Chưa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay vẫn đúng theo quy định” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), khẳng định tại buổi họp báo quý I của Bộ Tài chính chiều 10-4.

Cứ họp là giảm giá xăng!?

. Lý do nào Bộ Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) giảm giá xăng dầu 500 đồng ngày 9-4?

+ Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu chiều 9-4, Bộ Tài chính thực hiện theo Nghị định 84 với tần suất điều chỉnh tối đa 10 ngày. Theo đó, chốt ngày 8-4, liên bộ thấy có chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ dương (+) 450 đồng nên đã yêu cầu DN điều chỉnh. Theo đó, DN giảm 500 đồng/lít với xăng, 450 đồng/lít với dầu hỏa và diesel, riêng với dầu mazut do chênh lệch thấp ở mức 42 đồng thì đề nghị DN tiếp tục theo dõi.

. Có ý kiến cho rằng Bộ thường chỉ đạo giảm giá xăng dầu trước mỗi lần họp báo thường kỳ quý hoặc kỳ họp Quốc hội để trấn an dư luận?

+ Tôi khẳng định không có chuyện đó. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bộ Tài chính điều hành đúng theo chu kỳ tính giá.

. Trong mỗi lần điều chỉnh giá, các DN thường lấy lý do quỹ bình ổn bị âm, kinh doanh lỗ. Vậy quỹ này hiện nay ra sao, Bộ đã kiểm tra chuyện lỗ lãi thực sự của DN chưa?

+ Theo Thông tư 234, quỹ được trích lập ở mức 300 đồng/lít, kg và sử dụng theo điều hành giá của liên bộ. DN có trách nhiệm báo cáo định kỳ ba tháng một lần về số dư quỹ bình ổn và khi có yêu cầu đột xuất.

Chưa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu ảnh 1

Lần giảm giá xăng 500 đồng/lít này không thuyết phục được người dân nếu so với lần tăng giá kỉ lục mới đây. Ảnh: HTD

. Ngày 26-2, giá cơ sở của mặt hàng xăng đã giảm 1.200 đồng/lít so với thời điểm 25-2 và giá bán lẻ chỉ thấp hơn giá cơ sở khoảng 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, liên bộ vẫn cho xả quỹ bình ổn 2.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu khiến các DN lãi lớn?

+ Thời điểm ngày 26-2, giá cơ sở chênh giá bán lẻ 2.300 đồng/lít xăng. Trước đó, các DN đã dùng quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, sau khi tính bình quân 30 ngày, liên bộ thấy mức chênh lệch giá trên 2.000 đồng nên cho trích sử dụng thêm 1.000 đồng nữa để kềm khả năng tăng giá. Như vậy tổng mức trích quỹ là 2.000 đồng chứ không phải lúc đó DN sử dụng ngay 2.000 đồng. Tính đến ngày 28-3, quỹ âm 524 tỉ đồng và đến ngày 30-3 là khoảng 430,9 tỉ đồng.

Yêu cầu giảm giá thay vì tăng thuế

. Có thông tin phản ánh giá xăng dầu các nước xung quanh đang thấp hơn giá tại Việt Nam? Quan điểm của Bộ như thế nào?

+ Với một số nước thực hiện theo cơ chế thị trường thì giá xăng dầu sẽ cao hơn ở Việt Nam, một số được bao cấp mặt bằng thì giá thấp hơn. Tuy nhiên, việc xem xét chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước chung biên giới chỉ là một khía cạnh, điều hành xăng dầu vẫn phải theo Nghị định 84. Nếu giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì trước hết liên bộ sẽ yêu cầu dùng quỹ bình ổn, còn nếu giá bán lẻ cao hơn cơ sở thì yêu cầu giảm giá.

. Vậy Bộ có tính đến phương án tăng thuế nhập khẩu xăng dầu không?

+ Điều hành xăng dầu vẫn nguyên tắc thị trường có điều tiết qua quỹ bình ổn giá và thuế. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu các loại xăng dầu trong nước còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định nhưng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, Nhà nước và DN thì trước mắt vẫn chưa khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu, thay vào đó là quyết định yêu cầu các DN giảm giá.

Không sòng phẳng với người tiêu dùng

Lần giảm giá xăng 500 đồng/lít này không thuyết phục được người dân nếu so với lần tăng giá kỷ lục mới đây. Xét về biện pháp điều hành không hợp lý khi mà lần tăng giá liền trước, giá thế giới giảm mạnh nhưng Bộ Tài chính lại cho tăng giá rất cao. Cách điều hành này không sòng phẳng với người tiêu dùng, chỉ đặt lợi ích của DN lên trên hết. Câu chuyện minh bạch giá xăng dầu vẫn luôn là câu hỏi bỏ ngỏ với cơ quan quản lý và các DN liên quan. Mọi công việc từ đăng ký giá, tính toán giá, trích quỹ bình ổn… đều chỉ có liên bộ và các DN liên quan biết. Ai dám bảo đảm tính minh bạch cho cách điều hành này? Người tiêu dùng cần được nhìn thấy những con số thực công khai thay vì chỉ nghe báo cáo từ một phía.

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN

Đây là “nghệ thuật” điều hành của liên bộ!

Mức giá cơ sở Bộ Tài chính đưa ra rất khó kiểm chứng được tính đúng đắn bởi chu kỳ tính giá chưa thống nhất, lúc thì bình quân 30 ngày, lúc thì 10 ngày. Đặc biệt, quỹ bình ổn giá nằm ở DN nên việc sử dụng và báo cáo khó có sự khách quan. Đã là DN thì ai cũng muốn đem lại lợi nhuận cho mình. Chỉ khi nào bóc tách được khâu kiểm soát giá và quỹ bình ổn giữa cơ quan điều hành và DN thì mới mong có sự minh bạch.

Cũng cần phải nói thêm, với lần điều chỉnh giảm giá xăng 500 đồng/lít vừa qua, dư luận có quyền đặt nghi vấn rằng đây là “nghệ thuật” điều hành giá của liên bộ Tài chính - Công Thương trong bối cảnh dư luận đang bức xúc vì lần tăng giá trước đó. Bên cạnh đó, mức giảm 500 đồng chưa thấm vào đâu so với lúc tăng giá nhưng liên bộ vẫn có cơ sở để đưa vào báo cáo trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Chuyên gia kinh tế - TS  NGÔ TRÍ LONG

TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm