‘Chặt chém’ làm xấu du lịch Việt Nam

Những ngày gần đây, dư luận lại bức xúc vì tình trạng “chặt chém” du khách diễn ra ở nhiều nơi.

Hai vợ chồng Việt kiều ăn hai bát phở ở Hà Nội bị chủ quán tính tiền 800.000 đồng. Đi Nha Trang nghỉ mát, du khách mua một con cua cân nặng 1,2 kg nhưng sau khi luộc xong còn 400 g. Ăn tôm sú ở Hải Phòng, du khách nước ngoài bị chém 1,4 triệu đồng/kg…

Đây là những hành vi làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam (VN) và không thể chấp nhận. Tình trạng “chặt chém” du khách này cũng đã được một số đại biểu đề cập tại hội thảo Phát triển du lịch VN trong thời kỳ mới diễn ra ngày 7-7 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (vcci) tổ chức.

Bất an vì “chặt chém”, cướp giật

Doanh thu ngoại tệ từ du lịch chỉ đứng sau bốn ngành xuất khẩu hàng hóa là dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham gia hội thảo, không khó để nhận ra những thách thức, hạn chế mà du lịch VN đang tồn tại.

Ông Nguyễn Việt Thông (VCCI) nhìn nhận: “Thái độ phục vụ còn kém, tình trạng mất ATGT diễn ra ở nhiều địa phương. Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và khách du lịch. Nhiều tệ nạn tiêu cực phổ biến như cướp giật, móc túi vẫn chưa được giải quyết”.

Sự thân thiện là một trong những điểm nhấn đối với du khách mà ngành du lịch cần hướng tới. Ảnh: VIẾT THỊNH

Tình trạng trên cũng được đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT VN (Vietravel) đề cập. Vị này cho rằng trong nhiều năm qua, các vụ cướp giật tài sản của du khách nước ngoài vẫn xảy ra khiến du khách bất an. Cạnh đó, hành vi lừa đảo, gian lận, tăng giá, “chặt chém”, đeo bám khách, ép khách du lịch mua hàng giá cao… vẫn không ngừng xảy ra ở nhiều nơi.

Nói về việc “chặt chém” du khách, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch, nêu thực trạng thời gian gần đây xuất hiện một số hành vi bắt chẹt khách du lịch. Thậm chí nó xảy ra ngay tại địa phương đã quản lý rất tốt hiện tượng này trước đó như Sầm Sơn. Ông Tuấn cho rằng các nước phát triển du lịch đều gặp phải vấn đề này, không riêng gì VN. Tuy nhiên, một số địa phương đã chấn chỉnh được tình trạng này như Huế, Đà Nẵng và Hội An.

“Vấn đề ở đây là phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này để tạo được môi trường tốt và làm du khách hài lòng. Ngành du lịch sẽ thông tin, đề xuất với các địa phương những biện pháp phù hợp với những vấn đề còn tồn tại” - ông Tuấn nói.

Bình luận về thực trạng này, ông Vũ Hùng Việt - Tổng Giám đốc Saigontourist bày tỏ: “Nếu không nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ thì du khách sẽ từ bỏ và loại doanh nghiệp ra khỏi sân chơi chung, từ các công ty lữ hành, khách sạn đến nhà hàng. Phục vụ tốt không chỉ gia tăng doanh thu mà còn xây dựng thương hiệu cho người làm du lịch”.

Quốc gia du lịch?

Bên cạnh tình trạng “chặt chém”, cướp giật tài sản của du khách đang gây bức xúc dư luận, nhiều ý kiến tại hội thảo còn chỉ ra những tài sản, rào cản khác của du lịch VN. Trăn trở lớn nhất là tại sao VN có nhiều tiềm năng du lịch nhưng vẫn kém xa các nước trong khu vực.

Khoảng cách về lượng khách quốc tế đến VN so với các nước dẫn đầu khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan vẫn khiêm tốn. Chẳng hạn, năm 2013 lượng khách quốc tế đến VN là 7,6 triệu lượt, trong khi lượng khách đến Malaysia gần 11 triệu lượt, Singapore gần 12,5 triệu lượt, Thái Lan hơn 16 triệu lượt.

“Không có lý do gì để chúng ta không đuổi kịp du lịch Thái Lan cả” - ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hàng không Hải Âu, nói.

Còn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI băn khoăn: “Tại sao chúng ta không thể xây dựng VN thành một “quốc gia du lịch?”! Theo ông Lộc, du lịch nước ta đang có thuận lợi lớn là có khả năng, điều kiện đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe, tinh tế của trào lưu du lịch mới của tầng lớp trung lưu đến từ các nước giàu có và mới nổi: Muốn trở lại với tự nhiên, gần gũi với con người, trải nghiệm sự khác biệt… mà người ta không dễ dàng tìm thấy ở các đô thị và trung tâm công nghiệp lớn ở Tây Âu hay Bắc Mỹ…

Tuy vậy, ông Lương Hoài Nam cho rằng trước mắt phải giải quyết tốt sáu nỗi sợ hãi của du khách khi đến VN đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra thì du lịch mới thành công.

Trong sáu nỗi sợ hãi đó, trước mắt hãy dẹp nạn “chặt chém”, đeo bám, giả ăn xin lê lết thê lương tại các điểm du lịch... Bởi càng chậm chạp, nhân nhượng xử lý đồng nghĩa với tự hại mình. Và chắc chắn ngành du lịch VN sẽ không kéo nổi du khách với những tệ nạn như trên.

Đề xuất thành lập Bộ Du lịch

Đây là đề xuất được ông Lương Hoài Nam đưa ra tại hội thảo. Theo TS Nam, nếu coi du lịch là ngành quan trọng thì nên mạnh dạn thành lập Bộ Du lịch. “Văn hóa và thể thao cũng quan trọng nhưng đó là tiêu tiền, còn du lịch là kiếm tiền” - ông Nam nói.

Về khẩu hiệu của du lịch VN, một đại biểu đề xuất nên là “VN - cuộc sống nơi đây”.

Sáu nỗi sợ của du khách

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có sáu điều mà du khách tới Việt Nam lo sợ: Nạn làm giá, chặt chém; giao thông không an toàn; ăn xin, ăn cắp vặt; nỗi sợ về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc mất vệ sinh môi trường; người Việt cơ bản mến khách nhưng vẫn có những nơi không thể hiện sự tôn trọng khách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm