NSND Đặng Nhật Minh kể về những 'tài sản để lại' của GS. Đặng Văn Ngữ

Là con trai cả của GS. Đặng Văn Ngữ, đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh vẫn nhớ vẹn nguyên những kỷ niệm về cha mình. Đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn nhớ, khi GS. Đặng Văn Ngữ hy sinh ở Trường Sơn năm 1967, đối với ông và 2 em gái là một cú sốc lớn. Khi ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh 29 tuổi, đã có gia đình riêng, có con trai đầu lòng là Đặng Nhật Tân.

“Cha tôi là một trí thức vô sản đúng nghĩa”

Theo lời kể của NSND Đặng Nhật Minh, khi đạo diễn còn nhỏ tuổi, cha ông- GS. Đặng Văn Ngữ đang du học tại Nhật. “Mãi đến những năm 1949-1950 khi cha tôi trở về nước tham gia Kháng chiến, mẹ tôi dẫn 3 con đi bộ từ Huế ra Việt Bắc, tại đây gia đình tôi mới đoàn tụ. Hồi ấy, gia đình tôi ở Chiêm Hóa- nơi có phòng bào chế thuốc Penicillin của ông cụ (cách đạo diễn Đặng Nhật Minh gọi cha mình). Tuy nhiên, ở Chiêm Hóa thời đó không có trường cấp 2 để tôi theo học, vậy là tôi được gửi  xuống Tuyên quang học ở trường THCS Tân Trào. Tôi không ở cùng gia đình mấy năm sau đó. Đến năm 1951-1952  tôi được  theo trường Thiếu nhi Việt nam sơ tán  sang Trung Quốc. Khi ông cụ về tiếp quản Hà Nội năm 1954, tôi lại đang học tiếng Nga ở Liên Xô. Mãi đến năm 1957, tôi về nước làm phiên dịch  tại quan Phát hành phim TƯ, bố con mới được gần nhau. Tôi ở cùng cha tôi trong căn hộ 50 m2 trên gác 3 của khu tập thể trường Y ở 16A Hàn Thuyên. Thời gian ở cùng cũng không lâu. Năm 1965, cha tôi dọn về tập thể Viện sốt rét ở Mễ  Trì, trả lại căn hộ ở Hàn Thuyên  cho trường Y để phân cho một Phó GĐ mới về nhận công tác chưa có chỗ ở. Lúc ấy tôi đã đi làm nên chỉ thứ 7, chủ nhật mới có thời gian ghé thăm cụ  ở Viện Sốt rét… Đến năm 1967, ông cụ mất. Như vậy, tính ra cha con tôi ở gần nhau vẻn vẹn có 10 năm- NSND Đặng Nhật Minh kể lại.

GS. Đặng Văn Ngữ chụp cùng với gia đình bên vợ tại Việt Bắc năm 1952
GS. Đặng Văn Ngữ chụp cùng với gia đình bên vợ tại Việt Bắc năm 1952

Trong ký ức của mình, đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh nhớ nhất là hình ảnh cha ông- GS. Đặng Văn Ngữ là người sống, làm việc với tất cả niềm say mê dành cho khoa học và đặc biệt, không bao giờ đòi hỏi bất kỳ điều gì cho quyền lợi bản thân, quyền lợi gia đình.

“Cha tôi là một trí thức vô sản đúng nghĩa. Cả cuộc đời ông cụ sống và cống hiến cho khoa học với tất cả  niềm đam mê. Ông không đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân, cho cả gia đình, con cái. Ông cụ sống cuộc đời giản dị hết mức. Căn hộ ở Hàn Thuyên ông cụ nhường cho người cán bộ khác. Căn hộ tập thể ở Mễ Trì sau này cũng bị B52 đánh sập. Nghĩa là, đến khi ông cụ mất, trong tay không có lấy một m2 đất, không có lấy một m2 nhà ở”- NSND Đặng Nhật Minh nhớ lại.

Cả cuộc đời cống hiến cho công việc nghiên cứu khoa học, GS. Đặng Văn Ngữ không chỉ để lại nhiều thành tựu Y khoa nổi tiếng trong Y học Việt Nam, ông còn gặt hái được nhiều thành công nổi tiếng tại Nhật trong lĩnh vực vi sinh và nấm. Được có nhiều điều kiện thuận lợi khi học tập và nghiên cứu tại Nhật, nhưng lòng yêu nước mãnh liệt đã thôi thúc GS. Đặng Văn Ngữ trở về mang kiến thức khoa học có được phục vụ nhân dân, phục vụ  công cuộc kháng chiến  của dân tộc. Tại Nhật, GS. Đặng Văn Ngữ từng là Chủ tịch Hội người Việt yêu nước, nhiều lần ông dẫn đầu đoàn biểu  tình  của Việt kiều tại Tokyo  phản đối  thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt nam.

GS. Đặng Văn Ngữ thời kỳ học tập tại Nhật
GS. Đặng Văn Ngữ thời kỳ học tập tại Nhật

Trong ký ức của NSND Đặng Nhật Minh, những ấn tượng mãnh liệt nhất về GS. Đặng Văn Ngữ là người say mê nghiên cứu khoa học, là trí thức yêu nước mãnh liệt, và là người cả đời không đòi hỏi bất kỳ điều gì cho quyền lợi bản thân, gia đình.

“Gia tài lớn nhất cha tôi để lại cho các con là một nhân cách lớn”

Theo NSND Đặng Nhật Minh, GS. Đặng Văn Ngữ có cách dạy dỗ con rất riêng, luôn để các con tự thân, tự lập. “Ông cụ có cách dạy con theo cách riêng. Ông không bảo ban chúng tôi phải làm thế này, phải làm thế kia. Ông không bao giờ can thiệp vào cuộc sống riêng cũng như từng bước đường đi của các con.Trong thời bao cấp ông tôn trọng sự phân công của tổ chức. Ví như chuyện tôi  được tổ chức phân công làm phiên dịch Nga văn . Có lẽ, ít có phụ huynh nào  muốn  hướng nghiệp cho con  làm nghề phiên dịch . Cha tôi  chắc cũng vậy, nhưng ông không bao giờ nghĩ đến chuyện “tác động”, hay dùng “mối quan hệ” để con cái có được công việc tốt hơn, hoặc nối  nghiệp mình… ”.

Không tư lợi cho cá nhân, để các con tự lập trong công việc- đó là cách GS. Đặng Văn Ngữ dạy dỗ các con mình. Dạy bằng cách nêu gương. 

GS. Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh
GS. Đặng Văn Ngữ và con trai Đặng Nhật Minh

Nói như đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh, “Gia tài lớn nhất cha tôi để lại cho các con là một nhân cách lớn, một tấm gương lớn về đạo đức sống và làm việc. Ba anh em tôi lớn lên luôn lấy hình ảnh của cha là mẫu mực để phấn đấu, để sống và tự hào”.

Sức ảnh hưởng lớn lao của GS. Đặng Văn Ngữ với ngành Y Việt Nam cũng có thể xem là một gia tài khác để lại. “Gia đình tôi nhận được nhiều tình yêu thương của ngành Y tế và của rất nhiều người không ở trong nghành Y tế. Tết này, Bộ trưởng Bộ Y tế- bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến nhà tôi chúc Tết và thắp hương trên bàn thờ ông cụ tôi. Ngày Tết, ngày thương binh liệt sĩ năm nào đại diện Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, đại diện trường ĐH Y HN cũng đến thắp hương lên bàn thờ cha tôi. Tại Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương có dựng bức tượng bán thân của cha tôi và quanh năm lúc nào cũng có hoa tươi dưới chân tượng”.

GS Đặng Văn Ngữ và 2 con Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh chụp tại Hà Nội năm 1941
GS Đặng Văn Ngữ và 2 con Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh chụp tại Hà Nội năm 1941

Sự kính trọng, tình cảm yêu mến của mọi người dành cho gia đình GS. Đặng Văn Ngữ cũng là một gia sản vô giá khác mà Giáo sư đã để lại cho các con mình.

(Còn nữa)

Theo Hiền Hương (Dân trí) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm