Hàng nông nghiệp: Cái gì cũng nhập!

Là nước xuất khẩu dẫn đầu nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, điều, tiêu, thủy sản… nhưng Việt Nam cũng là nước phải nhập khẩu quá nhiều mặt hàng liên quan đến nông nghiệp.

Trái cây: Xuất 180 triệu USD, nhập 200 triệu USD

. Phóng viên: Theo số liệu mới công bố của Bộ Công thương, trong bốn tháng đầu năm 2010, Việt Nam phải nhập quá nhiều sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp. Là chuyên gia trong ngành nông nghiệp, ông nhận xét như thế nào về việc này?

+ GS-TS Bùi Chí Bửu,

Viện trưởng Viện Khoa

học nông nghiệp miền Nam (ảnh): Việc nước ta phải nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp nhiều không phải là điều xa lạ. Năm 2009, riêng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lên tới 2,1 tỉ USD; từ đầu năm đến nay nhập khoảng 850 triệu USD. Hay với mặt hàng trái cây, xuất khẩu hằng năm cỡ 180-200 triệu USD thì ta cũng nhập khẩu tới 200 triệu USD/năm. Một mặt hàng ít người quan tâm là hạt giống rau quả mỗi năm ta cũng phải nhập tới 150 triệu USD. Có thể nói Việt Nam đã chi ra quá nhiều tiền cho việc nhập khẩu các mặt hàng liên quan tới nông sản, dù trên thực tế doanh nghiệp trong nước có thể hạn chế được việc nhập khẩu này.

. Đại diện Bộ Công thương cho hay việc nhập khẩu nông sản hay nguyên liệu để phục vụ tốt hơn cho sản xuất. Lý giải như vậy có hợp lý không thưa ông?

+ Nói lý giải đó hợp lý hay không hợp lý cũng được. Chẳng hạn như phân bón chỉ đảm bảo đủ 60% cho sản xuất vì thế phải nhập khẩu. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang nhập khẩu một số mặt hàng mà trong nước có khả năng sản xuất được. Hay như mặt hàng đậu nành làm ra khô dầu, trong nước sản xuất bán với giá 18.000 đồng/kg trong khi nhập khẩu chỉ với mức giá 10.000 đồng/kg. Điều này làm cho các doanh nghiệp muốn nhập khẩu hơn là mua bán trong nước.

Hàng nông nghiệp: Cái gì cũng nhập! ảnh 1

Mặt hàng trái cây trong nước được xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng không kém. Ảnh: HTD

Tăng năng suất

. Thức ăn chăn nuôi là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất, dù rằng trước đây nhiều người đã lên tiếng cảnh báo?

+ Nguyên nhân chủ yếu là do giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước sản xuất quá cao. Năng suất bắp của Mỹ đạt 18 tấn/ha trong khi tại Việt Nam chỉ đạt 4 tấn/ha. Vì thế nếu ta nâng năng suất lên thì giá thành sẽ hạ và việc nhập khẩu sẽ được giảm hơn. Theo tôi, cây lúa là bài học quyết tâm cho cây bắp và hy vọng sẽ làm được.

. Vậy theo ông, cần phải có những giải pháp nào hạn chế nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp mà Việt Nam sản xuất được?

+ Thế giới có sự phân công rất rõ ràng nước này làm gì và nước khác làm gì nhưng nếu có chiến lược đúng chúng ta vẫn có thể giảm được việc nhập khẩu. Bài học lớn nhất là từ cây lúa. Trước đây Việt Nam là nước luôn thiếu lương thực nhưng từ khi xem đây là cây lương thực trọng điểm, ta đã tăng năng suất từ 4 lên 10 tấn/ha và đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Tương tự như cây bắp, nếu ta có quy hoạch và có phương án chăm sóc, phân bón, tưới tiêu hợp lý thì chắc chắn việc giảm nhập khẩu bắp là chuyện hoàn toàn có thể làm được. Chưa nói đâu xa, chỉ cần tăng năng suất trồng bắp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có thể giảm lượng nhập khẩu đáng kể.

. Cảm ơn ông.

Mặt hàng nông sản có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất là cao su và bông, đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, trong bốn tháng qua đã có 636.000 tấn lúa mì được nhập về Việt Nam với giá trị 155 triệu USD, tăng 61% về lượng và 56% về giá trị. Ngoài ra, các mặt hàng khác như: gỗ và sản phẩm gỗ (giá trị nhập khẩu tăng 51,8%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 30,2%), thuốc trừ sâu và nguyên liệu (tăng 38%)...

TR.HIẾU - THU NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm