Tìm đá cảnh trên buôn Nausari

Nắng đi, mưa nghỉ

Vượt mấy cây số đường đá lởm chởm từ quốc lộ 20 vào buôn Nausari, chúng tôi gặp những gia đình làm nghề tìm đá cảnh ở ven đường. Những ngày này, mưa khá dày hạt trên cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng nên dân làng phải ở nhà. Họ tận dụng thời gian sắp xếp, phân chia các loại đá đã kiếm được dưới sông trong những ngày nắng ráo trước đó.

Tìm đá cảnh trên buôn Nausari ảnh 1

Đá cảnh tạm trữ trong mùa mưa. Ảnh: VĂN VIỆT

Ông K’Nhân, Trưởng thôn (buôn) Nausari, bấm đốt ngón tay tính: “Xứ Bảo Lộc hằng năm từ tháng 5 đến tháng 8, cứ trung bình một ngày nắng thì có một ngày mưa. Từ tháng 9 cho đến tháng 12 thì gần như mưa dầm. Trời có nắng nhiều nhất vào khoảng tháng 1 cho đến tháng 4. Bà con chỉ xuống sông tìm đá cảnh vào những ngày nắng, nước trong. Vào ngày mưa, nước dâng cao, hầu hết mọi người đều tập trung ở nhà chăm sóc vườn cà phê và liên hệ các đầu mối để thỏa thuận giá bán đá đã gom giữ trong vườn nhà”.

Nghề tìm đá cảnh xuất hiện lác đác 10 năm trước và phổ biến trong buôn làng Nausari chừng năm năm trở lại đây. Trong số 160 hộ đồng bào thiểu số ở buôn, chỉ có đàn ông tuổi chưa quá trung niên mới làm được công việc nặng nhọc này. Họ thường rủ nhau đi từng nhóm từ năm người trở lên. Những viên đá nhỏ vài chục ký thì người nào lấy riêng người đó. Nhưng khi gặp những tảng đá to nặng từ hàng tạ đến cả tấn, cả nhóm gọi nhau làm chung, chia đều. Những ngày nắng trong, cánh đàn ông trong buôn kéo nhau xuống sông tìm đá có thể đến ba, bốn chục người. Họ nhường nhau mỗi người mỗi khúc sông, nối liền thành một khu vực dài cả cây số.

Tìm đá cảnh trên buôn Nausari ảnh 2

Khối đá cảnh gần nửa tấn của hơn 10 hộ dân buôn Nausari được trả giá 20 triệu đồng vẫn chưa bán. Ảnh: VĂN VIỆT

Hộ anh K’Brem có thâm niên đi tìm đá cảnh lâu nhất ở buôn làng Nausari. Ghé nhà anh, chúng tôi được thỏa sức chiêm ngưỡng những khối đá cảnh chất đầy trước sân. K’Brem kể rằng gần 10 năm về trước, có mấy anh người Kinh trên phố Bảo Lộc về sông Đại Nga tìm thấy đá cảnh và chỉ K’Brem làm theo. Con sông Đại Nga cách trung tâm buôn Nausari chỉ độ vài ba cây số, đường đi khá quen thuộc với K’Brem. Nhờ vậy, chỉ một hai lần đầu xuống sông, K’Brem đã biết chọn đúng đá cảnh để lấy. Thậm chí có ngày, K’Brem còn lấy được nhiều hơn cả người Kinh. K’Brem chia sẻ: “Người tìm đá cần một cây sắt uốn cong dài chừng nửa thước. Dụng cụ này dùng để cào dưới đáy sông, lần dò nơi nào có đá cảnh, nơi nào không. Những năm đầu, đá cảnh nằm nhô trên mặt nước nên thường lấy không khó lắm. Những năm về sau, việc tìm thấy đá cảnh trở nên rất khó khăn. Càng khó hơn bội phần khi phải lặn xuống độ nước sâu từ 2m đến 3m để dùng xà beng, xẻng, cuốc bẩy đá đưa lên khỏi mặt nước”.

Được thu nhập, quên nặng nhọc

Nhưng cái khó nhọc ấy của K’Brem cũng được bù đắp bằng những đồng tiền bán được từ đá cảnh. Những ngày không mưa, K’Brem lội xuống sông hai buổi sáng, chiều cật lực lấy đá cảnh bán cũng kiếm được trên dưới trăm ngàn đồng. Vào ngày gặp may, K’Brem “bắt” được một khối đá có hình thù lạ mắt, nặng khoảng 50-70kg. Vừa đưa về nhà, có người đến nhà anh hỏi mua ngay với giá 4 triệu đồng. Nhiều hôm, K’Brem còn gặp được những khối đá nặng vài chục ký, có màu sắc và đường nét đẹp tự nhiên và cũng bán nhanh với giá vài ba triệu đồng.

Tìm đá cảnh trên buôn Nausari ảnh 3

K’Brem với đồ nghề kiếm đá cảnh đã gần 10 năm. Ảnh: VĂN VIỆT

Hiện tại, K’Brem đang để dành tại nhà mấy tạ đá cảnh các loại khác nhau. Anh bảo khi nào cần tiền lắm thì mới đem chúng đi bán, ước chừng trên dưới 5 triệu đồng. Đây là số đá mà K’Brem tranh thủ lấy những ngày nắng để tạm trữ bán lấy tiền cải thiện thêm cuộc sống và sinh hoạt cho những ngày mưa nước lớn, không thể xuống sông được.

Sáng đi tối về, dân săn đá cảnh kiếm được chừng 100.000 đồng mỗi người, hoặc gặp hên một chút thì kiếm được bạc triệu như anh K’Brem. Cánh thương lái ở Đà Lạt, Di Linh hay Bảo Lộc cũng thường xuyên giữ “thông tuyến” số điện thoại liên lạc mua đá của người ở buôn. Hiện tại, sức mua của thương lái vẫn dồi dào nên không ai phải lo đầu ra cho đá. Họ chỉ mong sao tìm được những tác phẩm đá độc đáo nhất của thiên nhiên để bán được khoản tiền lớn hơn. Mới đây, anh K’Ghít bất ngờ tìm thấy một viên đá xanh nặng hơn 10kg. Vừa đưa về nhà, thương lái đã tìm đến “đấu giá” hơn 5 triệu đồng. Hoặc một nhóm gồm 12 người vừa chuyển lên bờ tảng đá xanh nằm dưới đáy sông sâu nặng hơn một tấn, thương lái đã tìm đến mua với giá 23 triệu đồng. Chia đều trong hơn 10 ngày công lao động chân tay quần quật không nghỉ, mỗi người nhận được 2 triệu đồng.

Tìm đá cảnh trên buôn Nausari ảnh 4

Thôn trưởng Nausari và viên đá cảnh vừa lấy từ dưới suối lên. Ảnh: VĂN VIỆT

Tuy vậy, chuyện tìm thấy đá cảnh bạc triệu là rất hiếm. Mọi người chủ yếu tìm thấy đá cảnh hàng xô bán trung bình mỗi ký 2.000 đồng. Ông Trịnh Thế Thịnh, Quyền Chủ tịch UBND xã Lộc Nga, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết đây là việc làm tự phát của bà con để kiếm thêm thu nhập hằng ngày. Đá kiếm được chủ yếu là những viên đá mắc cạn dưới lòng sông, chưa đến mức ảnh hưởng đến dòng chảy môi trường. Trước mắt, chính quyền xã Lộc Nga chỉ lưu ý bà con phải bảo vệ an toàn về sức khỏe và tính mạng khi “đánh vật” với đá dưới nước cũng như trên cạn.


VĂN VIỆT

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm