Vì sao Hy Lạp đi đến ‘đường cùng’?

Hôm qua (1-7), hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Financial Times cho biết Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras đã viết thư gửi cho các ngân hàng quốc tế rằng chính quyền Athens sẽ chấp nhận lời đề nghị viện trợ tài chính từ các bên cho vay quốc tế được đưa ra vào ngày 28-6 vừa qua với điều kiện các chủ nợ phải chấp thuận một vài điều kiện từ Athens.

Trong bức thư của mình, vị thủ tướng trẻ tuổi yêu cầu giữ mức ưu đãi thuế giá trị gia tăng cho một số mặt hàng (chủ yếu thuốc và điện), đồng thời hoãn lại việc tăng độ tuổi hưu trí cũng như việc cắt giảm mức rút tiền tối đa đối với người về hưu.

Ai đã “giết chết” dân Hy Lạp?

Việc các chủ nợ của Hy Lạp liên tục yêu cầu nước này phải “thắt lưng buộc bụng”, đặc biệt trong các chính sách về thuế, lương, lương hưu của người dân khiến nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng Hy Lạp là do mức phúc lợi xã hội của quốc gia vượt quá khả năng chi trả và gây nên nợ công.

Theo bài xã luận của John Humphrys đăng trên tờ Sunday London Times, khi đồng euro ra đời từ năm 1998 và Hy Lạp - vốn vẫn còn khó khăn - sau đó đã trở thành một phần của khu vực đồng tiền chung, giá cả mọi thứ tại Hy Lạp tăng vọt, ít nhất là 200%.

John Humphrys mô tả điều đó “giống như kéo một chiếc xe cũ nát lên đỉnh đồi cao, bất chợt được lắp vào một động cơ siêu tốc và lướt xuống đồi với tốc độ đáng ghen tị. Và sau đó đã quá muộn để nhận ra rằng xe mất thắng”.

Trong vòng ba thập niên qua, mức chi dành cho phúc lợi xã hội của Hy Lạp đã tăng nhanh chóng. Maria Petmesidou, GS chính sách xã hội của ĐH Thrace (Hy Lạp), cho biết Hy Lạp vào những năm 1980 vẫn là một quốc gia có mức chi phúc lợi xã hội vào hàng thấp tại châu Âu (chỉ chiếm có 12% GDP).

Bước sang những năm 1990 và đầu những năm 2000, mức an sinh xã hội của Hy Lạp tăng một cách đột biến mà nổi tiếng có thể kể đến chính sách cho nhận lương hưu khi mới 50 tuổi.

Cuộc khủng hoảng Hy Lạp đang khiến nước này trở thành tâm điểm của thế giới, kéo theo nỗi lo của cả Mỹ và châu Âu. Ảnh: TUỔI TRẺ/EC, IMF, BLOOMBERG

Những ai không hiểu Hy Lạp sẽ chỉ trích chính sách này theo kiểu không biết “liệu cơm gắp mắm”.

Thực tế, nghiên cứu của Maria Petmesidou cho thấy mức chi phúc lợi xã hội bình quân đầu người của nước này vẫn thấp hơn GDP bình quân đầu người, tức người dân Hy Lạp vẫn nhận được rất ít phúc lợi do mình làm ra.

Tầng lớp bình dân Hy Lạp xứng đáng với những gì mà chính quyền Alexis Tsipras đang ra sức đấu tranh cho họ trên bàn đàm phán với chủ nợ - giảm thuế và giữ mức lương phù hợp.

Mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ khi tình trạng tham nhũng xuất hiện tại Hy Lạp suốt những năm trước đây.

John Humphrys cho rằng những kẻ rất giàu, gồm các chính trị gia và nhóm tài phiệt đã tranh thủ làm giàu bằng những biện pháp bất chính.

Thứ nhất, các tầng lớp giàu có trốn thuế và các chính trị gia đã không trừng phạt họ. Thứ hai, rất nhiều tập đoàn kinh doanh đã “hớt váng” lợi nhuận từ những hợp đồng mà các chính trị gia ban cho như thể “phát tờ rơi” để đổi lại các chính trị gia nhận được tiền “lại quả”.

Có ít nhất một bộ trưởng nội các Athens đã mua biệt thự sang trọng chỉ sau khi nhậm chức được năm phút.

Đó là chưa kể sự xuất hiện các du thuyền sang trọng của các “đại gia” kinh tế, chính trị đậu ở các bến cảng, nhà hàng sang trọng mà phải đợi hàng ba tháng mới có thể đặt được bàn.

Trách nhiệm của châu Âu

Tranh cãi lớn nhất hiện nay chính là những đòi hỏi của các chủ nợ châu Âu với một chính quyền đang lâm vào tình trạng bế tắc khả năng trả nợ, trong đó chủ yếu là vấn đề lương hưu và thuế.

Hy Lạp đang quyết tâm chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” - cắt giảm các khoản trợ cấp cho người cao tuổi và tăng thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng thuốc và điện. Trái ngược, châu Âu tin rằng việc giảm tối đa chi tiêu sẽ tạo điều kiện cho Hy Lạp có khả năng trả nợ.

GS Jeffrey D. Sachs, Giám đốc Viện Địa cầu tại ĐH Columbia (Mỹ), trong bài viết “The Endgame in Greece” (tạm dịch: Ván bài cuối của Hy Lạp) nhận xét chính sách của châu Âu hiện nay là “thiếu khôn ngoan, ngây thơ và tự hại mình”. Trong khi đó người dân Hy Lạp đang cố gắng đấu tranh vì sự sống còn khi quyết không chấp thuận những đòi hỏi từ phía châu Âu.

Phải thừa nhận rằng châu Âu rất hiểu Hy Lạp, ít nhất là ngay trước khi quyết định chấp thuận Hy Lạp gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Athens không phải là một nền kinh tế lớn mà ngược lại, sức cạnh tranh của “đất nước thần thoại” rất kém. Sai lầm của các ngân hàng châu Âu chính là cho phép Hy Lạp vay quá mức, quá khả năng trả trong bối cảnh tham nhũng quá nổi tiếng tại Athens.

Trong bối cảnh đó, Hy Lạp dường như bị một châu Âu, vốn bộn bề nỗi lo riêng của từng thành viên bỏ rơi, thậm chí là “sát phạt”. “Đức, Phần Lan, Slovakia, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác không có thời gian lo cho sự thống khổ của Hy Lạp.

Lãnh đạo các nước này lo cho dân mình hơn là lo cho toàn châu Âu” - Jeffrey D. Sachs đưa ra nhận xét. Đó là chưa kể yêu cầu trả nợ đủ với các mức lãi suất “trừng phạt” lên các gói giải cứu ngân sách khi Hy Lạp đứng trước các nguy cơ vỡ nợ, bất chấp những hậu quả nhân đạo và kinh tế.

Các hỗ trợ giảm nghèo mà Hy Lạp đề xuất từ lâu đã không được ngân hàng trung ương lẫn các chính phủ châu Âu xem xét thỏa đáng dù Athens xứng đáng được hỗ trợ.

Vay nợ chỉ để… trả nợ

Theo hãng tin The Guardian, chỉ có một phần nhỏ trong tổng gói tiền cho vay 240 tỉ euro mà Hy Lạp nhận vào năm 2010 và năm 2012 được đưa vào khắc phục những tác động trong đợt khủng hoảng tài chính năm 2008 và cấp cho các chương trình cải cách kinh tế. Phần lớn khoản tiền còn lại rơi vào tay các ngân hàng từng cho Hy Lạp mượn tiền trước đợt khủng hoảng 2008.

Gần đây Hy Lạp còn phải chi ra 140 tỉ euro để trả các khoản nợ ban đầu và tiền lãi. Số tiền được sử dụng để cải cách nền kinh tế Hy Lạp và đảm bảo các phúc lợi xã hội của người nghèo và trung lưu chỉ chiếm chưa đến 10% tổng gói viện trợ tài chính, còn phần lớn số tiền là dùng để trả nợ.

Tổng số nợ của chính quyền Hy Lạp vẫn vào khoảng 320 tỉ euro, bằng 78% số tiền họ từng mượn từ các nhà đầu tư cải cách kinh tế.

Theo tổ chức Jubilee Debt Campaign: “Các khoản viện trợ tài chính thực chất dành cho khu vực tài chính của châu Âu. Họ chỉ đơn giản chuyển khoản nợ của Hy Lạp từ tay khu vực tư nhân sang khu vực chính phủ”.

Mượn tiền trả nợ, mất hơn 30% phí “bôi trơn”

Năm 2010, Hy Lạp đã thiếu khả năng chi trả khoản vay lên đến 310 tỉ euro từ các ngân hàng lớn ở châu Âu. Hai năm sau, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phê duyệt thêm một gói viện trợ tài chính khoảng 100 tỉ euro.

Thế nhưng theo tờ The Guardian, vẫn có đến 34 tỉ euro được chi ra cho các công tác “bôi trơn” để thỏa thuận trên được chấp nhận. Số tiền 34 tỉ euro này nhanh chóng được bổ sung vào sổ nợ công của Hy Lạp.

Hy Lạp bỏ Eurozone, châu Âu ra sao?

Theo Bloomberg, hai gói cứu trợ cho Hy Lạp mới đây có tổng giá trị lên đến 215,8 tỉ euro, bao gồm 183,8 tỉ euro từ các nước EU, phần còn lại là từ IMF.

Đó là chưa kể mức nợ khoảng 30 tỉ euro khác đối với các ngân hàng tư nhân ở Đức, Pháp và Anh. Trước mắt, nếu Athens rời khối đồng euro, những khoản nợ này coi như mất theo.

GS Jeffrey D. Sachs nhận định thêm, niềm tin về đồng euro bị suy giảm khiến các thành viên yếu thế hơn trong Eurozone sẽ chịu đựng sức ép thị trường, thậm chí còn bị cuốn vào vòng xoáy hoảng loạn cùng những đợt rút tiền gửi đột biến. Điều này hủy hoại quá trình hồi phục kinh tế vừa mới bắt đầu ở châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm