Ngành sản xuất ô tô trong nước lâm nguy

Mới đây Toyota bất ngờ cho biết hãng đang cân nhắc ngưng sản xuất ô tô tại Việt Nam, hướng sang nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN khi thuế suất nhập khẩu xe cắt giảm về 0% vào năm 2018. Theo tiết lộ của các chuyên gia ngành ô tô, không chỉ Toyota mà các hãng xe có nhà máy tại Việt Nam đều đã giảm sản lượng xe sản xuất và chuyển dần sang nhập khẩu xe từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Thua vì giá thành sản xuất

Là một nhà sản xuất lắp ráp có nhà máy tại Việt Nam, ông Trương Kim Phong, Giám đốc Marketing Công ty Ford Việt Nam, cho biết hiện nay 35%-40% sản lượng xe của hãng nhập khẩu chủ yếu nhà máy từ Thái Lan.

Theo ông Phong, mức thuế giảm khi các nước tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự điều chỉnh về kế hoạch sản xuất xe tại Việt Nam. Nguyên nhân khác là sản xuất lắp ráp tại Việt Nam chi phí cao hơn Thái Lan, Indonessia 20%-30% khiến xe sản xuất lắp ráp khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Các khoản thuế đẩy giá ô tô lên quá cao gây tác động xấu với ngành. Ảnh: HTD

“Không phải do chính sách hỗ trợ của Việt Nam dành cho ngành công nghiệp ô tô trong nước không có mà thiếu sự đồng bộ. Chính sách hỗ trợ các hãng xe xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam có, ưu đãi thuế có, khuyến khích công nghiệp hỗ trợ có. Tuy nhiên, năng lực doanh nghiệp (DN) hỗ trợ lại quá yếu, hỗ trợ chưa thiết thực. Cứ nhìn thị trường ô tô tại Việt Nam cả năm 2014 được coi là cao nhất cũng chỉ đạt 150.000 xe, các nước trong khu vực ASEAN gấp nhiều lần. Thị trường quá nhỏ thì làm sao các hãng xe muốn phát triển đầu tư, mở rộng sản xuất” - ông Phong phân tích.

Đại diện một DN nhập khẩu ô tô chỉ rõ tại Thái Lan, Malaysia hạ tầng giao thông đều tốt hơn hẳn, chi phí giao thông ít, đường cao tốc ở Thái Lan xe được chạy với tốc độ tới 140 km/giờ. Chưa kể thị trường tiêu thụ ô tô các nước trong khu vực đều cao. Năm 2014, Thái Lan tiêu thụ tới gần 900.000 xe, Indonesia 1,3 triệu xe và Malaysia 700.000 xe, ngay cả Philippines doanh số bán ô tô ở nước này cũng gấp đôi thị trường Việt Nam. Thị trường lớn tạo cơ hội cho các hãng xe lớn trên thế giới mở rộng đầu tư, sản xuất cho nội địa lẫn xuất khẩu.

Học gì từ Thái Lan, Malaysia

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết ngành ô tô Việt Nam không thể phát triển vì công nghiệp hỗ trợ Việt Nam yếu kém, các linh kiện và nguyên liệu sản xuất linh kiện phải nhập khẩu. Cùng với đó, chất lượng sản phẩm làm ra tại Việt Nam thấp. Cứ một triệu linh kiện sản xuất, Việt Nam có tới 200 linh kiện không đáp ứng mức độ chất lượng đòi hỏi, trong khi Malaysia 12, Thái Lan và Indonesia chỉ có năm.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, để có những bước phát triển như hiện nay, ngành ô tô Thái Lan đã có chính sách vững chắc, từng giai đoạn. Lúc đầu họ chỉ tập trung vào việc sửa chữa đơn thuần những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Từ đó chuyển sang lắp ráp thành phẩm từ những linh phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Giai đoạn tiếp theo họ chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng, tập trung vào những thiết bị gốc có giá trị gia tăng thấp. Giai đoạn thứ tư vẫn tiếp tục nội địa hóa khâu sản xuất phụ tùng nhưng đã chuyển sang sản xuất những thiết bị gốc có giá trị gia tăng cao. Giai đoạn cuối cùng, tập trung vào hoạt động R&D (phát triển và thiết kế sản phẩm), với mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm công nghiệp ô tô của khu vực. Để kịp thời phân phối nguồn linh phụ kiện cũng như thành phẩm, Thái Lan tạo nên một vùng sản xuất tập trung gọi là vành đai ô tô. Hiện nay Toyota tại Thái Lan chỉ nhập khẩu 5% linh kiện, còn lại đều tự sản xuất nội địa.

Còn đối với Indonesia, đại diện một DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước phân tích, Indonesia có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt thấp đối với xe chở khách thông thường và xe đa dụng, có loại xe mức thuế này chỉ còn 10%-20% tùy theo dung tích động cơ.

Vẫn nên lắp ráp

Muốn thu hút đầu tư, theo một số DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, Chính phủ cần nhanh chóng tăng quy mô thị trường, thị trường lớn sẽ khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Việc cần làm là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hỗ trợ người mua xe để cho giá xe hợp lý, kích thích nhu cầu mua xe của người dân tăng lên. Bên cạnh đó là phát triển hạ tầng giao thông phù hợp với tốc độ gia tăng phương tiện ô tô tham gia giao thông.

Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành JETRO tại TP.HCM, cho rằng chính sách Việt Nam nên hỗ trợ thiết thực cho những DN nhỏ và vừa mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ. Làm sao họ có thể đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, phát triển dài hạn vì ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi vốn đầu tư rất cao vì đó là ngành cơ khí có độ chính xác, an toàn, chất lượng, kỹ thuật cao.

Theo một chuyên gia ngành ô tô thì giải pháp cho ngành ô tô Việt Nam lúc này là có thể tạo nhiều ưu đãi như đã làm với Samsung, Intel trong lĩnh vực điện thoại, phần mềm để giữ chân và thu hút nhà đầu tư. Còn nếu hỗ trợ cho các DN nội địa cạnh tranh thì tốn kém, ngân sách không đủ. Ở thời điểm hiện tại các DN trong nước chỉ nên lắp ráp, gia công cho các doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên doanh liên kết, sau đó chuyển dần sang sản xuất.

Nhập khẩu ô tô tăng mạnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô trong toàn quý I-2015 đạt 23.000 chiếc và 537 triệu USD, tăng hơn 116% về lượng và tăng 155% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm