Ông bí thư xã lộng quyền

Dù Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận ông vi phạm pháp luật, ông vẫn từ chủ tịch xã lên bí thư Đảng ủy xã.

Đất của dân biến thành đất của... ông

Năm 1992, ông Trần Hữu Chắt (62 tuổi, trú tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Đà, Lâm Đồng) mua của bà Nguyễn Thị Chỉ (vợ ông Phạm Ngọc Ngà, khi đó là chủ tịch xã Mê Linh) một mảnh đất khoảng 4.000 mét vuông (nay thuộc thửa 205, tờ bản đồ số 6, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà). Tiền chuyển nhượng đất là 1,5 triệu đồng. Việc mua bán có xác nhận của chính quyền xã Mê Linh, ông Chắt đã đóng phí chuyển nhượng 5% cho UBND xã.

Ông bí thư xã lộng quyền ảnh 1

Khu đất đang tranh chấp giữa ông Động và ông Chanh

Một thời gian sau, vì cần tiền nuôi con ăn học, ông Chắt bán một phần đất cho ông Vui, bà Hà, còn lại khoảng 780 mét vuông. Năm 1994, ông Chắt đến UBND xã Mê Linh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng không được vì xã chưa xem xét, trình lên cấp huyện.

Năm 1995, ông Chắt bị tai biến mạch máu não, phải đi cấp cứu tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) nên mảnh đất hầu như bỏ hoang. Lợi dụng điều này, ông Nguyễn Văn Chanh (khi đó là chủ tịch xã, nay là bí thư xã Mê Linh) cùng vợ là bà Hoàng Thị Kim Bình đã chiếm đoạt mảnh đất. Bỗng nhiên bị mất đất, gia đình ông Chắt dò hỏi thì mới tá hỏa khi biết UBND huyện Lâm Hà đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Chanh, bà Bình. Năm 2005, ông Chắt kiện ông Chanh, bà Bình ra tòa.

Ngày 7-9-2005, TAND huyện Lâm Hà đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Không thể ngờ trong phiên tòa này, thẩm phán Phạm Văn Bắc (nay là chánh án TAND huyện) làm chủ tọa đã bác đơn của ông Chắt. Lý do tòa đưa ra là diện tích đất ông Chắt tranh chấp với gia đình ông Chanh đã được UBND xã cấp cho ông... Nguyễn Xuân Đê từ năm 1991. Ông Đê cùng ông Trần Văn Đức và vợ là bà Nguyễn Thị Nhàn sử dụng đất làm nhà ở và thủy điện. Năm 1995, ông Đê chuyển nhượng lô đất này cho ông Hiền với giá 16 triệu đồng. Ông Hiền nhận đất nhưng không có khả năng trả nợ cho ông Chanh (từ trước) nên đã giao đất cho ông Chanh. Năm 1996, diện tích đất này được UNBD huyện Lâm Hà cấp GCNQSDĐ, đứng tên bà Hoàng Thị Kim Bình (vợ ông Chanh).

Viện KSND huyện Lâm Hà liền sau đó đã kháng nghị bản án của TAND huyện này. Trong bản kháng nghị, Viện đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của tòa như: Không đưa các ông Nguyễn Xuân Đê, Trần Văn Đức, bà Nguyễn Thị Nhàn tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan mà chỉ đưa với tư cách người làm chứng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngày 24-6-2006, TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm, đã tuyên hủy án sơ thẩm của tòa huyện, giao hồ sơ cho cơ quan này giải quyết lại vụ án. Từ đó đến nay, mọi việc vẫn diễn ra trong im lặng. Vì mắc bệnh hiểm nghèo, phải nằm một chỗ nên ông Chắt (kỹ sư tốt nghiệp nghành hóa thực phẩm tại nước ngoài) phải ủy quyền cho người em họ là ông Phạm Ngọc Động (SN 1950, ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) tiếp tục đi kiện. Khi ông Động tìm ra bệnh án của ông Chắt thì mới có lý do thuyết phục được tòa án. Năm 1995 khi ông Chắt đi nằm viện khi xã Mê Linh tiến hành đo đạc, xin huyện cấp sổ đỏ nên không có mặt ông Chắt tại địa phương. Vì vậy, ông Chanh đã nhảy vào chiếm.

Giấy CNQSDĐ đã cấp cho bà Bình, sau đó UBND huyện Lâm Hà đã ra quyết định thu hồi với lí do: UBND xã Mê Linh đã lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ không thông qua Hội đồng xét cấp GCNQSDĐ, không đúng trình tự, thủ tục.

Mâu thuẫn mà ai cũng hiểu

Ông Động đã làm đơn gởi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng tố cáo ông Chanh. Ngày 28-5-2009, Công an tỉnh Lâm Đồng có công văn trả lời số 382 nói rõ, ông Chanh đã lợi dụng chức vụ là chủ tịch xã, chỉ đạo ông Nguyễn Đình Lộc là cán bộ địa chính xã lập thêm danh sách 18 hộ (trong đó có tên vợ ông Chanh là Hoàng Thị Kim Bình). Danh sách này không thông qua hội đồng cấp xét, chỉ có chữ ký của ông Chanh và ông Lộc, gửi về huyện để xin cấp GCNQSDĐ vào năm 1996. “Nhờ” sự thiếu trách nhiệm của phòng địa chính (nay là phòng tài nguyên môi trường) nên bà Bình đã được UBND huyện cấp sổ đỏ. Vì ông Chanh không đứng tên trên GCNQSDĐ (mà vợ ông Chanh đứng tên) nên CA không xử lý hình sự. Ngày 27-10-2009, Công an tỉnh Lâm Đồng có công văn số 638 gửi ủy ban kiểm tra Huyện ủy Lâm Hà đề nghị xem xét xử lý. Nhưng đến nay, ông Chanh vẫn giữ nguyên chức vụ bí thư đảng ủy xã Mê Linh?!

Lý giải về vấn đề này, ông Chanh cung cấp cho chúng tôi một tập hồ sơ dày cộm đã phô tô sẵn. Theo ông thì nguồn gốc lô đất tranh chấp bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Xuân Đê xin UBND xã cấp đất từ năm 1991. Sau đó, chuyển nhượng qua nhiều chủ khác như bà Nguyễn Thị Nhàn, ông Bùi Văn Hiền thì mới đến tay ông. Tuy nhiên, ông Lưu Minh Thư (SN 1973, nguyên phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã Mê Linh, giai đoạn 1989 - 1994) cho rằng, ông Đê và bà Nhàn được cấp đất năm 1993 chứ không phải năm 1991 như lời ông Chanh nói. Lô đất của ông Đê, bà Nhàn được cấp cách lô đất đang tranh chấp của ông Chanh khoảng 150 mét, ở phía bên kia đường. Ông Đê không phải là người địa phương và năm 1991 chưa có mặt tại địa phương này.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, ngày 17-6-1993, UBND xã Mê Linh có tờ trình xin làm điện, tháng 9-1993 UBND huyện Lâm Hà mới phê duyệt đồng ý thì làm gì có chuyện như đơn của ông Đê viết (do ông Chanh cung cấp): “Từ năm 1991, tôi và chị tôi là Nguyễn Thị Nhàn đang làm thủy điện. Chị em chúng tôi xin cấp khoảng 2.000 mét vuông...”. Ông Đê, bà Nhàn không học ngành điện thì làm sao biết làm thủy điện để UBND xã Mê Linh cấp đất làm thủy điện (?!). Hơn nữa, “đơn xin cấp đất” của ông Đê cũng không có nội dung đề xuất của cán bộ địa chính xã. Khác với lí giải của tòa sơ thẩm và của ông Chanh, lô đất liên quan đến ông Nguyễn Xuân Đê ở một vị trí khác, sau đó đã chuyển nhượng cho ông Trần Văn Đức. Ông Đức lại bán giấy tay cho ông Lê Văn Tư và vợ là bà Vũ Thị Luyến với giá 1.250.000 đồng vào ngày 9-8-1994.

Ông Phạm Ngọc Ngà - nguyên chủ tịch xã Mê Linh giai đoạn 1989 - 1994 cho biết, ông là chồng của bà Nguyễn Thị Chỉ nên biết rất rành rẽ việc bán đất cho ông Trần Hữu Chắt vào năm 1992. Ông Ngà khẳng định, hồ sơ của ông Chanh là giả mạo.

Ngoài việc “cướp” đất của ông Chắt rồi tạo dựng hồ sơ giả, ông Chanh còn “thôn tính” mảnh đất của ông Đinh Văn Khoa (ngụ P5, TP.Đà Lạt). Ngày 24-7-2012, ông Khoa khởi kiện ông Chanh tại TAND huyện Lâm Hà. Đơn kiện của ông Khoa có nội dung (trích): “Ngày 18-8-1988, UBND xã Mê Linh cấp 2.000 mét vuông đất thổ cư tại thửa 142, tờ bản đồ số 02 cho tôi. Đất này nằm cạnh đất của ông Chanh mua của anh Nguyễn Văn Tính. Tôi đã trồng cà phê và làm nhà ở, đến năm 1991 thì bị phá. Ông Chanh cho con là Nguyễn Hoàng Minh (SN 1982) đứng tên kê khai đăng kí quyền sử dụng đất ngày 5-6-1996. Ngày 1-4-1996, tôi khiếu nại, phòng địa chính huyện đã ghi “ông Minh chưa đủ tuổi” (khi đó, “ông chủ nhỏ” là con ông Chanh mới 14 tuổi - PV), và “đất đang có tranh chấp nên không cấp” cho Minh. Không từ bỏ ý định chiếm đất, ông Chanh trực tiếp đứng tên xin đăng ký quyền sử dụng đất và chỉ đạo cán bộ địa chính xã Mê Linh gộp luôn cả hai lô đất (lô đất 2000 mét vuông của ông Khoa và lô đất ông Chanh đã mua của ông Tính - PV) để cấp cho ông ta”.

Tại “đơn đăng ký quyền sử dụng đất” diện tích 4.565 mét vuông, đề ngày 5-6-1996, đứng tên Nguyễn Hoàng Minh (con trai ông Chanh), ông Chanh ký vào đơn với cương vị chủ tịch hội đồng xét cấp GCNQSDĐ xã Mê Linh. Đơn này đã bị phòng Địa chính huyện bác bỏ. Việc ký đơn xin cấp đất cho con chưa đủ tuổi thế này là gì, nếu không phải ông Chanh đã tùy tiện đến khó hiểu? “Danh sách hộ gia đình cá nhân đủ điều kiện xét cấp GCNQSDĐ” không hề ghi ngày, tháng, năm, có 18 người trong đó có tên ông Chanh 3.265 mét vuông, vợ ông là bà Bình 1.780 mét vuông (lô đất của ông Chắt đã nói ở phần trên), chỉ có chữ kí của ông Chanh và thuộc cấp. Khi xem nội dung danh sách này, dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ông Chanh sử dụng con dấu của UBND xã Mê Linh để xác nhận chữ ký của chính ông trên cương vị chủ tịch hội đồng xét cấp? Tại sao danh sách này không có chữ ký của đại diện Hội nông dân, đại diện UBND xã mà ông Chanh vẫn ký? Tại sao phần tổng diện tích của 18 người lớn hơn 7.745 mét vuông mà ông Chanh vẫn “vô tư” ký?

Trong công văn trả lời ông Khoa, cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Việc ông Chanh có được sổ đỏ là do ông lợi dụng chức vụ là chủ tịch xã, chỉ đạo cán bộ địa chính xã lập thêm danh sách... Cơ quan cảnh sát điểu tra đã kiến nghị xử lý hành chính”.

Sau nhiều năm đi kiện ông Chanh thì ông Khoa đã qua đời, vợ ông là bà Trần Thị Hoàn được ủy quyền của chồng tiếp tục đi tố cáo ông Chanh. Bà Hoàn đã cho chúng tôi xem tất cả bằng chứng về nguồn gốc lô đất của vợ chồng bà với những chữ ký xác nhận của Phó Giám đốc ty công an Lâm Đồng (cũ) Lê Phượng; chữ ký của phó chủ tịch huyện Lâm Hà là ông Chế Cộng và bí thư xã Mê Linh Trần Anh Thơ đồng ý 2.000 mét vuông đất thổ cư. “Nhiều năm đi kiện mà chưa được, chúng tôi đều rất mệt mỏi. Hy vọng pháp luật sẽ công bằng, trả lại đất cho chúng tôi” - bà Hoàn chia sẻ.

(Còn tiếp)

 Theo AN HÒA (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm