Petrolimex: Thoải mái chi hoa hồng, lỗ dân chịu

Lẽ ra việc chi quá này phải bị truy thu thì Bộ Tài chính lại tính gộp vào khoản lỗ của tập đoàn. Vì thế, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), khẳng định: Petrolimex phải chịu trách nhiệm việc này chứ không thể bắt người dân gánh khoản chi trên.

Lỗ vì chi vượt khung

Công văn ngày 25-11 của Bộ Tài chính cho thấy: Báo cáo quyết toán hợp nhất sáu tháng đầu năm 2011 của Petrolimex (gồm văn phòng tập đoàn và 42 công ty thành viên) thì kinh doanh xăng dầu lỗ 1.840 tỉ đồng. Nguyên nhân của khoản lỗ này là do Petrolimex trả thù lao cho đại lý vượt định mức và tỉ giá ngoại tệ tăng.

Với khoản lỗ do tăng tỉ giá ngoại tệ, cơ quan chức năng phân tích: Tính đến 15-9, lượng ngoại tệ nhập xăng dầu mà Petrolimex phải vay, mua để thanh toán cho nhà cung cấp xăng dầu nước ngoài là gần 4 tỉ USD, trong đó sáu tháng đầu năm gần 3 tỉ USD. Trong thời gian đó, tỉ giá ngoại tệ biến động và bình quân trong sáu tháng đầu năm, 1 USD nhập khẩu xăng dầu gánh khoản lỗ gần 500 đồng. Tính ra, khoản lỗ phát sinh chênh lệch tỉ giá là hơn 1.400 tỉ đồng (chiếm 77,5% trong khoản lỗ 1.840 tỉ đồng).

Số lỗ còn lại (hơn 516 tỉ đồng) là do Petrolimex chi phí hoa hồng cho đại lý cao hơn định mức quy định (600 đồng/lít với xăng, diesel, dầu hỏa; 400 đồng/kg với mazút).

Petrolimex: Thoải mái chi hoa hồng, lỗ dân chịu ảnh 1

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Petrolimex bị lỗ do trả thù lao cho đại lý vượt định mức và tỉ giá ngoại tệ tăng. Ảnh: HTD

Petrolimex phải gánh?

Nhận xét về các khoản lỗ của Petrolimex, ông Nguyễn Tiến Thỏa nói hơn 516 tỉ đồng nêu trên là khoản chi vượt mức quy định so với quy định hiện hành. Đây không thể xem là khoản lỗ của Petrolimex trong kinh doanh xăng dầu. Khoản chi vượt này do Petrolimex tạo ra thì họ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể lấy ngân sách, quỹ bình ổn để bù vào khoản thất thoát đó. Nói cách khác, người dân không phải gánh khoản chi trên cho DN xăng dầu.

góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cũng giống như ngành điện, mặt hàng xăng dầu hiện nay đang bị Petrolimex độc quyền, thống lĩnh thị trường. Kinh doanh xăng dầu đang là hoạt động khép kín trong một hệ thống nên không có sự giám sát khâu phân phối giữa nhà cung cấp và đại lý, không ai biết đích thực tổn hao năng lượng ra sao… Hằng năm, các DN này tự tính toán các khoản hao tổn điện năng, năng lượng theo mức mà DN đưa ra, như thế sẽ không khách quan, minh bạch. “Vấn đề kiểm soát độc quyền rất quan trọng vì Chính phủ chưa có quy định cụ thể nào giám sát độc quyền trong trong kinh doanh cũng như tổn thất năng lượng, các chi phí phát sinh. Nhà nước cần có quy định cụ thể giám sát công việc này thay vì để DN tự làm” - ông Doanh nói.

Tăng quỹ bình ổn chứ chưa giảm giá xăng

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, giá xăng dầu thế giới đã xuống. Tính bình quân 30 ngày (từ 27-10 đến 25-11), giá xăng cơ sở thấp hơn giá bán hiện hành 288 đồng/lít. Trong khi đó, giá cơ sở của các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, mazút vẫn cao hơn giá bán hiện hành 1.204-1.334 đồng/kg. Mức chênh lệch giá xăng hiện nay chưa đủ lớn để Cục Quản lý Giá đề xuất điều chỉnh giảm. Thay vào đó, Cục tiếp tục giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu, cho các DN đầu mối trích quỹ bình ổn giá, đồng thời tăng thêm 250 đồng quỹ bình ổn xăng.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm