Ông già “đào hố bom” ương cá giống

Sau giải phóng, có phong trào nhà nước vận động nhân dân lấp hố bom, trồng lúa để tăng gia sản xuất. Riêng gia đình ông Nguyễn Văn Tiếu (Tám Tiếu), ngụ xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thì ngược lại. Hết tháng này sang năm nọ, họ cứ hì hục khoét đất làm ao. 

Đất bom mìn thành cơm

Khu vườn của ông Tám Tiếu rộng 8.000 m2, nằm kề cận căn cứ Đồng Tâm, một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ-ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1975. Trở về tiếp quản khai phá mảnh đất đầy bom mìn, vợ chồng người chiến sĩ biệt động thành vừa bắt tay cải tạo, vừa lo sợ trái nổ cướp đi sinh mạng.

Ông kể về mấy đứa cháu tham gia làm vườn, bị mìn nổ cụt chân khiến ai cũng ngán ngẩm. Thế nhưng cũng phải cắn răng làm liều, ông lần mò tháo gỡ. Hễ gặp trái ở đâu, ông lại chất lá khô đốt cho chúng nổ tung, rồi tiếp tục vỡ đất. Thời đó, ông Tám Tiếu nổi danh với biệt hiệu “vua VAC”, làm kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng khép kín rất hiệu quả.

Ông già “đào hố bom” ương cá giống ảnh 1

Dù tuổi cao, “vua cá giống” vẫn lần ra ao xem con cháu nối nghiệp. Ảnh: D.T.HUY

Thứ gì ông Tám Tiếu cũng làm, miễn sao “hái” ra được cơm gạo. Ông trồng rẫy, nuôi dê lấy sữa bán, nuôi cá thịt, cá giống, nuôi gà, trồng cây ăn trái và chiết cành bán cây giống… Mô hình VAC được ông tận dụng tối đa các khoản sinh lợi trên mặt đất, mặt nước, theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. 

Dọc theo bờ ranh, ông trồng những hàng so đũa sum suê, lấy lá nuôi dê. Len lỏi khắp trong vườn cây ăn trái, ông trồng rau màu các loại, vừa để cải thiện bữa ăn gia đình, vừa bổ sung rau xanh phục vụ cho chăn nuôi. Phân gà, phân dê, ông tận dụng bón lại cho cây. Cuối mỗi vụ thu hoạch, vườn cây, ao cá, đàn dê, gà thịt… cho khoản sinh lợi cộng gộp, luôn tăng dần theo mỗi năm. Ngoài khoản trích ra đầu tư cho chăn nuôi, khoản còn lại cũng tạm đủ cho cả nhà chi dùng.

Mảnh đất bom mìn ngày nào cứ nối nhau xanh tốt với đủ loại cây trái. Theo nhận xét của ông: “Sống nghề vườn, giá cả cây trái rất bấp bênh, phải nhạy bén đi trước, đón đầu phong trào mới thắng”. Cứ thế hết sa pô, ổi, nhãn… thứ nào ông cũng trải qua và gặt hái thành công.

“Vua” nhân giống cá

Sau nhiều lần đắn đo suy tính, ông quyết định rẽ sang hướng đầu tư chuyên sâu vào nghề nhân cá giống. Dự đám tiệc ở quê, rồi vào nhà hàng ở TP.HCM, ông thấy thực đơn bà con ưa chuộng là món cá tai tượng chiên xù, cá bống tượng chưng tương. Ông quyết mày mò nghiên cứu nhân giống các loại cá này. Ông nghĩ thật đơn giản: “Có người ăn, ắt phải có người nuôi và như vậy thị trường con giống chắc chắn sẽ tiêu thụ rất chạy”.

Ông già “đào hố bom” ương cá giống ảnh 2

Cá bạch tượng (phát tài, Đài Loan) trọng lượng 3-5 kg/con do ông Tám Tiếu ương dưỡng thành công năm 2002-2005. Ảnh: D.T.HUY

Sẵn hệ thống ao nuôi cá có từ trước, ông cải tạo bằng cách đốn bỏ số cây ăn trái già cỗi. Ông mở rộng diện tích mặt nước, đầu tư vốn xây dựng trên 40 bể lót bạt và bể xi măng cho “chiến dịch” nhân giống cá. Từ những năm 1980, ông sản xuất giống cá tai tượng với 1.000 con giống ban đầu, nuôi để tuyển chọn làm cá bố mẹ. Và ông đã cho ra lò hàng chục triệu con cá giống.

Năm 1993, kết hợp với các chuyên gia kỹ thuật Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, ông Tám Tiếu sản xuất thành công mẻ cá giống bống tượng đầu tiên. Từ khoảng 2.500 cá con lứa đầu, ông nâng dần lên 6.000 con, 9.000 con, rồi cả triệu cá con mỗi năm. Niềm phấn khích ấy như cuốn hút ông tiến sâu vào nghề cá. 

Sản phẩm cá bống tượng “made in Tám Tiếu” trở nên nổi danh. Ngoài bán cho người nuôi cá thịt các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An…, nó còn được xuất ngoại, bán sang Đài Loan, Trung Quốc. Những năm 2002-2005 là thời hoàng kim của nghề cá, gia đình ông gặt hái được khá nhiều. Trung bình mỗi năm, hộ ông Tám Tiếu cùng các cơ sở vệ tinh là con, rể, cháu cung cấp cho thị trường trên 1,5 triệu con cá giống, đạt doanh thu từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi hộ.

Các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP.HCM, đã chọn mô hình của ông, đưa nhiều đoàn sinh viên đến nghiên cứu, học tập. Ông tận tình hướng dẫn kinh nghiệm để sinh viên viết luận văn tốt nghiệp đề tài sản xuất, ương giống cá bống tượng. Ông cũng đã chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân giống loài cá kinh tế này cho nhiều tỉnh, thành như Cà Mau, Bình Thuận, Phú Yên, Bến Tre…

Ông già “đào hố bom” ương cá giống ảnh 3

Giống cá thịt bống tượng do ông Tám Tiếu mày mò nhân giống. Ảnh: D.T.HUY

Hiện nay, trong số những loài cá nông dân miền Tây chọn nuôi thịt, giá cá bống tượng vẫn luôn cao nhất (trên 100.000 đồng/kg). Do quy trình sản xuất con giống được chuyển giao rộng rãi đến nhiều địa phương nên giá cá giống không còn đắt như xưa. Dù vậy, gia đình ông Tám Tiếu vẫn tiếp tục sản xuất cung cấp cho các mối quen theo đơn đặt hàng.

Không chỉ sản xuất cá giống điêu hồng, cá rô phi, con giống tai tượng, cá bống tượng, ông Tám Tiếu còn sản xuất thêm cá cảnh. Loại nào ông cũng thành công khá mỹ mãn. Những năm gần đây, ông nhân thêm giống cá phát tài, dân địa phương quen gọi là cá bạch tượng. Loài cá này giống cá tai tượng, chỉ khác là toàn thân cá màu trắng. Mua về 1.000 con cá phát tài (gốc Đài Loan) từ một cơ sở ương giống ở TP.HCM về nuôi dưỡng, ông đã tuyển chọn ra 100 con làm cá bố mẹ. Từ số cá bố mẹ ấy, mỗi năm ông sản xuất bán cho thị trường cá cảnh và cá thịt trong cả nước 50.000-70.000 cá con.

Nối nghiệp…

74 tuổi, ông Tám Tiếu không còn rắn rỏi, xốc vác như xưa. Chứng bệnh tai biến kéo dài nhiều năm khiến ông đi đứng khó khăn, một mắt bị khép lại vì di chứng bệnh tật. Vậy nhưng ông vẫn nhớ cá, nhớ ao. Từ tay trắng nhưng chí thú làm ăn và đón đầu cơ hội, ông đã trở thành tỉ phú với 8.000 m2 đất bom mìn, mệnh danh ông “vua cá giống” miền Tây.

Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm nông nghiệp của ông là một thế hệ hậu duệ nối nghiệp mình. Khá đông con, cháu, rể của ông tiếp tục sống với nghề sản xuất cá giống. Khi có khá đông hộ nông dân khác nắm bắt khoa học kỹ thuật và cũng tham gia nghề này, thu nhập của gia đình ông có phần sụt giảm. Song, ông vẫn luôn động viên các con ráng đeo bám. Bởi theo ông: “Nếu chọn sản xuất ra những giống cá có giá trị kinh tế cao, chắc chắn sẽ không ế”.

Chị Tuyền, cô con gái thứ sáu của ông Tám Tiếu, cho chúng tôi biết nhiều năm qua gia đình chị thuê thêm 2 ha đất trong khu căn cứ quân sự Đồng Tâm cũ (thuộc xã Bình Đức), để sản xuất cá giống và nuôi thêm cá thịt như tai tượng, sặc rằn, cá tra… “Nguyện vọng của cha tôi là mở mang thêm nghề cá. Nhưng không may cha bệnh nên con cháu chúng tôi sẽ tiếp tục nối nghiệp cha” - chị Tuyền nói.

DƯƠNG THANH HUY

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm