Đóng tàu vỏ thép: Gỡ vướng cho ngư dân

Điều này dẫn đến mất thời gian xin ý kiến đăng ký mẫu mới tại Tổng cục Thủy sản và làm chi phí đóng tàu vỏ thép theo mẫu mới cao hơn rất nhiều. Đây là thực tế được các địa phương nêu ra tại cuộc họp trực tiếp sơ kết Nghị định 67/CP về phát triển thủy sản diễn ra ngày 24-4 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết vì lý do trên đây mà hiện nay Quảng Ninh chưa có tàu cá nào được vay vốn theo Nghị định 67. Ngoài ra, một số ngư dân phản ánh các cơ sở định giá con tàu đóng mới hơi cao; phần mềm thiết kế tàu chưa được cung cấp nên điều chỉnh thiết kế hoặc tính toán giá chưa có căn cứ. Do đó địa phương đề xuất các cơ sở đóng tàu cần cập nhật chi tiết phần mềm thiết kế và đưa giá hợp lý nhất. “Chúng tôi cũng nói với cơ sở đóng tàu đừng đặt vấn đề lãi mà hòa vốn là được. Nếu không tháo gỡ khó khăn trên, chương trình này rất khó đưa vào cuộc sống” - ông Hậu nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng thời gian cho vay đóng tàu quá ngắn và giá trị con tàu quá lớn nên ngư dân cũng ngần ngại. Trong khi đó nhiều ngân hàng vẫn còn chần chừ, chưa quyết liệt cho vay dẫn đến chậm tiến độ của chính sách. “Thời gian cho vay đóng tàu vỏ thép nên kéo dài 16 năm. Giá thành tàu thép gấp đôi so với tàu vỏ gỗ cùng công suất, trong khi đó sản lượng khai thác của tàu vỏ thép không hơn nhiều. Nếu để thời hạn vay 11 năm, ngư dân rất khó hoàn vốn, trả nợ” - ông Thọ đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách lâu dài, khi nào thực hiện đóng được 2.600 con tàu sẽ tính đến chuyện có dừng chính sách hay không. Về thiết kế, phó thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xem xét ủy quyền và hướng dẫn cho địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt những điều chỉnh nhỏ không ảnh hưởng đến an toàn, tính năng của tàu. Về chính sách tín dụng, các ngân hàng xem xét mức vay theo nhu cầu và khả năng của ngư dân; kéo dài thời gian vay vốn; giảm dần lãi suất. “Tinh thần là phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, lựa chọn mức và thời hạn vay, không để “cò mồi” ép vay chỗ này, ép vay nhiều vay ít. Thẩm định hợp đồng vay là ngân hàng, còn giá trị con tàu trước mắt đề nghị thuê công ty tư vấn thẩm định độc lập” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo báo cáo của ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện đã có 22/28 tỉnh, TP phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá. Cụ thể, số tàu đăng ký đóng mới là 602 chiếc có công suất từ 400 CV trở lên. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 28 tàu với tổng số tiền là 243,31 tỉ đồng với thời hạn vay 11 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm