Tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm

Nạn nhân không ai khác chính là Lê Văn Tây - người em vợ hiền lành của y. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong việc đổi công, nhưng Xuân đã nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của Tây và bị bắt sau hơn 15 năm trốn lệnh truy nã.

Cầm trên tay xấp hồ sơ cũ nhàu về nhân thân lai lịch cũng như quá khứ tội lỗi của Xuân, chúng tôi không khỏi rùng mình trước tội ác “có hệ thống” mà y gây ra và hiểu rằng bản chất của kẻ “bán mình cho quỷ” vẫn không bao giờ thay đổi; đồng thời cũng hết sức khâm phục sự kiên trì, mưu trí của lực lượng CA tỉnh Đồng Nai trong việc tầm nã tên tội phạm nguy hiểm này.

Tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm ảnh 1

Hình ảnh vụ án do Xuân gây ra

Trình độ học vấn 6/12, năm 1977 Xuân xin việc tại công trường thủy lợi Phú Ninh. Hàng ngày, Xuân thường xuyên gặp gỡ một số đối tượng có mưu đồ phản động chống lại chế độ, trong đó có tên Phạm Văn Liễu từ TPHCM về móc nối, nhen nhóm tổ chức hoạt động phản cách mạng. Với bản chất đua đòi, lười lao động nhưng lại thích ăn chơi, Xuân lọt vào “tầm ngắm” của Liễu. Ngay lần đầu tiếp xúc, Liễu đã cho Xuân tiền và một số vật dụng cá nhân để lấy lòng. Dần dần, Xuân trở thành một “mắt xích” quan trọng trong tổ chức phản động này. Không những thế, Xuân cùng đồng bọn thường xuyên thực hiện các vụ trộm, cướp, quấy rối trong các khu dân cư nhằm gây hoang mang cho quần chúng nhân dân và tìm cách lôi kéo những phần tử bất mãn để chống phá chế độ. Với bản chất hiếu thắng, độc ác, trung tuần tháng 8-1978; do bất đồng ý kiến với Liễu, Xuân đã dùng lưỡi lê tước đi mạng sống của Liễu và lấy đi gần 400 đồng.

Những việc làm xấu xa của Xuân đã bị một số đối tượng phát hiện. Để “bịt miệng”, Xuân phải chia một nửa số tiền có được. Chưa đầy một ngày sau khi xảy ra án mạng, hay tin em trai Liễu là Phạm Văn Bình từ TPHCM về thăm anh, sợ bị phát hiện nên Xuân dùng súng bắn thẳng vào ngực Liễu tạo hiện trường giả. Đến khi Bình đến, y nói: “Liễu chết là do bị nhóm người đi săn bắn nhầm”. Tuy nhiên âm mưu của Xuân chỉ qua mắt được người nhà của nạn nhân. Sau thời gian ngắn điều tra, chính quyền cách mạng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời  hành vi tội ác cũng như việc y tham gia tổ chức phản động chống phá nhà nước. Năm 1979, TAND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tuyên phạt Hồ Văn Xuân 18 năm tù giam về hai tội danh “giết người” và “âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân”.

Tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm ảnh 2
Hồ Văn Xuân tại tòa

Trong suốt thời gian ở trại giam An Điềm từ năm 1979 đến 1984, Xuân tỏ ra là một kẻ lỳ lợm, hung hãn và cũng hết sức ma mãnh, xảo quyệt. Dù nhỏ con nhưng y thường xuyên gây gổ với các phạm nhân khác để “lấy số”. Không những thế, y còn kích động các phạm nhân và tìm cách trốn trại. Ngày 10-9-1984, khi đang lao động tại nhà máy giấy An Điềm, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của giám thị, y đã vượt rào, trốn trại đi vào Đồng Nai. Nhằm tránh sự tầm nã của cơ quan pháp luật, Xuân đổi tên thành Cao Quốc An và sinh sống tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Với lớp vỏ bọc mới, Xuân tỏ ra hiền lành, chịu thương chịu khó, ít lâu sau thì lập gia đình với chị L.T.T  - người cùng địa phương. Gia đình Xuân cũng như bên vợ đều sống bằng nghề làm than củi, do nhu cầu lao động nên Xuân cùng với các người nhà bên vợ thường đổi công làm qua lại với nhau. Lê Văn Tây - em vợ Xuân có giúp một số công. Mỗi sáng, Tây thường xuyên sang nhà chị gái đóng than vào bao đem đi bán. Khoảng 7 giờ ngày 7-9-1987, khi Tây đang giúp chị thì An (Xuân) đến nói chuyện với Tây về việc một số công mà mình còn nợ. Chỉ vì không thống nhất ngày công mà hai bên phát sinh mâu thuẫn. Với bản chất hung hãn, côn đồ, An đã dùng con dao phát cỏ chém vào đỉnh đầu anh Tây khiến nạn nhân gục ngã, chết tại chỗ. Gây án xong, y vác hung khí chạy thẳng vào rừng, đào hố phi tang, sau đó về nhà lấy quần áo và rời khỏi địa phương lên Lâm Đồng trốn. Không được bao lâu, Xuân quay về quê (Quảng Nam) với ý nghĩ “nơi nào nguy hiểm nhất thì nơi đó an toàn nhất” và cố tình để CA bắt về tội trốn trại mà trước đây Xuân đã gây ra nhằm thoát án truy nã giết người ở Đồng Nai.

Tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm ảnh 3
Người nhà nạn nhân tại phiên tòa

Bình thản trở lại “chốn xưa” - trại giam An Điềm để thi hành án, đến năm 1993 do bệnh nặng nên Hồ Văn Xuân được Chủ tịch nước ký quyết định ân xá cho ra tù trước thời hạn. Thế nhưng biết mình vẫn còn trong thời gian bị CA Đồng Nai truy nã, Xuân lại một lần nữa gây án (cố tình gây sự, dùng dao chém người khác) để được vào tù. Nhưng ý định xấu xa của y đã bị ngăn chặn bởi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hành vi gây rối trật tự của Xuân chỉ bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính và bồi thường tiền thuốc men cho bị hại.

Lệnh truy nã của CA tỉnh Đồng Nai đối với Cao Thái Anh (tức Hồ Văn Xuân hay Cao Quốc An) tưởng chừng như vô vọng bởi cái tên Cao Thái Anh chỉ là tên giả mà kẻ giết người mượn mang. Khoảng đầu tháng 1-2002, cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai nhận được thông tin từ CA tỉnh Quảng Nam: có một đối tượng hình dạng giống y như Cao Quốc An trong lệnh truy nã, nhưng lại mang tên họ khác là Cao Thái Anh. Lập tức đồng chí Nguyễn Phi Hùng - Phó giám đốc CA tỉnh (bây giờ là Thiếu tướng - Tổng cục phó TCCS Bộ CA) đã trực tiếp chỉ đạo Đội truy nã thuộc Phòng cảnh sát điều tra CA tỉnh tức tốc lên đường.

Trong đêm tối lờ mờ, gã đàn ông nhỏ con đang ngồi bên bàn nước giật thót mình khi nghe giọng đanh thép từ phía người điều tra viên: “Cao Thái Anh, anh đã bị bắt”. Hắn bật dậy, tay chân luống cuống, miệng lắp bắp: “Chắc các anh lầm người, tôi tên là... Xuân”. Chiếc xe Jeep lăn bánh trong đêm đưa gã đàn ông tên Xuân về trụ sở CA huyện Núi Thành để làm việc. Ban đầu, y khai báo quanh co hòng chối tội, nhưng với lập luận sắc bén cùng những chứng cứ thuyết phục, các trinh sát đã buộc Hồ Văn Xuân cúi đầu nhận tội. Ngay buổi sáng 7-1-2002, được sự hỗ trợ của CA tỉnh Quảng Nam đã di lý Xuân về Đồng Nai để điều tra xét xử vụ trọng án mà y gây ra từ 15 năm trước.

Bản án tử hình mà Hồ Văn Xuân phải nhận lãnh là hình phạt thích đáng dành cho kẻ đã “bán mình cho quỷ”. 

Theo SONG NGỌC (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm