“Túy họa giang hồ” Trần Đạt: Hơn 15 năm đi rong, vẽ tặng

Người vẽ chân dung GS Khê, nhà văn Tô Hoài...

Họa sĩ Trần Đạt sinh năm 1953 tại Nam Định, xuất thân trong một gia đình gốc nghệ sĩ. Năm 1 tuổi, Trần Đạt cùng gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh thích vẽ từ nhỏ, đến độ mẹ anh thấy giấy vẽ đâu là dọn ngay, nhưng cứ hễ rảnh rỗi là anh lại chui vào một góc tranh thủ vẽ, nói theo cách của anh là mê vẽ do “gen di truyền” của ông nội.

Họa sĩ Trần Đạt nhớ lại những ngày đi vẽ chân dung cho cụ Tô Hoài, cụ Vũ Khiêu - Ảnh: Hoàng Giang 

Anh kể: “Hồi học cấp I, do lớn con nên đều được xếp ngồi cuối lớp để không che tầm nhìn của các bạn khác. Thế là, anh ngồi dưới lôi giấy ra vẽ chân dung thầy cô, mới đầu vẽ khá giống, tập luyện dần riết cũng lên tay”.

Mặc dù không được theo học các trường đào tạo hội họa chính quy, tuy nhiên cái mà anh có được chính là năng khiếu vẽ bẩm sinh. Nhiều bức chân dung của anh đã khiến giới họa sĩ có trường lớp bài bản phải ngưỡng mộ vì cái thần của nó.

“Muốn vẽ được một chân dung có hồn, có thần thái, dù là nét chì, đơn nét, đa nét thì chân dung đó mình phải nhìn thấy cái buồn vui rõ nét, ánh mắt phải thể hiện được điều đó”, họa sĩ Trần Đạt tâm sự.

Rong ruổi khắp mọi miền đất nước, gặp ai anh cũng vẽ tặng như là một “món quà lưu niệm” bắt đầu cho tình bằng hữu đậm đà sau này. Đến nay, Trần Đạt đã thực hiện chân dung của những nhân vật nổi tiếng như: GS-TS Trần Văn Khê, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, nhà văn Tô Hoài, GS Vũ Khiêu, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Bùi Giáng, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhạc sĩ Vũ Hoàng, ông Abhay Thakur (Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM)...

Sau giải phóng, anh cũng sống được bằng nghề vẽ pa-nô, quảng cáo. Đến khi lấy vợ, vợ kêu bỏ nghề và anh bắt đầu chuyển sang trang trí nội thất. Tuy nhiên, một cơn tai biến ấp đến với anh năm 1997 đã làm cho nửa người của anh bị liệt, lúc đó anh vừa buồn vừa mừng. Buồn vì biết mình đã bị liệt, mừng vì liệt bên tay trái, có nghĩa là tay phải của anh còn dùng để vẽ được.

Sáu tháng trong bệnh viện, phải vượt qua sự đấu tranh tâm lý ghê gớm, Trần Đạt đã chọn cách giải phóng cho mọi người xung quanh, để họ không bị vướng bận vì mình nữa. Anh quyết định ly dị người vợ và chọn cho mình cuộc sống cô đơn để tìm kiếm, để sáng tạo.

Anh dần bình phục, vị bác sĩ khuyên anh không nên dính vào những công việc kinh doanh nữa để cho đầu óc thảnh thơi mà chiến đấu cùng bệnh tật. Hơn 15 năm nay, Trần Đạt chọn cách đi lang thang, đi tới đâu vẽ tới đó, anh vẽ ngoài đường, lúc ở nhà, khi chén rượu với bạn bè trên bàn nhậu. Điều đó đã làm nên phong cách riêng của anh không lẫn vào ai, như anh nói “phải khác thường một tí nó mới sang” - anh cười nói.

“Chưa bao giờ dùng vẽ để kiếm tiền”

Nói về quan niệm sống của bản thân, anh thú thật: “Nghề vẽ chưa mang đến cho tôi tiền, chưa bao giờ tôi dùng vẽ để kiếm tiền”. Với anh tiền kiếm được rồi cũng tiêu xài hết, anh vẽ vì đam mê, anh vẽ cho người anh yêu mến, cho bạn bè, họ mời anh bữa cơm, chén rượu, no bụng rồi anh lại lên đường tiếp tục công việc của mình. Có lẽ vì thế, người ta đã phong cho anh cái danh hiệu “túy họa giang hồ”.

Họa sĩ Trần Đạt đang ký tặng chân dung trong một buổi giao lưu với sinh viên -Ảnh: Hoàng Giang  

Nhắc đến Trần Đạt, ai cũng ngưỡng mộ bởi anh có một biệt tài nữa là vừa hát vừa vẽ chân dung mà lại bật lên được cái thần, cái tính cách của nhân vật. Nhờ đó, anh vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Người vừa hát vừa vẽ tranh chân dung trong thời gian nhanh nhất”.

Anh kể trong một lần được người bạn dắt đến nhà cụ Tô Hoài để vẽ chân dung cho cụ, đây cũng là nhân vật anh mê từ khi đọc tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”. Anh vẽ cụ trong khi cụ đang ngồi trò chuyện cùng mọi người. Anh rất vui không phải được khen vì bức chân dung đẹp mà cụ Tô Hoài đã ghé vào tai anh nói nhỏ “Vẽ cho bà một tấm nhé!”. Hay lần anh vẽ chân dung cho GS Vũ Khiêu, đến lúc chụp hình lưu niệm thì cụ lại lấy tấm chân dung để trên mặt của mình, “thế là mình hạnh phúc hơn nhiều lời khen đấy chứ” - anh tâm sự.

Với anh, dọc đường đi vẽ gặp những bạn đồng môn như vậy là vui lắm rồi, “người ta nói ông vẽ vậy mà không chịu đi kiếm tiền, nhưng lần nào đi tôi không thấy kiếm được tiền mà ngược lại phải bù tiền thêm” - họa sĩ Trần Đạt nhớ lại.

Một người bạn của anh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Ông này hứng lên rồi thì vẽ gì cũng thành, thậm chí còn đuổi theo cả người mình thích để vẽ cho bằng được. Còn khi không thích rồi thì cố vẽ sao cũng không ra nổi”.

Anh tự nhận mình không coi trọng vật chất, nó từ lâu không còn là vấn đề trong cuộc sống của “túy họa giang hồ” này nữa. Anh cho rằng: “Người có tiếng nhưng chưa phải là người có tiền”. Anh tự hào vì người ta nhớ đến anh qua những bức chân dung anh vẽ ra, số lượng vẽ nhiều anh không nhớ hết, có người gặp anh lại nhắc “anh đã từng vẽ tôi rồi đấy” - anh kể.

“Vẽ giỏi không phải ở triễn lãm nhiều lần”

Những sinh viên Mỹ thuật thời nay sau khi ra trường vài năm đều được khuyên nên tổ chức triễn lãm. Nhưng với Trần Đạt, triễn lãm tranh đầu tiên và sẽ là lần duy nhất trong cuộc đời anh đó chính là năm 60 tuổi. Một buổi triễn lãm với 120 tác phẩm chân dung được thể hiện bằng các chất liệu than chì, màu nước, sơn dầu... tai Bảo tàng Mỹ thật TP.HCM năm 2013.

 Họa sĩ Trần Đạt tặng chân dung cho một bạn nữ sinh viên - Ảnh: Hoàng Giang 

Bản thân anh chưa bao giờ nghĩ đến việc triễn lãm, nhưng do những người bạn đồng môn bảo anh nên tổ chức một lần, họ nói “Nếu là que diêm thì phải đốt cháy một lần, ông không triễn lãm thì sống uổng cả một đời không ai biết đến ông đã vẽ gì và vẽ như thế nào”.

Nhưng với họa sĩ Trần Đạt, que diêm đã đốt một lần là cháy mãi không bao giờ vụt tắt, vì thế mà anh không ngừng đi, không ngừng vẽ nhiều hơn để khẳng định dấu ấn của mình. “Vẽ giỏi phải vẽ nhiều chứ không phải ở triễn lãm nhiều lần” - anh nhấn mạnh.

Cả đời đi rong  ruổi, bức chân dung khiến anh nhớ nhất chính là vẽ người mẹ của mình. Anh vẽ bà cụ bằng bút bi, khi bà đang nằm trong quan tài kiếng, anh đã ở bên cạnh bà và quyết định vẽ cho bà cụ lần cuối. Từng nếp nhăn trên gương mặt bà cụ hiện rõ qua từng nét vẽ của anh, và sau đó bức chân dung được người cậu của anh xin mang về làm kỉ niệm ở nhà.

Khi hỏi về dự định sau này, anh cho biết: “sẽ đào tạo một thế hệ đi sau để tiếp nối cái nghề của mình, cuộc đời mình đã góp chút gì cho xã hội, vậy là mãn nguyện lắm rồi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm