Không có vỏ lạp xưởng bằng nylon

Gần đây, một số thông tin cho rằng nylon được dùng thay ruột heo khô để làm lạp xưởng khiến người tiêu dùng hoang mang. Một bài viết trên báo cho biết tác giả mua “ruột heo khô” tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) rồi hơ trên lửa, ngâm trong nước thì nhận thấy có mùi khét của nhựa, không thấm nước, không bị bở. “Ruột heo” này giống nylon hoặc cao su. Thông tin trên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lạp xưởng ảnh hưởng.

Để làm rõ, chúng tôi tìm mua ruột heo khô ngay sạp mà tác giả bài viết nói trên đã mua. Người bán đưa chúng tôi xem nhiều xấp ruột heo bó gọn gàng, ngay ngắn, thoạt nhìn giống nylon và được bán với giá 700.000 đồng/kg. Hỏi sao không nhãn mác, không ghi nơi sản xuất, người bán quả quyết ruột heo khô được chế biến trong các cơ sở quen thuộc. Hỏi ruột heo khô nhìn giống nylon vậy, người bán trả lời nylon không thể dùng chế biến lạp xưởng.

Không có vỏ lạp xưởng bằng nylon ảnh 1

Mẫu ruột heo khô mua ở chợ An Đông không phải làm bằng nylon, cho dù thoạt nhìn giống nylon. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chúng tôi mang xấp ruột heo khô gặp bà Võ Lê Phương Trang, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến thực phẩm Nam Phong (TP.HCM), nhờ tư vấn. Bà Trang cho biết xấp ruột chẳng giống nylon nhưng lại không khẳng định được làm từ ruột heo tươi. Ruột heo dùng làm vỏ lạp xưởng có nhiều nguồn, kể cả ruột nhân tạo nhưng hiện không được kiểm soát.

Bà Trang còn cho biết quy trình chế biến ruột heo khô như sau: Cạo sạch lớp niêm mạc bên trong ruột già của heo rồi cán mỏng, rửa nước muối, thổi phồng, phơi khô (ít nhất ba nắng), xếp gọn. Trước khi nhồi thịt, ruột heo khô được xâm nhiều lỗ nhỏ để hơi nước thoát ra ngoài trong quá trình sấy khô. “Trước đây xí nghiệp sử dụng ruột heo khô tự làm. Hiện do sản lượng lạp xưởng tăng nhiều nên xí nghiệp mua ruột heo từ các cơ sở đăng ký hẳn hoi với giá 600.000 đồng/kg” - bà Trang nói.

Chúng tôi tiếp tục mang mẫu ruột heo khô đến gặp ông Lâm Bá Nhĩ, Trưởng phòng KCS Công ty Vissan (TP.HCM). Ông Nhĩ ngâm ruột heo khô trong nước chưa đầy một phút đã mềm nhũn, bở vụn. Khi đốt có mùi khét của thịt. Ông Nhĩ khẳng định mẫu ruột heo khô được làm từ ruột heo. Ông Nhĩ còn cho biết lạp xưởng khi sấy sẽ thoát hơi nước, teo nhỏ lại. Trong khi nylon cho dù đã xâm nhỏ nhưng khó thoát hơi nước khiến lạp xưởng ít teo, mau hư, lại có mùi nhựa. Chưa hết, nếu sử dụng nylon làm vỏ lạp xưởng thì khi nhai sẽ dai, không cắn đứt, rất dễ nhận biết. Vissan cũng sử dụng ruột heo khô tự chế biến.

Chúng tôi tiếp tục mang mẫu ruột heo khô đến phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia vật liệu polyme và compozit thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phân tích. Kết quả cho thấy không phải nylon. Còn muốn xác định thành phần của “ruột heo khô” thì phải phân tích trong thời gian dài.

TRẦN NGỌC - TRẦN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm