phải có hình ảnh rõ ràng về thị trường tài chính để ngay lập tức hành động.

Rõ ràng chúng ta chưa quán triệt được vai trò của NH trung ương trong điều hành kinh tế đất nước. Năm 2010, luật về NHNN (Điều 2) có nói NHNN Việt Nam có vai trò là NH trung ương. Nhưng thực tế NHNN mới chỉ quản lý các NH thương mại chứ chưa quán triệt chủ động vai trò của một NH trung ương.

Một tình trạng đáng lưu ý nữa là lượng vốn đang chết đọng trong bất động sản quá nhiều mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào khơi thông được, trong khi nhiều DN khác lại rất thiếu vốn. Nó đã sai ngay từ ban đầu khi phân khúc sản phẩm không đúng với thị trường. Nhiều người mua bất động sản không phải để ở mà mua đi bán lại, nghĩa là không có nhu cầu sử dụng thật, đó là thị trường ảo. Chứng tỏ nền tảng của chúng ta không tốt. Cơ quan quản lý chỉ đang đi “chữa lửa” chứ không phải là hướng người dân và DN đi theo một hệ thống, lộ trình cần có.

Điều chúng ta còn thiếu lúc này là nguồn tín dụng bất động sản cho người có nhu cầu mua nhà thực sự. Khi đáp ứng được nhu cầu mua nhà của hàng triệu người dân sẽ giúp một lĩnh vực rộng lớn phát triển với các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…, tạo việc làm cho hàng triệu người dân khác.

Chuyên gia kinh tế, BÙI KIẾN THÀNH

MAI PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm