Lãi suất cơ bản: Khó thực hiện

Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố có hiệu lực ngày 1-3 là 8%/năm, như vậy trần lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng tính theo Bộ luật Dân sự là 12%/năm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngân hàng cho người dân vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn đến 15%-18%/năm. Thậm chí có công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi áp dụng lên đến 25%/năm.

Lãi suất cho vay: 25%/năm!

Chị NH nhà ở quận 8, TP.HCM cho biết cuối năm 2009, do có nhu cầu mua căn hộ chung cư để ở nên chị thế chấp nhà của cha mẹ cho một ngân hàng có điểm giao dịch ở đường Lý Thường Kiệt (Tân Bình) để vay tiền. Điều đáng nói là số tiền vay 100 triệu đồng, trả cả gốc lẫn lãi trong năm năm nhưng ngân hàng tính lãi 1,3%/tháng, tính ra chị phải chịu lãi là 15,6%/năm. Nghĩa là vay 100 triệu đồng, trung bình một năm chị H. phải trả tiền lãi là 15,6 triệu đồng.

“Nhưng khoản lãi nói trên trong hợp đồng phía ngân hàng áp cũng không cố định. Ngân hàng cho biết cứ sau ba tháng sẽ có điều chỉnh, tăng giảm lãi vay tùy theo biến động của lãi suất thị trường” - chị H. cho biết.

Không chỉ có các hợp đồng vay vốn phải chịu lãi suất cao mà các trường hợp sử dụng dịch vụ thẻ cũng chịu mức lãi tính rất cao từ 15% đến 18%/năm.

Lãi suất cơ bản: Khó thực hiện ảnh 1

Chiếu theo Bộ luật Dân sự thì nhiều hợp đồng cho khách hàng vay vốn của ngân hàng hiện tại đang phạm luật. Ảnh minh họa: M.THẢO

Trong hợp đồng sử dụng dịch vụ thẻ Visa do một ngân hàng có trụ sở trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cấp cho khách hàng TM đầu năm 2010 áp dụng mức lãi 1,3%/tháng. Anh M. cho biết sử dụng thẻ Visa này tiện lợi vì khi đi nước ngoài có thể rút tiền được. Tuy nhiên, cách tính phí và lãi của loại thẻ này rất cao. Như trong bảng thông báo số tiền nợ do dùng thẻ Visa mà ngân hàng này gửi cho anh vào tháng 2-2010 đã ghi mức lãi ngân hàng tính cho các khoản rút tiền là 1,3%/tháng, mức lãi này so với tháng trước vượt hơn 0,05%.

Ở các ngân hàng cho vay ngắn hạn lãi 15%-18%/năm đã cao nhưng hiện nay nhiều công ty tài chính khi áp mức lãi cho vay tiêu dùng còn khủng khiếp hơn khi lãi tính khoảng 25%/năm. Mới đây, một công ty tài chính khi ra chương trình cho khách hàng vay tiêu dùng đã áp mức lãi này.

Thực tế khi phóng viên vào vai một khách hàng muốn vay tiêu dùng trong dịp tết thì được nhân viên công ty tài chính này tư vấn nếu có thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì được công ty cho vay 48 triệu đồng, được trả trong năm năm. Và lãi suất tính theo hai cách: Công ty sẽ tính lãi 1,3%/tháng trên tổng số tiền vay, còn nếu người vay trả lãi theo số dư nợ giảm dần thì lãi vay sẽ tính ở mức 2,3%/tháng.

Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh

Việc lãi suất cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính đang áp dụng cao như nêu trên khởi nguồn từ các văn bản pháp luật của NHNN.

Như trước đó NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng khi cho vay ngắn hạn, vay tiêu dùng, vay thông qua các hình thức phát hành thẻ... được áp dụng lãi suất thỏa thuận. Và mới nhất ngày 26-2, NHNN tiếp tục có Thông tư 07 cho phép các ngân hàng được áp mức lãi vay thỏa thuận khi cho vay trung và dài hạn. Nghĩa là hiện các ngân hàng, công ty tài chính cho khách hàng vay vốn với lãi suất từ 15% đến 18%/năm, thậm chí đến hơn 25%/năm cũng được.

Tuy nhiên, vấn đề này đang được xem là trái luật khi quy định của Bộ luật Dân sự chỉ chấp nhận lãi suất cho vay của ngân hàng không được vượt quá 150% so với lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Nếu lấy lãi suất cơ bản do NHNN công bố có hiệu lực từ 1-3 là 8%/năm để tính thì trần lãi suất cho vay mà các ngân hàng hiện được áp dụng chỉ là 12%/năm. Và với mức lãi cho vay này thì xem như việc cho vay vốn ngắn hạn, vay tiêu dùng, vay trung và dài hạn của các ngân hàng trong thời gian qua đã phạm luật.

Không phạm luật không thể tồn tại?

Hầu hết các hợp đồng cho khách hàng vay của các ngân hàng hiện nay nếu đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự đều vi phạm. Bởi lẽ với lãi suất cơ bản 8%/năm thì trần cho vay 12%/năm nhưng nếu áp lãi cho vay như vậy thì không ngân hàng nào có thể tồn tại. Bởi hiện tại, ngân hàng huy động tiền gửi với lãi huy động tính trung bình đã 10,499%, nếu cộng thêm các khoản thưởng tiền, khuyến mãi... thì lãi lên 12%-14%/năm. Không cho vay với lãi cao hơn mức này thì ngân hàng lấy tiền đâu để đảm bảo hoạt động cho hệ thống và có lãi cho cổ đông.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP.HCM

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm