Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách

Các đối tượng chân trong, chân ngoài làm tiền trắng trợn người nhà trại viên với mức độ và quy mô lớn bằng phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.

Những chiêu làm tiền

Theo điều tra, mỗi khi có trại viên mới vào Trung tâm, ở bên trong, hai bảo vệ là Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Tấn Thành sẽ tìm cách tiếp cận trực tiếp với trại viên, tìm hiểu gia cảnh và nhu cầu hồi gia của trại viên. Đồng thời, các đối tượng quan sát việc thăm hỏi của thân nhân trại viên. Mỗi khi người nhà hỏi thăm thời gian, thủ tục thăm hỏi và bảo lãnh, “chân rết” của đường dây này sẽ ỡm ờ trả lời, gây khó hiểu cho trại viên và người thân rồi khéo léo “gợi ý” sang quán cà phê K.K. Tại quán cà phê, Nguyễn Thọ Minh Cường (chủ quán cà phê K.K., phụ trách vòng ngoài), sẽ “tiếp sóng” các trường hợp thân nhân trại viên có nhu cầu bảo lãnh hồi gia và đặt thẳng vấn đề.

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách ảnh 1

“Cò” Cường tức Nguyễn Thọ Minh Cường.

Để thúc đẩy người nhà trại viên “đặt hàng”, trong khi tiếp xúc, Cường tỏ vẻ thương xót cho trại viên đang bị quản lý trong Trung tâm, rằng: “Ở trong đó khổ lắm, ngày chỉ được ăn 2 bữa, thường xuyên bị đánh đập… Còn nếu chuyển đi các nơi (các cơ sở bảo trợ xã hội khác – PV), thì ở cả nửa năm mới được về, khổ sở lắm!…”. Khi thấy “mồi cắn câu”, Cường sẽ hứa hẹn lo lót “đảm bảo uy tín” và ra giá – tùy trường hợp. Để chứng minh cho “uy tín – chất lượng” của đường dây, Cường thường khoe có “mấy sếp, mấy anh” bên trong Trung tâm góp sức.

Về giá “hợp đồng”, các đối tượng phân loại tùy người, tùy hoàn cảnh mà có giá tương ứng. Với trường hợp trại viên thuộc diện đương nhiên được giải tỏa ngay (đủ điều kiện hồi gia) như: người lang thang, ăn xin già yếu trên 70 tuổi, người có bệnh tật, đang nuôi con nhỏ, trẻ em đang đi học, lần đầu bị tập trung… mà có người bảo lãnh (cũng đủ điều kiện là cùng hộ khẩu với trại viên), thì giá cả dao động 15 - 20 triệu đồng/trường hợp.

Đối với nhóm đương nhiên được giải tỏa, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của thân nhân trại viên để hù dọa họ và “ăn theo” quá trình giải quyết hồi gia của Trung tâm để làm tiền. Trường hợp cụ thể là ông C., 81 tuổi, cụt 1 chân, có con gái đến bảo lãnh… nhưng cũng bị nhóm người này gây khó khăn và gợi ý đóng 20 triệu đồng để được ra sớm.

Nếu người bảo lãnh không cùng hộ khẩu với trại viên, Cường và Tâm sẽ nhờ Dương Hữu Thành và Nguyễn Tấn Thành làm hộ khẩu và KT3 giả cho người bảo lãnh; giá “hợp đồng” vì thế cũng được đôn lên 25 - 30 triệu đồng/trường hợp. Thậm chí, với nhóm trại viên không được giải tỏa ngay, phải chuyển tới các cơ sở bảo trợ xã hội khác, như: tái vi phạm lang thang, xin ăn, bị tập trung lần 2, 3, 4… Cường và Tâm vẫn nhận và sẽ móc nối với các chân rết tại các cơ sở đó để “bốc” trại viên ra. Nếu hết đường “binh”, đường dây này không ngần ngại tổ chức cho trại viên trốn khỏi Trung tâm với giá 20 triệu đồng/trường hợp.

Đó là chưa kể những trường hợp bị tập trung vào Trung tâm nhưng khi kiểm tra có kết quả dương tính với ma túy thì mức chi phí đưa trại viên ra lên đến 50 triệu đồng.

Đường dây khép kín

Đến chiều 30-11, C45 đã niêm phong tất cả hồ sơ liên quan đến bảo lãnh cho trại viên tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM từ năm 2007 đến nay. Riêng hồ sơ trong 2 năm 2010 và 2011 được đưa về Bộ Công an để mở rộng điều tra. Cùng ngày, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đơn vị quản lý Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, cho biết, sở cũng đang làm văn bản báo cáo UBND TPHCM về vụ việc này. Cùng ngày, Phòng PC46, Công an TPHCM cũng cử cán bộ đến Báo SGGP để nắm vụ việc.
 
Tại cơ quan điều tra, Tâm khai, muốn có được quyết định hồi gia cho các trường hợp do đường dây “bảo lãnh” phải chung chi cho nhiều người trong đường dây chứ không riêng mình Tâm. Nhưng khi được hỏi đã chung chi cho những ai thì Tâm không chịu khai.

Chỉ đến khi điều tra viên đưa ra những chứng cứ và đọc cho Tâm nghe tin nhắn của anh ta với “đại ca”: “Anh đưa thông tin con nhỏ (tức H. – PV) đó để em làm KT3. Có KT3 chắc chắn H. ra được nha anh?...” thì Tâm mới khai ra các “sếp lớn hơn” là Phan Ngọc Anh - Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra; Võ Minh Quang - Phó phòng Tổ chức, phụ trách tổ xét duyệt bảo lãnh... của Trung tâm.

Tâm cũng thừa nhận từng đi cai nghiện về, sau đó được “sếp” Ngọc Anh đỡ đầu, đưa vào Trung tâm làm việc. Mỗi khi có “kèo”, Tâm và Tấn Thành sẽ báo cho các “sếp” để tham mưu ký hồ sơ hồi gia.

Riêng trường hợp Báo SGGP đề cập bị bắt quả tang, Tâm cho biết số tiền 17 triệu đồng được chi cho Cường 2 triệu đồng, Hữu Thành 4,5 triệu đồng, còn 10,5 triệu đồng Tâm giữ để chi cho các “sếp” và phần mình. Theo Tâm, trong vụ này Cường có nhiệm vụ tiếp xúc với gia đình trại viên Nguyễn Thị Thúy H. để ra giá 15 triệu đồng. Do H. không có CMND nên Tâm liên lạc với anh P. yêu cầu đưa thêm 2 triệu đồng nữa.

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách ảnh 2

Cơ quan điều tra đang khám xét và niêm phong các tài liệu liên quan tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM.

Khi có đủ chứng cứ, C45 đã triệu tập Phan Ngọc Anh để lấy lời khai. Ngọc Anh khai nhận, với cương vị của mình và là thành viên trong hội đồng xét duyệt để giải quyết cho gia đình được bảo lãnh, nên thường được một số anh em trong cơ quan nhờ giúp đỡ cho một số đối tượng ra khỏi Trung tâm. Bước đầu Ngọc Anh thừa nhận đã giải quyết 6 trường hợp ra khỏi Trung tâm. Đây là những trường hợp do Nguyễn Tấn Thành (bảo vệ) nhờ.

“Thành mở lời trước với người nhà đối tượng, nhận tiền trước và mỗi khi có hồ sơ thì thông báo cho tôi nói rõ trường hợp tên gì”. Khi Ngọc Anh đồng ý thì “Thành đưa tiền cho tôi tại phòng làm việc của tôi bằng cách bỏ vào bì thư hay bỏ vào bao thuốc lá. Tôi biết rõ là trong bao thư hay bao thuốc lá có tiền nên đề xuất để bảo lãnh, duyệt cho đối tượng đó được bảo lãnh”. Ngọc Anh khai, nếu Thành nhờ những trường hợp không hợp lệ thì 5 triệu đồng, còn trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, Ngọc Anh cho rằng chỉ mới nhận được tổng cộng 16 triệu đồng từ Thành cho 6 trường hợp. Ngọc Anh thừa nhận: “Tôi thấy việc làm của tôi là vi phạm pháp luật, nhưng vì tình cảm của anh em trong cơ quan cho nên tôi giải quyết”. Đối với Dương Hữu Thành, đối tượng cùng bị bắt quả tang khai nhận mỗi lần đi làm giấy tờ được chia 3 triệu đồng, chi cho người làm giấy 1,8 triệu đồng, còn lại Thành lấy.

Thêm nạn nhân trình báo

Chiều 30-11, anh Quách Văn Na (sinh năm 1956, tại Bến Tre) đã đến Bộ Công an tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của đối tượng Nguyễn Tấn Thành. Trước đó, chị Trương Thị Thủy (sinh năm 1966) em anh Na đưa cháu ngoại lên TPHCM chữa bệnh thì bị tập trung về Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM ngày 5-11. Tối cùng ngày, Thành chủ động gặp chị Thủy và gọi điện về gia đình ở quê “kêu giá” 20 triệu đồng để được ra.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Đặng Văn Hiệp (chồng chị Thủy) xin giảm xuống 15 triệu đồng. Thành đồng ý và yêu cầu gia đình đặt cọc trước 7 triệu đồng. Ngay tối đó, anh Hiệp phải cầm cố 1 xe gắn máy, 1 điện thoại cùng 1 tivi để đủ tiền lên TPHCM đặt cọc. Sáng ngày 6-11, gia đình chị Thủy gặp Thành đưa trước 7 triệu đồng tiền đặt cọc cùng 1 hộ khẩu và CMND mang tên Đặng Văn Hiệp.

Sau khi nhận tiền đặt cọc, Thành liên tục gọi điện thúc giục gia đình chị Thủy phải đưa hết số tiền còn lại mới “lo” cho chị Thủy hồi gia sớm được. Ngày 15-11, gia đình chị Thủy đưa hết 8 triệu đồng còn lại cho Thành. Thế nhưng, chị Thủy đã chuyển lên Trung tâm Chánh Phú Hòa (Bình Dương). 

Duyệt nhưng không xem hồ sơ

Riêng về hồ sơ đầy mâu thuẫn mà Báo SGGP đề cập trong bài viết đầu tiên, Ngọc Anh cho biết: “Trường hợp này do anh Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng quản lý giáo dục đề xuất. Lúc này tôi đã chuyển sang làm Trưởng phòng phối hợp kiểm tra cho nên tôi không xem hồ sơ, nhưng tôi có biết là trường hợp này có thông qua hội đồng xét duyệt và hội đồng nhất trí”. Tuy nhiên khi hỏi hồ sơ này có hợp và đủ điều kiện hồi gia hay không, Ngọc Anh trả lời: “Vì tôi không kiểm tra hồ sơ, nhưng tôi nghe anh em trong hội đồng hỏi có xác nhận của địa phương không thì người báo hồ sơ nói có và anh em trong hội đồng kiểm tra hồ sơ thấy có xác nhận của địa phương cho nên hội đồng thống nhất cho hồi gia”.

Trong lúc đó, theo tường trình của Nguyễn Hoàng Nam (Phòng quản lý giáo dục – hồ sơ) thì Nam thường được Nguyễn Tấn Thành và Nguyễn Thanh Tâm gọi điện hỏi tên của trại viên nào đó xem có ở trong Trung tâm không. “Khoảng một tuần trước, Nguyễn Thanh Tâm gọi điện hỏi về hồ sơ một trại viên sao đã đầy đủ giấy tờ mà vẫn chưa cho ra? Tôi trả lời phải chờ hội đồng xét duyệt bảo lãnh ở Trung tâm thông qua mới được về. Khoảng 1 tháng trước tôi có cùng Nguyễn Lê Duy đi làm đơn cớ mất giấy CMND cho một người nữ tên là K.T.K.P. tại Công an phường 7, quận Bình Thạnh do anh Phan Ngọc Anh kêu” – Nam khai.

Trong khi đó, một cán bộ thuộc tổ hồ sơ khi phát hiện trường hợp K.T.K.P. được giải quyết không đúng quy định về thủ tục bảo lãnh đã báo cáo với Ban Giám đốc Trung tâm. Theo cán bộ này, hồ sơ của K.T.K.P. đầy mâu thuẫn nhưng nghe ông Nguyễn Mạnh Thông, Trưởng phòng quản lý giáo dục – hồ sơ (đối tượng đã bị công an triệu tập) nói: “Đây là người quen của Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng phối hợp kiểm tra em cứ nhận hồ sơ để trình qua hội đồng, hội đồng sẽ có hướng giải quyết. Bản thân tôi là nhân viên thì phải tuân theo chỉ đạo lãnh đạo phòng”.

Theo H.THU - Đ.LOAN - K.NHUNG (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm