Giải pháp phục hồi hậu khủng hoảng

Hôm qua (20-6), Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã tổ chức hội thảo khả năng phục hồi và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam hậu khủng hoảng. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.

Xuất khẩu: Phụ thuộc vào nước ngoài

Tiến sĩ Võ Thanh Thu, Trưởng bộ môn Kinh doanh quốc tế Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định cuộc khủng hoảng đã tác động sâu sắc tới xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu trong năm tháng đầu năm đạt khoảng 22 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều suy giảm nhiều. Thủy sản giảm 8,1%, dệt may giảm11%, gỗ giảm gần 20%.

Theo bà Thu, lý do khiến xuất khẩu trong nước giảm mạnh là do thị trường xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung và phụ thuộc vào bên ngoài. Dù hàng hóa của doanh nghiệp đã xuất khẩu đến hơn 200 nước nhưng trên 80% giá trị hàng hóa tập trung tại Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc... Hàng xuất khẩu của Việt Nam còn quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khi 60%-70% nguyên liệu của các ngành như giày dép, may mặc, nhựa phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, khi những thị trường trên gặp khó khăn tất yếu ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Tái cấu trúc các ngành

Giáo sư Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết có hai quan điểm khác nhau về nền kinh tế Việt Nam hậu khủng hoảng. Quan điểm thứ nhất là sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm, phải mất một thời gian dài mới có thể tăng tốc. Theo quan điểm thứ hai, sau khủng hoảng kinh tế, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhanh.

Theo giáo sư Tuyền, dù tiếp cận theo quan điểm nào thì để bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả bền vững, nước ta phải nhanh chóng tái cấu trúc các ngành, các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm do cuộc khủng hoảng để lại. Tiếp theo cần điều chỉnh các lĩnh vực, quan hệ kinh tế tương thích với trào lưu chung của hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, cần cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng mở rộng quy mô vốn, giảm thiểu các ngân hàng nhỏ. Nâng cao hơn nữa vai trò điều tiết của ngân hàng trung ương bằng các chính sách điều hành vĩ mô.

Giúp tìm khách hàng tại “sân nhà”

Tiến sĩ Võ Thanh Thu cho rằng Chính phủ cần áp dụng mạnh các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế để kiểm soát hàng nhập khẩu cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tìm kiếm thị trường nội địa. Biện pháp này có thể không phù hợp trong nền kinh tế hội nhập nhưng cần thiết trong thời kỳ khủng hoảng. Thời gian qua, nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Úc... cũng đã áp dụng chính sách này để bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, thời gian qua tuy có áp dụng nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo bà Thu, nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho bảo quản chuyên dụng và trung tâm giao dịch thương mại quốc tế ở vùng nông sản trọng điểm thay vì hỗ trợ qua thuế. Như vậy mới duy trì được chất lượng nông sản, giúp doanh nghiệp có điều kiện tích trữ để xuất khẩu nông sản khi thị trường có giá cao. Các hiệp hội ngành hàng cần điều phối doanh nghiệp trong ngành để chia sẻ các hợp đồng xuất khẩu lớn. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tránh cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.