Lò rượu thủ công vẫn “sống được”

Ngày 26-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết vài ngày tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 94/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, thay thế cho Thông tư 10 hướng dẫn Nghị định 40/2008. Theo đó, Nghị định 94 áp dụng cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu là các doanh nghiệp và cá nhân, hộ sản xuất rượu thủ công thực hiện giao dịch mua bán. Không áp dụng cho trường hợp sản xuất rượu phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp.

Cụ thể, đối với trường hợp sản xuất rượu thủ công bán cho các doanh nghiệp sản xuất rượu để chế biến lại, người sản xuất rượu thủ công chỉ cần đăng ký, thông báo với UBND xã, phường; không bắt buộc phải công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký nhãn hàng hóa và không phải dán tem. Trường hợp này, người sản xuất chỉ được bán rượu do mình sản xuất ra cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu.

Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thông thường, cá nhân, hộ sản xuất được tổ chức phân phối, bán buôn rượu do mình sản xuất, chỉ được phép bán lẻ sản phẩm rượu trực tiếp tại hệ thống cửa hàng đúng quy định. Trường hợp này, người sản xuất phải làm thủ tục đăng ký giấy phép sản xuất với Phòng Kinh tế (Công Thương) các huyện, quận mà không phải đề nghị cấp giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu. Người sản xuất rượu thủ công không được nhập khẩu sản phẩm rượu, rượu bán thành phẩm, cồn thực phẩm và phụ liệu rượu để pha chế thành rượu thành phẩm.

Theo ông Dũng, so với Nghị định 40 trước đây thì Nghị định 94/2012 quy định mở hơn với sản xuất rượu thủ công với hộ cá nhân nhỏ lẻ về giấy phép đăng ký và nhãn mác. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng Nghị định 94 ban hành nhằm khuyến khích các địa phương đưa nấu rượu thủ công đơn lẻ thành hội làng nghề có quy chuẩn, nâng cao chất lượng theo quy trình.

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm