Mua nhà ở Mỹ không dễ ‘ăn’

Gần đây nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn, website… công khai quảng cáo mời chào mua nhà, đất tại Mỹ với giá hấp dẫn, lợi nhuận cao, chuyển ngoại tệ an toàn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu người mua nhà tại Mỹ sẽ gặp rủi ro gì? Việc chuyển ngoại tệ để mua nhà có hợp pháp?

Dễ như mua nhà ở Mỹ

Trong vai người có khoảng 200.000 USD (tương đương hơn 4 tỉ đồng) muốn mua nhà để đầu tư sinh lời bên Mỹ, anh M., chuyên viên môi giới nhà, đất có văn phòng đặt tại đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, khuyên tôi nên đầu tư hai căn ở bang Orlando, Florida vì nhà ở đây dễ mua, dễ bán và dễ cho thuê. Ngoài ra khi đã có nhà ở Mỹ, thủ tục xin visa vào nước này sẽ đơn giản hơn nhiều.

“Mỗi căn nhà có giá 90.000-100.000 USD, với 3-4 phòng ngủ, diện tích sử dụng hơn 120 m2 trên tổng diện tích đất 400 m2. Nó giống biệt thự vườn ở Việt Nam. Giả sử chị ký hợp đồng cho thuê một năm sẽ thu về 18.000-20.000 USD sau khi đã trừ thuế, bảo hiểm, phí quản lý… Đó là chưa kể giá nhà, đất ở Mỹ tăng 5%-7%/năm” - M. thuyết phục tôi.

Với cách quảng cáo như vậy không ít người sẽ thấy đây là kênh đầu tư khá tốt.

Khi đề cập đến việc chuyển ngoại tệ từ Việt Nam qua Mỹ để mua nhà bằng cách nào, anh M. và một số nhân viên môi giới nhà, đất cho hay họ không nhận chuyển tiền theo hình thức trao tay mà có phương thức thanh toán ngay tại Việt Nam hoặc thanh toán thẳng qua Mỹ nên rất thuận tiện và an toàn.

Cụ thể, với cách thanh toán thẳng qua Mỹ, bên môi giới sẽ tìm công ty xuất nhập khẩu còn hạn ngạch để chuyển ngoại tệ đi. Cách thức này cũng giống như chuyển tiền từ ngân hàng Việt Nam qua ngân hàng bên Mỹ chứ không phải chuyển lậu ngoại tệ! Mức phí cho dịch vụ này dao động 1%-1,5%. Đối với cách thanh toán tại Việt Nam, tức là thanh toán bảo đảm qua ngân hàng tương tự như mở tín dụng thư L/C.

“Sau khi người mua chuyển tiền vào tài khoản, ngân hàng sẽ phong tỏa số tiền đó, công ty môi giới ở Việt Nam hỗ trợ khách hàng thanh toán với bên Mỹ; người mua không cần quan tâm bên môi giới chuyển tiền như thế nào, miễn sao toàn bộ chứng từ khi chuyển về Việt Nam đứng tên của khách hàng và hoàn toàn hợp lệ để ngân hàng tiến hành giải tỏa số tiền đó. Chúng tôi đã làm cho nhiều người mua nhà thành công rồi” - nhân viên môi giới tên V. khẳng định.

 
Một trang web quảng cáo mua nhà bên Mỹ. Ảnh: HTD

Nguy cơ mất trắng

Chúng tôi đem ý định đầu tư nhà bên Mỹ đến xin ý kiến tư vấn của ông Trần Hữu Khánh, đường Nguyễn Thượng Hiền (quận Phú Nhuận, TP.HCM) hiện có con đang học bên Mỹ.

Ông Khánh nói: “Tôi cũng từng có ý định mua nhà bên Mỹ vừa để con ở, vừa cho thuê lấy tiền bù đắp chi phí cho con ăn học. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thấy kênh đầu tư này sinh lời chẳng đáng là bao. Bởi sau khi mua nhà ở Mỹ, tiền thuế hằng năm rất đắt, cái nhà bình thường thuế cũng lên tới 2.500-3.000 USD/năm. Chưa kể đến các loại bảo hiểm bắt buộc (tùy theo từng bang), phí môi giới, an ninh, làm vườn… Tính kỹ chi phí để duy trì ngôi nhà đã đủ chết rồi, chưa kể không biết có cho thuê được không”.

Riêng về cách thức chuyển ngoại tệ, ông Khánh khuyên tôi: “Nên suy xét kỹ vì luật chống rửa tiền của Mỹ rất chặt chẽ. Nếu không chứng minh được nguồn tiền mang vào Mỹ có thể mất trắng như chơi. Mặt khác, khi biết gửi tiền kiểu đó (bằng con đường không chính thức - PV) quá mạo hiểm nên tôi từ bỏ ý định đầu tư. Môi giới nói chuyển tiền qua Mỹ dễ, an toàn nhưng chuyển tiền trót lọt với số lượng lớn không dễ”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết Nghị định 70/2014 cho phép cá nhân chuyển tiền cho các mục đích như học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch

“Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ chế chuyển ngoại tệ nhằm mục đích đầu tư bất động sản. Nghĩa là việc đem ngoại tệ đi mua nhà ở Mỹ chắc chắn là không đúng quy định của pháp luật” - ông Minh nói.

Trường hợp cá nhân chuyển tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, theo ông Minh, chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp có dự án đầu tư ở Mỹ. Sau đó, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cấp phép, tiếp đó chuyển giấy phép này qua NHNN để chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Minh cũng nhấn mạnh chuyển khống ngoại tệ là hành động mà không có ngân hàng nào dám làm. “Riêng vấn đề chuyển ngoại tệ qua công ty xuất nhập khẩu còn hạn ngạch, chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Song nếu có tình trạng này thì chắc chắn đơn vị xuất nhập khẩu sẽ vướng phải các chế tài theo pháp luật”.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Văn phòng Luật sư Hasslaw, phân tích chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam chưa “mở” cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mang tiền ra nước ngoài mua nhà. Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN cho phép mỗi cá nhân Việt Nam xuất cảnh được mang theo người lượng ngoại tệ tối đa không phải khai báo hải quan là 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Nếu số ngoại tệ mang theo trên 5.000 USD không xuất trình được giấy phép của ngân hàng thương mại, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, số tiền chênh lệch này sẽ bị hải quan tịch thu và sung công quỹ.

Trường hợp xuất cảnh mang theo ngoại tệ vượt quá mức quy định cho phép có giá trị lớn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép tiền tệ.

Dụ khách hàng

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nói những người môi giới luôn thuyết phục khách hàng chuyển tiền qua Mỹ “dễ như ăn bắp” để dụ khách hàng nhưng quy định của NHNN khi chuyển ngoại tệ vào hay ra đều rất chặt chẽ. Bởi vậy việc chuyển tiền “ké” các DN xuất nhập khẩu rất khó thực hiện hoặc quá rủi ro.

Thêm nữa, nếu khách hàng chọn cách này tức là đang chuyển lậu, không thông qua con đường chính thống. Do đó sẽ không thể lấy được chứng từ chứng minh ngân hàng đã chuyển tiền. Như vậy khả năng rủi ro là rất lớn vì không biết chính xác số tiền mình gửi được chuyển đi đâu, có chuyển đúng mục đích hay không...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm