Những người làm nên huyền thoại - Bài 1: Ra đi không hẹn ngày về

LTS: Cách đây nửa thế kỷ, có một đoàn vận tải quân sự đường biển được thành lập theo quyết định của Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ chở vũ khí từ Bắc vào Nam. Tính chất bí mật tuyệt đối, bí mật đến cùng đã góp phần tạo nên câu chuyện kỳ lạ, một huyền thoại bất tử về một đội tàu đặc biệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Hình thành từ năm 1961, hoạt động liên tục cho đến ngày giải phóng đất nước, làm nên cả một “đường mòn trên biển Đông”, vận chuyển trực tiếp hơn 5.700 tấn hàng vào chiến trường Nam Bộ suốt 14 năm trời… Nhưng 30 năm sau ngày thành lập, những con tàu không số mới bắt đầu được nhắc đến và phải 50 năm sau, tháng 9-2011, những cựu binh của đoàn tàu huyền thoại mới có dịp gặp nhau trong hội nghị tổ chức hoành tráng trên quy mô toàn quốc.

Sẵn sàng quyết tử

Khi mới thành lập, đoàn tàu mang số hiệu 759, đến ngày 24-1-1964 đổi thành 125 nên sau này có tên chính thức là Lữ đoàn 125; còn tên gọi đi vào lịch sử là Đoàn tàu Không Số.

Chiến tranh Việt Nam để lại nhiều huyền thoại. Một trong những huyền thoại nổi tiếng nhất là “đường mòn Hồ Chí Minh” vượt Trường Sơn, nơi đã hứng chịu khoảng 4 triệu tấn bom đạn khiến hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông hy sinh và hàng vạn người bị thương. So với đó, người ta có thể tưởng rằng “đường mòn trên biển Đông” với tổng số 226 chiến sĩ hy sinh (số liệu có thể chưa chính xác) là ít nguy hiểm hơn; ngoài ra, hơn 5.700 tấn hàng có vẻ là nhỏ nhoi so với 1 triệu tấn được chuyên chở xuyên dãy Trường Sơn. Trong thực tế, trên đường mòn Hồ Chí Minh, vận tải vũ khí được thực hiện bằng ô tô, sức người (mang vác) nên có hai hạn chế là không chuyên chở được khối lượng lớn và cũng chỉ đến được Tây Nguyên chứ không thể tới tận đồng bằng sông Cửu Long như đường biển. Bên cạnh đó, nếu xét về độ rủi ro, nguy hiểm, mỗi chuyến tàu Không Số là một hải trình tử thần.

“Ngày nay để điều khiển một con tàu vượt đại dương hiện đại, người ta phải học tập và rèn luyện trên dưới 10 năm. Ngày xưa, chúng tôi đi biển chỉ bằng những con tàu bé nhỏ như những chiếc lá tre vật vờ trên sóng. Theo chiến thuật “kiến tha lâu đầy tổ”, mỗi tàu chỉ chở khoảng năm chục tấn” - ông Lưu Lanh, cựu binh trên một con tàu Không Số, kể lại.

Vì yêu cầu cao nhất là phải bí mật tuyệt đối cho nên tàu Không Số bao giờ cũng chọn những lúc thời tiết xấu nhất trong năm (mùa bão, khoảng tháng 8 đến tháng 11) để lên đường, vì khi đó địch lơ là việc canh phòng, thậm chí tàu đánh cá của ngư dân cũng không ra khơi. Tất cả anh em trên tàu đều xác định: Đã ra đi là chấp nhận hy sinh, không có ngày trở về. Mỗi tàu đều cài sẵn một tấn thuốc nổ, để khi bị lộ, thuyền trưởng, chính trị viên sẽ lệnh cho hủy tàu bằng thiết bị hẹn giờ.

“Có những con tàu ra đi không trở về. Tất cả những gì người ở đất liền nhận lại chỉ là một dòng điện tín cuối cùng: “Tôi gặp địch. Sẵn sàng quyết tử”. Có lần tàu nổ nhưng không chết ai vì anh em đã kịp bơi thoát, thế cũng là may mắn lắm. Nhưng phần lớn trường hợp, tàu đã nổ là người hy sinh gần hết” - ông Lưu Lanh bùi ngùi.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 1: Ra đi không hẹn ngày về ảnh 1

Mảnh tàu C235 còn lại tại núi Ba Nam (xã Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa). Ảnh: XUÂN THÀNH

Những người còn sống sót (vì kịp bơi thoát) trên con tàu C235 của thuyền trưởng - anh hùng Nguyễn Phan Vinh vẫn nhớ như in khoảnh khắc định mệnh: “2 giờ 40 ngày 1-3-1968: Một cột lửa bùng lên, kế đó là một tiếng nổ khủng khiếp, chấn động tới tận Nha Trang. Sức công phá của ba tấn thuốc nổ khiến C235 bị đứt làm đôi. Một nửa chìm xuống biển, nửa còn lại văng lên lưng chừng núi Ba Nam”. Con tàu và các thủy thủ đã ra đi như thế. (Ở xã Ninh Vân, Ninh Hòa, Khánh Hòa, hiện vẫn còn xác con tàu này, nơi tàu bị nổ giờ thành di tích lịch sử.)

Những đêm trắng

Đêm trắng, không phải là đêm cực quang như ở những nước miền cực Bắc. Đó là những đêm mà pháo sáng của Mỹ rực rỡ còn hơn ban ngày, soi trắng cả một vùng biển. Ông Trần Văn Hữu, cựu binh tàu Không Số, nay là Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, nhớ lại: “Trên bộ còn có nhân dân, có “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” chứ giữa biển chẳng có gì. Những bữa yên sóng đi trên biển thì đẹp thật, đẹp vô cùng nhưng khi chiến đấu thì không có gì che chắn, chỉ có trời đêm. Mà trời đêm dưới pháo sáng của Mỹ thì có thể nhìn thấy một sợi rác trên boong tàu. Thế là đêm cũng không che chở được cho tàu Không Số. Chiến sĩ cứ trần mình ra chiến đấu, hết đạn thì hủy tàu, kiên quyết không để rơi vào tay địch, không để bị lộ”.

Nhưng nỗi kinh hoàng đối với ông Lanh, ông Hữu và những đồng đội còn sống sót lại không phải là bom đạn, kẻ thù. “Trong chiến đấu, chúng tôi không có thời gian để mà sợ, dù xung quanh còi tàu rú, trên đầu máy bay địch gầm rít, súng đạn hai bên bắn vào nhau. Cái mà những người lính tàu Không Số sợ nhất là thời tiết, là sức mạnh siêu nhiên của thời tiết. Gặp bão, có những lúc mũi tàu chúi xuống trong màn đêm đen kịt, sóng hai bên dựng lên như hai tòa nhà. Tưởng như tàu đã rơi hun hút vào vực thẳm rồi nhưng rồi tàu lại chồi lên, gập ghềnh, gập ghềnh…”.

Nỗi sợ đó vẫn còn đến tận bây giờ. Ông Lanh bảo, mỗi lần nghe đài báo bão ở biển Đông, ông lại hình dung ra cảnh tượng ngày xưa mà rùng mình. “Nhưng hồi đó, bão càng lớn, người ta càng trốn tránh thì mình lại càng phải đi” - ông kể. “Biển cả sóng gió như vậy, địch bao vây phong tỏa như vậy, hy sinh mất mát như vậy mà Đoàn tàu Không Số vẫn vào được miền Nam để chi viện cho chiến trường đó là một huyền thoại. Mỗi con tàu chở khoảng 50 tấn cập bến là phải có người ở bến đón rồi bí mật tổ chức phân phát, chuyển đi tỉnh nọ, chiến trường kia. Anh em trong bến hy sinh cũng nhiều lắm, riêng Cà Mau chết tới 400 người”.

“Lá tre” vượt sóng

Những năm đầu, Đoàn tàu Không Số ra khơi với trang thiết bị không thể thô sơ hơn. Cuốn biên niên sử của Lữ đoàn 125 ghi lại: “Về phương tiện, trước mắt ta cho tu sửa và sử dụng ngay số thuyền ở miền Nam ra, đồng thời hợp đồng với Xí nghiệp Đóng tàu I Hải Phòng đóng ba thuyền gỗ gắn máy theo kết cấu, kiểu dáng thuyền máy miền Nam, trọng tải từ 15 đến 30 tấn”. Chỉ trong vòng một tháng từ ngày 16-9 đến ngày 16-10-1962, Xí nghiệp đã đóng và bàn giao cho Đoàn 759 ba thuyền gỗ gắn máy để ngay lập tức vận chuyển vũ khí từ bến Đồ Sơn tới Cà Mau.

Từ năm 1963 trở đi, ta mới bắt đầu chuyển sang sử dụng tàu vỏ sắt (vừa sản xuất được). Nhưng phương tiện vẫn chẳng có bao nhiêu. Ông Lưu Lanh bảo, mỗi tàu đi biển chỉ trang bị hai la bàn. “Tàu bé, trang bị thô sơ như vậy, với 19-20 con người mà dám vượt biển, vượt đại dương, đi hết điểm nọ đến điểm kia, qua hàng vạn hải lý sóng to gió lớn, địch mạnh hơn gấp nhiều lần…”.

Để giữ bí mật, các chiến sĩ phải tự thiết kế, sửa sang lại để “cải dạng” cho tàu giống với các tàu khác ở những nơi mình đi qua, ví dụ đẩy cột buồm lên cao hơn, boong tàu loe hơn hoặc thay đổi cờ, đổi màu sơn ngay trong lúc đang lênh đênh trên biển. Ông Trần Văn Hữu kể có lần nửa đêm, anh em phải bật dậy sơn lại tàu vì trông thấy một con tàu chạy qua có màu đặc trưng khác mình. “Cũng giống như san hô thay hình đổi dạng để thích nghi ấy mà” - ông giải thích. “Mọi người quen gọi đoàn tàu chúng tôi là “tàu Không Số” là vì vậy”. (Gọi là “tàu Không Số” nhưng thực ra các tàu đều có số hiệu chính thức, chỉ khi tiến hành vượt biển vào Nam mới tùy theo từng vùng biển đi qua mà thay đổi trong giấy tờ và trên thân tàu; mỗi tàu có thể mang nhiều số hiệu khác nhau).

“Cho dù có hy sinh, mất mát đến mấy, người lính tàu Không Số vẫn sẵn sàng ra đi bởi một suy nghĩ rất giản dị: “Miền Nam cần vũ khí đánh giặc”. Dù 10 chuyến hay 100 chuyến, chỉ một chuyến vào được cũng là thành công” - ông Lưu Lanh khẳng định.

Vì chiến thắng, vì tinh thần “chi viện cho miền Nam ruột thịt”, những người thủy thủ trên Đoàn tàu Không Số đã chấp nhận tất cả gian khổ, hy sinh, để góp phần làm nên một huyền thoại bất tử trong chiến tranh Việt Nam.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm