Thế giới sẽ còn đẫm máu vì đội ‘cờ đen’

Ngày cuối của tuần lễ thứ nhất trong tháng chay Hồi giáo Ramadan linh thiêng đã bị vấy bẩn bởi bạo lực, cực đoan và chết chóc. Ngày 26-6, thế giới đã phải chứng kiến liên tiếp ba vụ khủng bố nổ ra tại ba quốc gia trên ba châu lục khác nhau là Pháp, Tunisia và Kuwait. Ba vụ việc nối tiếp nhau trong thời gian chưa đầy 24 tiếng đồng hồ khiến tổng cộng hơn 70 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Tháng Ramadan “đẫm máu”

Đẫm máu nhất là vụ thảm sát tại Tunisia. Theo hãng tin Reuters, các tay súng cực đoan đã tấn công hai khách sạn ở thị trấn ven biển Sousse, giết hại 39 người với phần lớn là du khách đến từ Anh. Đây là cuộc thảm sát thứ hai trong năm 2015 tại Tunisia nhắm vào các du khách. Trước đó vào tháng 3-2015, các tay súng cực đoan cũng tấn công vào một viện bảo tàng của nước này làm 21 người thiệt mạng.

Tại miền đông nam nước Pháp, theo hãng tin AFP, hai người đàn ông mang theo lá cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã cho nổ bình gas tại một nhà máy thuộc sở hữu của doanh nhân người Mỹ khiến nhiều người bị thương. Các phần tử này còn chặt đầu một nạn nhân, chụp ảnh “tự sướng” cùng “thành quả” của mình và treo đầu nạn nhân cùng với lá cờ IS bên ngoài hàng rào nhà máy.

Còn tại Kuwait, một nhà thờ Hồi giáo dòng Shia đã bị đánh bom tự sát khi đang có gần 2.000 tín đồ tham gia cầu nguyện. Vụ tấn công đã làm 37 người thiệt mạng và đã một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về an ninh của cộng đồng thiểu số người Shia tại Kuwait.

“Cờ đen” đe dọa phương Tây

Ba vụ tấn công đẫm máu này đều hướng về một nghi phạm “quen mặt” là tổ chức khủng bố cực đoan IS. Cho đến nay tất cả vụ việc đều đã được xác định có mối liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng này. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm cho hai vụ tấn công tại Tunisia và Kuwait. Trong khi đó, kẻ tình nghi vừa bị bắt giữ trong vụ khủng bố ở Pháp là Yassin Sahli cũng tự nhận mình là thành viên của IS và có mối liên hệ với nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Chỉ vài ngày trước khi chuỗi bạo lực đẫm máu này nổ ra, phát ngôn viên của IS là Abu Muhammad al-Adnani đã gửi thông điệp kêu gọi những người ủng hộ tổ chức cực đoan này trên toàn cầu biến tháng chay Ramadan, khoảng thời gian vô cùng linh thiêng của người Hồi giáo, thành các “tai họa cho những kẻ có đức tin”, những người không cùng tư tưởng Hồi giáo cực đoan như tổ chức này. Và “tai họa” thực sự đã đổ ập xuống những thường dân vô tội.

Theo ghi nhận của tờ The Guardian (Anh), cả ba vụ tấn công đều diễn ra gần sát dịp kỷ niệm một năm sau khi Nhà nước Hồi giáo tuyên bố “khai sinh” đế chế Hồi giáo “caliphate” trên vùng lãnh thổ Iraq và Syria ngày 29-6-2014. Điều này mở ra một nỗi lo sợ vô cùng lớn đối với phương Tây và các quốc gia mà IS xem là kẻ thù, rằng chính IS là bộ não chỉ huy tổ chức cả ba vụ tấn công nằm ở châu lục khác nhau. Nếu điều này là chính xác, IS đã bước lên một mức thang mới trong khả năng tư duy chiến lược và tiềm lực tổ chức.

Nỗi đau của người thân những nạn nhân trong vụ đánh bom đền thờ Hồi giáo Shia ở Kuwait ngày 26-6. Ảnh: EPA (Ảnh minh họa)

Hai vợ chồng Criss Callaghan và Tony Callaghan hạnh phúc khi gặp lại nhau. Cả hai đều bị thương trong vụ thảm sát tại Tunisia ngày 26-6. Ảnh: REUTERS (Ảnh minh họa)

Khủng bố tạo “cảm hứng” toàn cầu

Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn chưa thể kết luận chính xác được mức độ liên quan giữa ba vụ tấn công này. Khả năng IS cùng lúc chỉ đạo cả ba vụ khủng bố vẫn còn bị đặt dấu hỏi. Việc IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ khủng bố không đồng nghĩa rằng chúng thật sự là “đạo diễn” của thảm kịch đẫm máu ngày 26-6.

Hãng tin CNN (Mỹ) cho hay theo nhận định của một số quan chức Mỹ, Abu Yahya al Qayrawani, kẻ thảm sát 38 người tại Tunisia được cho là không có bất kỳ liên hệ nào với IS. Vụ tấn công chỉ “được lấy cảm hứng” từ IS chứ không phải do nhóm phiến quân trực tiếp tổ chức tiến hành.

Nhưng dẫu giả định thứ hai này là chính xác, tờ The Guardian bình luận thì thông điệp mà chuỗi khủng bố liên hoàn này gửi đi cũng kinh hoàng không kém: Các phần tử khủng bố giờ đây có thể thực hiện các vụ tấn công ở bất kỳ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào.

Tờ The Australian (Úc) dẫn lại lời của Thủ tướng Úc Tony Abbott về ngày 26-6: “Tổ chức chết chóc này đang kêu gọi những người ủng hộ của chúng trên toàn thế giới ra tay giết người” và giờ đây “chỉ cần có một lá cờ của IS, một chiếc điện thoại ghi hình và một nạn nhân cũng đủ để tạo nên một vụ khủng bố”.

Những vụ tấn công này dù không được chỉ đạo bởi những tổ chức khủng bố lớn, chúng cũng chứng minh được rằng thế giới quan, những thang giá trị của các phần tử khủng bố đơn độc này được chia sẻ bởi một bộ phận rất đông những “đồng môn” khác của họ trên thế giới. Tất cả đều sẵn sàng ra tay, sát hại những thành viên của các cộng đồng có hệ giá trị đối nghịch với họ như dòng Hồi giáo Shia hay những du khách đến từ phương Tây.

Những phần tử này đều được tiếp xúc và nuôi dưỡng trong một môi trường của chủ nghĩa bạo lực, của sự bảo thủ cực đoan và đức tin cuồng tín và sẵn sàng khủng bố trên danh nghĩa bảo vệ niềm tin của mình. Tất cả những gì IS cần làm chỉ là lựa chọn thời điểm thích hợp và đưa ra một lời kêu gọi.

Sự xung đột của các hệ giá trị

Theo Samuel Phillips Huntington, một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng ở Hoa Kỳ, xung đột xảy ra là do tồn tại sự khác biệt cơ bản về nền văn minh và những hệ giá trị phi vật chất. Bên cạnh những xung đột vì lợi ích vật chất, Samuel khẳng định: Chính sự cách biệt về văn hóa, văn minh là nguồn gốc xung đột của thời đại hiện nay. Trong cuốn sách Clash of Civilizations (Cuộc chiến giữa các nền văn minh) xuất bản năm 1996, Samuel Hungtington cho rằng chính những khác biệt giữa các văn minh khác nhau vốn trải qua hàng thế kỷ mới là khác biệt tạo ra nhiều cuộc xung đột bạo lực nhất và kéo dài nhất. Thế giới đang dần trở nên bé nhỏ hơn. Sự tương tác giữa các nền văn minh khác nhau đang ngày càng gia tăng khiến cho ý thức về sự hiện diện văn minh của từng dân tộc càng mạnh mẽ.

Trước sự lan tỏa sâu rộng của các giá trị phương Tây, các nền văn minh nằm ngoài khu vực phương Tây lại càng muốn bảo vệ những giá trị nguyên gốc của mình, mà điển hình ở đây là một bộ phận không nhỏ của thế giới Hồi giáo. Mâu thuẫn dọc theo ranh giới phân định văn minh phương Tây và văn minh Hồi giáo đã tồn tại hàng ngàn năm qua, từ những cuộc thập tự chinh đến thời kỳ chủ nghĩa đế quốc; từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến xung đột sắc tộc; từ vấn đề Israel - Palestine đến quyền tự quyết về an ninh hạt nhân của Iran…

Trỗi dậy từ những rối loạn chính trị tại Iraq và Syria, tận dụng những ức chế xã hội của cộng đồng người Sunni, hội chứng sợ hãi và kỳ thị người Hồi giáo tại phương Tây, tổ chức IS đang ngày một nhân rộng lòng thù hận của những tín đồ cực đoan trên một phạm vi rộng hơn bao giờ hết.

Mạng xã hộitiếp tay đào tạo khủng bố

Các cuộc tấn công khủng bố vì mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo hay niềm tin sẽ ngày một trở nên nguy hiểm hơn cho thế giới hiện đại, vốn đã được kết nối chặt chẽ bằng công nghệ thông tin và các mạng xã hội. Trong bài viết đăng trên al-Jazeera, tác giả người Anh là Harry Hagopian, chuyên nghiên cứu và cố vấn về chính trị, nhận định những vụ khủng bố tiếp theo sẽ trở nên vô cùng khó lường. Tổ chức khủng bố không cần “cầm tay chỉ việc” và chỉ cần phát đi các lời kêu gọi trên mạng xã hội. Những phần tử ủng hộ họ sẽ tổ chức những đợt tấn công ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và bằng bất kỳ cách thức nào có thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm