Phận gái matxa - Kỳ cuối: Đoạn kết “số 31”

Phận gái matxa - Kỳ cuối: Đoạn kết “số 31” ảnh 1

Sau những đồng tiền “boa”, tương lai nào chờ những cô gái matxa này?- Ảnh: Tâm Lụa

Lan

Thường thì ở cơ sở matxa chúng tôi không gọi tên các kỹ thuật viên mà thường gọi theo số hiệu từ số 1 trở lên theo thứ tự. Những kỷ niệm còn lại của nghề “bốc tua” của tôi chính là câu chuyện về các cô gái mang số hiệu đó. Đặc biệt là ba dì cháu ở huyện Ô Môn, Cần Thơ. Ba cô gái từ ba ngả đường đã gặp tôi năm 2007 tại một cơ sở matxa của một khách sạn lớn trong TP. Người đầu tiên tôi tiếp cận là cô gái mới 17 tuổi. Khi đó, tôi chưa làm công việc “bốc tua” mà mới chỉ là một khách hàng quen thuộc ở các cơ sở matxa hạng sang trong thành phố.

Từ lúc tôi là khách hàng cho tới khi trở thành quản lý, cô gái tên Lan ở huyện Ô Môn đó chỉ có một số hiệu duy nhất: số 31. Tôi gặp Lan năm 2004, lúc Lan đang làm ở một tiệm matxa bên quận 8. Hầu như khách nào tới cũng gọi số 31, vì ngoài tài chiều khách, Lan còn ăn nói chân chất mà rất ngọt, lại có ngoại hình trắng trẻo, dễ thương như gái quê mới lên.

Một thời gian sau, khi tôi về làm quản lý ở tiệm matxa đường Ba Tháng Hai thì gọi Lan về với mức lương cao hơn, sau đó Lan cũng theo tôi qua vài chỗ làm khác. Ngoài việc hợp rơ với Lan trong vai trò quản lý, tôi thân với Lan như chỗ anh em. Vì vậy mà chuyện của Lan tôi khá rành, chỉ sau bốn tháng lên làm ở Sài Gòn Lan đã chuộc lại mảnh đất ở quê cho má với giá gần 40 triệu đồng. Nhưng đó cũng là thời điểm Lan bắt đầu sa lầy khi kiếm được nhiều tiền, trở thành “số đắt” tại nhiều chỗ làm.

Cùng lúc Lan cặp với hai người đàn ông, một già một trẻ. Lan vừa đi làm, vừa moi tiền của bồ già bao bồ trẻ. Cho tới một hôm Lan đến tìm tôi khóc nức nở khi người tình trẻ ở Cà Mau đã bỏ cô, sau khi tiêu sạch số tiền gần 20 triệu đồng bao năm cô dành dụm để tìm việc đổi nghề. Bây giờ nghe nói Lan đã đi Singapore rồi đi Malaysia hành nghề. Mới tết vừa rồi gặp lại, Lan kể cô còn có hai đứa con ngoài giá thú đang gửi bà ngoại ở quê, giờ phải đi làm kiếm tiền nuôi con.

Và những cô gái khác

Lúc tôi còn làm quản lý của Lan, cô cũng dẫn một người cháu gái lên xin việc. Nghĩ chỗ bạn bè tôi nhận, nhưng lúc thử tay nghề với ông chủ trong phòng VIP, thấy cô bé khóc om sòm rồi lao ra ngoài, không chịu làm. Cô bé đó tên N., sau này tôi xin cho làm tạp vụ tại cơ sở với mức lương chỉ 800.000 đồng/tháng. Có lẽ N. là người may mắn nhất trong ba dì cháu họ, khi cô chỉ làm tạp vụ một năm rưỡi ở cơ sở tôi quản lý rồi xin về quê mở cửa hàng tạp hóa nhỏ buôn bán. Có lúc liên lạc lại với N., cô vẫn còn nhắc lại chuyện cũ với nỗi bàng hoàng.

Nhưng đau xót nhất là một người em họ khác của Lan. Cô này có bồ là một bạn trai làm nghề matxa cho các “động” gay. Người bồ đó chính là “đồng nghiệp” mà Lan đưa từ Sài Gòn về nhà chơi rồi quen với em gái cô. Anh ta bị AIDS và lây cho cô em gái Lan. Đau đớn nhất là cô này chỉ phát hiện ra bệnh khi còn một ngày nữa đến đám cưới với người chồng Đài Loan qua môi giới. Số tiền 2 triệu đồng mà nhà trai đặt cọc cũng bị đòi lại ngay hôm họ nhận kết quả cô dương tính với HIV. Lan ân hận vì chính cô là người đã vô tình gây ra chuyện đó.

Sau này, nghe N. kể, từ dạo thôi làm kỹ thuật viên matxa, Lan đã đi Singapore, Malaysia, Thái Lan nhiều chuyến. Có lần đi cả năm bặt tin, sau đó nhắn người nhà gửi tiền sang để mua vé máy bay về.

Chúng tôi tạm kết câu chuyện về những cô gái matxa bằng những trải nghiệm của một người “bốc tua” đã giải nghệ. Điều mà anh thấy chính là cái vòng luẩn quẩn của những “đồng tiền ma quỷ”. Chưa hẳn mọi câu chuyện phận gái matxa đều kết thúc như cô gái mang số hiệu 31. Ở vị trí người trong cuộc, điều mà người “bốc tua” năm xưa muốn nhắn nhủ chính là cái kết có hậu của cô bạn gái đã bỏ Sài Gòn về với tiệm tạp hóa ở Ô Môn.

Sống chết do quản lý “bốc tua”

Thường thì những ngày mưa, chúng tôi hay gặp nhiều rắc rối. Đó là thời điểm vắng khách, các kỹ thuật viên không có việc gì ngoài đánh bài ăn tiền hay ăn nhậu giết thời gian. Đây cũng là lúc mâu thuẫn dễ căng thẳng thành những cuộc “quậy” tới bến của các kỹ thuật viên. Có người thiếu tiền do vay lãi quá cao (thường là bạc 13 tức 30% nếu vay chủ, hay là 10.000/ngày/1 triệu đồng nếu vay đồng nghiệp) mà lại ế khách nên dù va chạm nhỏ cũng dẫn đến gây lộn. Mà cái nghề này họ biết tẩy nhau hết. Ghét là “chơi” cho hết đường sống, đánh nhau cứ đè mặt mũi cào cấu hay đấm vào mắt làm cho biến dạng sẽ mất khách.

Rốt cuộc những quản lý như tôi phải đứng ra can thiệp. Nhẹ thì cảnh cáo hay phạt tiền, ghét quá cho nghỉ tua 3-4 ngày hay cho nghỉ việc luôn. Kỹ thuật viên rất sợ hình phạt này vì nếu chủ biết kỹ thuật viên bị cho nghỉ nhiều, lạm vào doanh thu sẽ cho nghỉ việc luôn và lấy đứt khoản tiền thế thân ban đầu. (Thường là 5 triệu đồng chưa kể bị mất luôn bằng matxa chủ mua cho lúc mới vào làm).

Nói không ngoa, kỹ thuật viên “sống hay chết” là do quản lý. Cứ mỗi sáng đi làm, kỹ thuật viên phải ký vào một cuốn sổ trên quầy để báo ngày công, đồng thời phải bỏ vào một chiếc hộp nhỏ cho quản lý từ 30.000-50.000 đồng/ngày. Gặp khách “sộp”, nếu kỹ thuật viên không biết điều chung chi cho quản lý, người đứng quầy hay phục vụ... sẽ bị chơi xấu.

Có cả trăm cách để “hành” một kỹ thuật viên nào nhìn mặt thấy ghét. Không bốc tua VIP, ép tua bằng cách cho người khác thay tua khi khách yêu cầu chỉ mới là sơ sơ. Coi mặt thấy ghét nữa thì “bới lông tìm vết”. Nào là đi trễ (hầu hết các kỹ thuật viên đều vướng lỗi này), nói chuyện lớn tiếng, không dọn dẹp vệ sinh sau khi làm tua, không tắt máy lạnh, không mặc đồng phục, làm quá giờ quy định... Mỗi lỗi nhỏ như vậy, bèo nhất cũng bị trừ từ 200.000-500.000 đồng/lỗi, có khi phạt tới 1,5 triệu đồng/lần. Phạt thẳng tay, có khi quản lý được cả vài chục triệu mỗi tháng.

Theo LÊ VÂN (TTO) ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm