Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh không chỉ là người quyết liệt, nói thẳng, nói thật về thực trạng kinh tế và những lĩnh vực liên quan của đất nước, mà còn là người quyết liệt ngay cả trong những định hướng đổi mới.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông về những trăn trở khi chẳng còn bao lâu nữa ông sẽ rời chức vụ bộ trưởng Bộ KH&ĐT mà công cuộc đổi mới vẫn còn nhiều điều dang dở.

Trăn trở đất nước phát triển chậm

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, gần đây hai từ “hội nhập” được nhắc đến rất nhiều nhưng để hội nhập thành công hẳn nhiên sẽ không chỉ đến từ người dân và doanh nghiệp?

+ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Bộ KH&ĐT đang trình Chính phủ đề án thành lập các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo để thu hút sáng tạo, nhất là từ giới trẻ. Bởi trên thực tế nhiều ý tưởng đang bị thui chột vì không có nơi khuyến khích, đỡ đầu. Đồng thời, cũng sẽ có chính sách đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một mình Bộ KH&ĐT hay cá nhân tôi không thể làm hết được mọi việc. Tôi rất trăn trở về điều này. Nhiệm kỳ tới, tôi mong có nhiều lãnh đạo quan tâm hơn tới doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là tương lai đất nước.

. Như vậy thì cần rất nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong việc hoạch định chính sách. Bộ trưởng có đồng ý với điều đó không?

+ Việc hoạch định, xây dựng chính sách, chiến lược cho đất nước là một công việc cực kỳ hệ trọng nên đòi hỏi tư duy đổi mới phải hiện hữu và cập nhật liên tục. Tôi cho rằng Việt Nam không thể cứ mãi “một mình một đường”, mà phải đi con đường chung nhân loại.

Muốn vậy, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển đã làm gì để thăng tiến mỗi ngày và vị trí thực của chúng ta trên lộ trình phát triển ấy. Điều quan trọng nhất là tâm huyết với đất nước. Mỗi người, kể cả lãnh đạo, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm thế, tại sao người dân ca thán nhiều thế. Sự trăn trở ấy mới sản sinh ra được chiến lược tốt, chính sách tốt.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại”.

Cái mới thì luôn bị phản đối

. Bộ trưởng được nhiều người ca ngợi vì tinh thần đổi mới, ngay cả trên diễn đàn Quốc hội. Vậy cá nhân ông có bị sức ép vì tinh thần này?

+ Về cơ bản tôi không chịu nhiều sức ép lắm, vì cạnh tôi có nhiều lãnh đạo cấp cao ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới này. Tôi nghĩ nếu đổi mới được kiểm chứng là thực sự có lợi cho dân tộc, cho đất nước thì sẽ được ủng hộ.

Chúng ta cần phải suy nghĩ khác đi: Đổi mới là phải thực hiện những công việc không giống với hiện tại và ý thức rằng: Cái mới thì luôn bị phản đối. Đổi mới thì không thể tránh được việc đụng chạm lợi ích của từng ngành, từng cá nhân. Đổi mới mà không bị phản ứng thì không phải là đổi mới. Vì khi đổi mới, minh bạch thì nhiều người không thể lợi dụng để tư lợi, nên họ phải phản ứng.

Tuy vậy, có người ban đầu chưa hiểu thì phản ứng quyết liệt, như vấn đề đầu tư công nhưng giờ thì thấy tốt. Hơn nữa, muốn đổi mới thì bản thân mình vượt qua chính mình mới làm được.

. Nhưng việc từ bỏ lợi ích nhóm, lợi ích ngành, lợi ích cục bộ… là không thể một sớm một chiều. Chẳng hạn những điều kiện kinh doanh vẫn được “đẻ” ra sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, thưa Bộ trưởng?

+ Đây là một quá trình, không thể một quyết định trong luật mà dỡ bỏ được tất cả. Bởi cơ chế xin-cho đã ăn sâu bám rễ trong đầu nhiều cán bộ.

Luật đã quy định chỉ có từ nghị định của Chính phủ trở lên mới có thể hạn chế quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nhưng tôi thấy nhiều giấy phép con làm trái tinh thần này. Nhiều thông tư của các bộ, ngành vẫn được ban hành để áp đặt các điều kiện kinh doanh. Do đó, cái nào mang tính cấm đoán quyền của người dân, trái luật thì phải hạn chế và tiến tới bỏ hẳn.

Từ năm 2016 sẽ có tổng rà soát những điều kiện kinh doanh được “đẻ thêm” để báo cáo Chính phủ.

Thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền

. Chắc hẳn ông có rất nhiều trăn trở khi môi trường kinh doanh cũng như những định hướng phát triển kinh tế khi nghĩ về 30 năm đổi mới?

+ 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng có một thành tựu xuyên suốt, nguyên nhân mọi nguyên nhân đó là chúng ta đổi mới được từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng sau 30 năm, dư địa và các tác động phát triển đã dần cạn đi. Chúng ta đã chững lại trong vài năm vừa qua, nếu không cẩn thận có thể còn đi xuống và nguy cơ tụt hậu là không thể tránh khỏi.

Theo tôi, vấn đề sống còn và căn cơ nhất là chúng ta phải tiếp tục thay đổi và hoàn thiện thể chế kinh tế bằng việc xây dựng những nhân tố thị trường đầy đủ hơn. Chúng ta mới chớm chân vào kinh tế thị trường và chưa xây dựng được các nhân tố thị trường nền tảng.

Đất đai là thí dụ. Chúng ta cứ tưởng đất đai là thị trường nhưng thực ra không có thị trường, hay đúng hơn là thị trường đất đai đang rất méo mó do chưa phân tách được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Nhìn rộng hơn, việc phân bổ nguồn lực của đất nước thường chỉ theo hành chính, chưa theo thị trường. Theo thị trường là cứ anh nào sử dụng hiệu quả vốn, đất đai, tài nguyên… thì được tiếp cận. Chúng ta có cơ chế này chưa? Chưa.

Hoặc nói đến thị trường lao động. Chúng ta phải hiểu rằng nếu là thị trường thì lao động, kể cả bộ máy công quyền, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân… nếu anh làm tốt thì được sử dụng và đãi ngộ cao; nếu không đáp ứng được yêu cầu thì phải bị sa thải. Nhưng chúng ta nhận vào thì dễ, sa thải lại rất khó.

Từ đó, tôi cho rằng Việt Nam cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vì kinh tế thị trường là tinh hoa nhân loại.

. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để đất nước phát triển bền vững?

+ Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho phát triển đất nước. Phải chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất để lãnh đạo đất nước này. Những người như vậy phải được trọng dụng trong tất cả tầng nấc của xã hội.

Nhiều quốc gia không có tài nguyên nhưng họ coi nhân tố con người là năng lượng vô cùng lớn lao để quốc gia đó phát triển và họ đã thành công. Những con người tài năng, tâm huyết, có trách nhiệm chắc chắn sẽ cho ra đời thể chế tốt.

Việt Nam cần phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện hoàn cảnh chúng ta, để khơi dậy tất cả tiềm năng thế mạnh của mình, khơi dậy trí tuệ người Việt.

Trách nhiệm với đất nước phải được đặt lên trên

. Bộ trưởng trải qua nhiều chức vụ, có nhiều năm gắn bó với với cộng đồng doanh nghiệp, địa phương... Trong suốt thời gian đó, Bộ trưởng trăn trở điều gì nhất và kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

+ Nhiều kỷ niệm lắm. Tôi làm lãnh đạo sớm, chưa tới 30 tuổi đã lãnh đạo một doanh nghiệp nông nghiệp lớn, sau đó làm lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau. Kỷ niệm lớn nhất là những năm công tác tại Lào Cai, khi đó tôi dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ để cùng với tập thể ở đó đưa một tỉnh bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh thành điểm sáng ở Tây Bắc.

Tôi cũng xúc động khi trở về thì người dân, doanh nghiệp, cán bộ ở Lào Cai vẫn đón chào tôi như một người yêu quý nhất. Khi làm ở Bộ KH&ĐT cũng vậy, tôi được làm việc với một tập thể rất trí tuệ. Anh em đã đồng lòng, đã sát cánh cùng bộ trưởng để đổi mới.

. Ông là bộ trưởng được báo chí và người dân yêu mến. Nhưng nhiều tư tưởng đột phá mà ông đưa ra trong nhiệm kỳ của mình gặp không ít khó khăn và vẫn còn dang dở?

+ Tôi nghĩ rằng trách nhiệm với đất nước, với dân tộc phải được đặt lên trên lợi ích của bản thân, của ngành mình. Nếu lúc nào cũng nghĩ tới và vun vén cho quyền lợi ngành mình thì khó có thể thực hiện được đổi mới. Tôi luôn tâm niệm như thế.

Không ít vấn đề đổi mới còn dang dở. Có điều đổi mới là việc lâu dài, không thể giải quyết ngay trong một nhiệm kỳ. Tôi không dám chắc nhiệm kỳ sau thế nào, vì không còn làm nữa. Nhưng tôi tin lãnh đạo cấp cao sẽ chọn được những người tiếp tục giương cao ngọn cờ đổi mới.

Tôi hy vọng nhiệm kỳ sau sẽ tiếp tục đổi mới. Còn bây giờ chỉ có một điều chắc chắn là tôi sẽ nghỉ hưu!

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế

Việt Nam đã đi những bước đi rất lớn. Tuy nhiên, đó là chúng ta so với chúng ta, còn so với các quốc gia có cùng điều kiện thì mới thấy ta tụt hậu so với họ. Chúng ta không hài lòng về điều này, vì đáng lẽ ta còn có thể làm tốt hơn thế.

Trong cuộc đua hiện nay, không thể nghĩ là chúng ta đã hơn ta trong quá khứ mà lấy làm bằng lòng. Nhiều nước bên cạnh đang chạy nhanh hơn mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm