Ôm ngọc trai và... khóc

Lồng nuôi trai lấy ngọc tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế
Lồng nuôi trai lấy ngọc tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế
Thất vọng về cú đổi đời mang tên “ngọc trai”

Cách đây vài năm (2003), hàng trăm hộ dân tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) nức lòng khi nghe cán bộ Bộ KH&CN thuyết trình về mô hình nuôi trai lấy ngọc sẽ được áp dụng tại xã. Không mừng sao được bởi cứ theo lời của cán bộ thì, con trai giống mua từ Vân Đồn (Quảng Ninh) đem về thả trong lồng trên phá Tam Giang ở độ mặn 2%, thức ăn tự nhiên cho chất lượng ngọc tốt hơn nhiều so với chính “quê hương” của nó. Còn nữa, đơn vị chủ trì dự án là CTCP nuôi và dịch vụ thủy sản Thừa Thiên- Huế hứa hẹn sẽ liên kết với các doanh nghiệp đưa công nghệ về địa phương chế tác sản phẩm ngọc trai thành hàng lưu niệm, phục vụ du khách trong và ngoài nước

Cú đổi đời ngoạn mục tưởng chừng như đã đến khi từ năm 2005, Bộ KH&CN quyết định đầu tư 1 tỷ đồng để Sở KH&CN Thừa Thiên- Huế phối hợp với CTCP nuôi và dịch vụ thủy sản Thừa Thiên- Huế triển khai dự án “Tiếp nhận công nghệ và xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc” tại xã Lộc Bình thông qua việc hỗ trợ người dân tham gia dự án kỹ thuật thả nuôi 100 ngàn con trai giống cỡ 5cm, 4 ngàn con trai bố mẹ và 10 ngàn con trai nguyên liệu, đưa vào nuôi khoảng 400 lồng, trung bình mỗi lồng từ 60-70 con.

Vậy mà sau hơn 3 năm bỏ vốn, bỏ công, hiện hàng chục hộ nuôi đang thất vọng vì ngọc trai thu hoạch gần 1 năm nay không bán được.

Trai nuôi tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cho ngọc nhưng không có người mua
Trai nuôi tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cho ngọc nhưng không có người mua

Ông Trần Đình Phúc (thôn Hải Bình) ngồi bó gối nhìn ra phía phá Tam Giang, mắt vô hồn. Ông đang gặm nhấm nỗi thất vọng ê chề khi toàn bộ gia sản bỗng tan biến như bọt xàphòng. 50 triệu đồng là khoản tiền quá lớn đối với một ngư dân thuần chất như ông.

Ông Phúc không thuộc hạng người "thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào". Nhưng nghe nhiều về sự thành công của dự án, lại là hộ được “chọn” để tham gia học nghề nuôi trai lấy ngọc. Cứ theo lời của cán bộ của dự án thì chỉ cần một vốn nhưng đến mười lời, rõ ràng ấy là lối thoát nghèo cho bà con ngư dân chứ gì?

Vậy là ông bàn với vợ dẹp quách cái đầm tôm (vốn thua lỗ), thêm một ít vốn vay mượn, cha con ông tác nghiệp ngay trên diện tích đầm phá gần nhà. Quá trình nuôi, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, như: chăm sóc, vệ sinh lồng, cấy vật cứng vào con trai, thu hoạch...

“Sau hơn 3 năm nuôi, gia đình tui thu hoạch khoảng 150 viên ngọc, nhưng không bán được. Không biết sẽ làm thế nào để trả được số tiền 50 triệu đồng cho ngân hàng” – ông tâm sự mà như mếu.

Ông Lê Viết Sơn- Tổ trưởng nuôi trai thì lắc đầu quầy quậy giải thích về sự đã rồi: “không phải chúng tôi cả tin bởi ngoài việc trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân rộng diện tích nuôi trai lấy ngọc, đơn vị chủ trì dự án là CTCP nuôi và dịch vụ thủy sản Thừa Thiên- Huế hứa hẹn sẽ lo đầu ra”.

Nhưng giờ, nghèo chưa thoát, con trai lấy ngọc đã trở thành “của nợ”! Tại sao? Ông Sơn, thở dài: “Ngoài việc tuân thủ nguyên tắc làm lồng bằng lưới khung sắt nuôi con trai với mật độ 50 con/lồng, người dân tham gia dự án phải tốn công ba năm trời ròng rã theo thầy “ý nói các chuyên viên kỹ thuật đơn vị chủ trì dự án- PV) học nghề cấy ngọc vì màng con trai khi mổ cấy ngọc nếu rách, con trai sẽ chết…

Đưa tay lấy 100 viên ngọc được cất cẩn thận trong tủ, anh Nguyễn Ánh - một hộ nuôi trai buồn bã nói: “Anh em tui chịu cực, chịu khổ cấy ghép từng con trai bất kể thời tiết mưa hay nắng, mấy năm trời mới có được 100 viên ngọc này. Vậy mà bây giờ chẳng bán cho ai được. Nếu như là con cá, con tôm thì còn có thể ăn gỡ gạc cho đỡ đói chứ ngọc trai thì không thể ăn được. Chừng ấy viên ngọc nếu bà con tui phải vào Phú Quốc hoặc ra Quảng Ninh để bán, liệu có đủ tiền tàu xe...?”.

Trong cơn phẫn nộ, nhiều chủ hộ đã thề phá lồng. Cạch, cạch hẳn...

Xin đừng đùa giỡn với người nông dân!

Giữa năm 2008, trai nuôi cho thu hoạch ngọc thì đại diện của dự án là ông Tôn Thất Mẫn, Giám đốc CTCP nuôi và dịch vụ thủy sản Thừa Thiên- Huế lại cho hay, về nguyên tắc, dự án “Tiếp nhận công nghệ và xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc” tại Lộc Bình đã kết thúc từ năm 2007. Nhưng vì triển khai chậm nên đến tháng 6 - 2008 mới kết thúc. Còn hướng ra cho sản phẩm, phải đợi làm báo cáo nghiệm thu đề tài, sau đó mới triển khai tiếp.”

Ông Lê Túy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, dự án nuôi trai lấy ngọc kết thúc đột ngột, địa phương phải trích ngân sách để 5 hộ dân tham gia dự án cất công ra tận Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm thực tế nuôi trai lấy ngọc và tìm kiếm thị trường đầu ra. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi nên hàng chục hộ dân nuôi trai theo dự án đã bỏ hoang lồng bè sau 3 năm tiền mất tật mang vì con trai.

Lồng bè nuôi trai nuôi lấy ngọc bị bỏ hoang khi sản phẩm không có đầu ra.
Lồng bè nuôi trai nuôi lấy ngọc bị bỏ hoang khi sản phẩm không có đầu ra.

Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế lại cho hay, nuôi trai lấy ngọc trên phá Tam Giang là dự án mạo hiểm. Bởi, thời gian sinh trưởng và phát triển của con trai kéo dài một năm trong điều kiện độ mặn ổ định, không bị xáo chộn khi thiên tai bão gió. Nhưng thực tế, nguồn nước phá Tam Giang thay đổi thường xuyên, nhất là vào mùa mưa lũ. Ngoài ra, khâu cấy ngọc, chế tác sản phẩm rất khắt khe. Ngọc trai là một sản phẩm đặc biệt, không như con tôm con cá bán ở đâu cũng được.

Tại sao dự án triển khai? Ông Việt lý giải, Sở KH&CN vẫn triển khai vì họ coi đây là dự án thử nghiệm(!) Hiện tại, chúng tôi đang hoàn chỉnh đề án quy hoạch vùng nuôi nhiễn thể và tổng thể trên phá Tam Giang- Cầu Hai. Phân tích, hướng dẫn người dân cân nhắc trước khi tham gia các dự án nuôi trồng thử nghiệm, hạn chế tình trạng chạy đua theo lợi ích, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Thế là họ đã xong, mấy năm liền người dân theo đuổi ngọc trai để rồi trắng tay! Bởi một câu đơn giản: “đó là dự án thử nghiệm”. Họ là những ngư dân người vốn cơ cực cố vươn lên để thoát khỏi phận nghèo. Nhưng càng vùng vẫy khỏi vũng lầy đói rách ấy, dự án “của nợ” lại càng kéo họ lún sâu xuống vực.

Và trong "canh bạc ngọc trai" này, người thua cuộc không ai khác là ngư dân. Nhiều ngư dân ao ước rằng nếu họ biết thế từ đầu, giá như đừng tin quá vào lời của cán bộ dự án, giá như xã tỉnh táo hơn chút, giá như, giá mà…

Nói gì thì nói, thiệt hại lại đổ lên vai người nông dân. Và những thiệt hại về kinh tế sẽ không thấm bằng thiệt hại đánh mất đi niềm tin của người dân về việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của các vùng miền.

Anh Nguyễn Ánh giở cho tôi xem cuốn sổ tay nho nhỏ đặt ngay cạnh đống ngọc trai. Ở trong đó là chi chít những dòng chữ, những con số, tóm lại tổng thiệt hại hơn 30 triệu. Rồi anh này xúi tôi thay béng chữ "khóc" (ở tít) thành chữ "đói" đi. Không có sự trải nghiệm nắng gió muối sương như họ, song cái hình hài khổ hạnh của anh ám ảnh tôi mạnh quá. Thôi thì “khóc” hay “đói” gì thì cũng là dư vị cay cực cuối cùng.

Theo Trọng Hiếu (VnMedia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm