Nhớ người bạn Hàn “khùng”!

Năm trước, tôi chuyển từ một vùng ngoại ô xa lắc về Seoul để tiện làm việc ở chỗ mới. Xách cái ba lô vào ký túc xá, tôi gặp quản lý để nhận phòng. Theo cánh tay chỉ của người quản lý, tôi hiểu cái giường nơi góc phòng kia chính là cái ổ của mình trong những ngày sắp tới.

Vô địch ở dơ

Phòng tôi khá rộng, ngoài cái giường bên kia khá bề bộn thì còn một tủ quần áo cũ, một tủ lạnh nhỏ. Không ham khám phá thêm nữa, tôi giũ mền và đi ngủ ngay để mai còn đi làm sớm. Trong giấc ngủ, tôi mơ màng thấy hình như người bên kia giường đã về. Đó là một gã Hàn to con. Đó không đụng đây thì đây cũng chẳng phiền đó - tôi nghĩ vậy và ngủ tiếp.

Đến ngày nghỉ của tuần sau thì tôi mới nhìn rõ bạn cùng phòng. Gã Hàn râu tóc xồm xoàm, người dính đầy mực in. Gã mặc bộ đồ ngủ không thể dơ hơn và bộ đồng phục bảo hộ cũng vậy. Cái tủ quần áo là của gã, cái tủ lạnh cũng là của gã. Gã không thèm đếm xỉa gì đến tôi. Gã cứ không ăn thì ngủ, không ngủ thì nằm xem tivi qua cái điện thoại của gã. Thậm chí, nhiều đồng hương biết chuyện còn “phân ưu” tôi khi phải ở chung với gã khùng đó. Thây kệ gã, tôi cũng rút vào thế giới riêng của mình. Có tivi ngoài phòng sinh hoạt chung nhưng tôi thích lên mạng theo dõi tin tức bên nhà hơn.

Nhớ người bạn Hàn “khùng”! ảnh 1

Seoul không hiếm những người lao động vất vả. Ảnh: INTERNET

Sau một tháng, tôi mới hiểu vì sao cả xưởng dị ứng với gã Hàn hàng xóm kế giường tôi. Gã là vô địch ở dơ. Đi làm về, gã cởi bộ đồ lao động cứng như mo cau, vo lại một cục thảy vào gầm giường rồi thay bộ đồ ngủ và lăn ra khò. Sáng, gã đổ một gáo nước lên đầu cho tỉnh táo và mặc lại bộ đồ kinh hoàng kia. Cái tủ lạnh của gã chứa toàn kim chi và thức ăn đã có mùi. Mỗi lần gã gần mở tủ là tôi chạy nhanh ra khỏi phòng. Gã không thèm đếm xỉa tới ai hết. Những ngày trời mưa liên tục, hễ có nắng ấm là gã trần xì quần lót ra ngoài sân tập taekwondo.

Ngày nghỉ, tôi lười ra ngoài, lên mạng không thấy tin gì mới bèn dọn dẹp phòng cho sạch sẽ. Thấy gã Hàn ngồi buồn bã, tôi hỏi: “Mày giặt đồ không, tao giặt cho mày nhé”. Thật lòng tôi chẳng tốt lành gì, nhưng bộ đồ lao động của gã bốc mùi kinh khủng quá. Gã lỏ mắt nhìn tôi: “Ừa, nhưng sao mày rảnh quá vậy. Giặt làm gì rồi nó cũng dơ lại à!”. Tôi ôm đám đồ sắp hóa thạch của gã đi giặt, tốn cả đống xà bông cùng mấy gói xả thơm bên nhà gửi sang. Trả lại gã mấy bộ đồ đã thơm tho, tôi hỏi: “Mày thấy khá hơn không?”. Gã ừ. Tôi liền bồi: “Vậy sao mày không đi tắm đi?” và đưa cho gã gói sữa tắm. Không nói không rằng, gã chộp lấy gói sữa tắm và đi thẳng ra khu vệ sinh. Sau đó gã về, sạch sẽ với bộ đồ ngủ cũng được giặt sạch.

Sau vụ đó, gã có phần cởi mở với tôi hơn. Thường khi thấy tôi đi tắm về với mùi sữa tắm thơm lừng bên nhà, gã nói trước: “Tao không tắm đâu, tắm nhiều dễ bệnh”. “Vậy mày đi giặt đồ đi” - tôi nói và nhận được câu trả lời muôn thuở: “Giặt làm gì, rồi nó cũng dơ lại à”.

Nghèo khó không kiếm nổi vợ

Những lần đối thoại giữa tôi và thằng bạn cùng phòng ráp lại cũng chỉ có vài câu: “Sao mày không ra phòng sinh hoạt chung?”, “Tao không thích, ngoài đó ồn”. “Mày làm ở xưởng này bao lâu rồi?”, “Lâu rồi”, “Mày có gia đình chưa?”, “Chưa”. “Sau ba năm tao về Việt Nam, còn mày?”. “Chỗ này chủ xưởng không làm phiền tao. Nhưng chỗ nào lương cao hơn, tao sẽ đi”.

Sang tới mùa xuân thì chúng tôi đã thân nhau nhiều. Gã Hàn cũng chịu tắm giặt vào ngày nghỉ cuối tuần. Gã cũng chịu dọn cái tủ lạnh thâm niên theo lời của tôi: “Mày phải ăn tốt để giữ sức khỏe vì khi bệnh không ai lo cho mình đâu”. Có khuya, tôi đói bèn bật dậy nấu mì gói. Thấy gã còn thức, tôi bèn chìa gói mì cho gã: “Ăn không, mì này vợ tao gửi sang”. Có khi gã lấy, có khi không.

Thỉnh thoảng, khi tôi lên mạng trò chuyện với người thân bên nhà, gã cũng dòm vào: “Vợ mày đẹp”. Tôi khoe hình Việt Nam, gã chép miệng: “Quê mày có nhiều chỗ đẹp”. Vui miệng, tôi rủ gã: “Mày về Việt Nam chơi, ở nhà tao, ăn cơm Việt Nam. Tao đãi mày đi Hồ Cốc, Đà Lạt”. Gã ừ hử.

Nhớ người bạn Hàn “khùng”! ảnh 2

Một điểm giải trí cho người Việt ở Seoul. Ảnh: INTERNET

Mùa xuân ở Hàn Quốc rất đẹp, hoa nở khắp nơi. Ngày nghỉ, tôi thường lang thang chỗ này chỗ nọ. Gã Hàn thì lại lang thang ra khu đèn đỏ giải trí. Tôi biết chuyện này vì thấy gã tắm rửa, cạo râu rồi cắt tóc. Gần sáng, gã về với mùi rượu nồng nặc, làu bàu hỏi tôi có xài không rồi đưa ra mấy cái bao cao su và chai xịt. Tôi chỉ vào ngực mình và hình vợ, nói: “Tao yêu vợ, tao sợ bệnh. Mày cũng vậy, coi chừng bệnh”.

Một bữa nghỉ, gã Hàn bỗng tắm rửa, cạo râu cắt tóc thơm tho. Gã đi nửa ngày mới về rồi khoe với tôi: “Tao đi chụp ảnh. Tao sẽ cưới vợ Việt Nam. Vợ mày đẹp, gái Việt Nam đẹp”. Lúc này thì tôi hoảng hốt thực sự. Cái thằng khùng này mà cưới vợ Việt Nam thì chết con người ta rồi còn gì, chẳng thà nó cứ ra khu đèn đỏ giải trí. Tôi lắp bắp: “Mày phải suy nghĩ kỹ”.

Sang thu, mưa lạnh và ẩm hơn, gã Hàn lại ở dơ như cũ. Có lần tôi hỏi gã: “Chuyện cưới vợ sao rồi?”. Gã nói đại ý: “Tao đã suy nghĩ, cưới vợ phải có nhà, có tiền nuôi vợ sinh con. Tao đi làm chỉ đủ nuôi thân. Tao không cưới vợ nữa”. Tôi mừng thầm trong bụng.

Tình cảm của gã bạn khùng

Đêm đó gã Hàn về sớm. Tôi đang mất ngủ vì chuyện tàu chiến Hàn bị chìm. Bên nhà liên tục gọi sang hỏi tôi liệu có xảy ra đánh nhau. Trong cơn say, gã Hàn bỗng dưng nói nhiều với tôi: “Ở quê, nhà tao nghèo. Con gái quê tao thích ra thành phố. Nghèo thì không cưới được vợ, nghèo bị khinh. Tao đi lính xong, đi thẳng lên Seoul. Tao đi làm, làm hoài mà không có dư. Ba tao ở quê bệnh nặng lắm. Lâu lắm rồi tao không về thăm người nhà!”. Rồi gã khóc hu hu như con nít.

Sau bữa cởi mở đó, gã lại im lìm trở lại. Cuộc sống cứ trôi. Chúng tôi ai lo thân nấy. Một đêm hè nóng nực và ẩm ướt, tôi ngủ không được, chợt ngó sang giường bên thì thấy gã Hàn đang thút thít khóc. Hỏi mãi, gã mới kể ba gã bị ung thư sắp chết mà chưa thấy gã sống cho ra hồn. Tôi khuyên gã về thăm cha thì gã bỗng dưng trở chứng: “Tại sao tao phải về, có ai thèm lo cho tao đâu”. Tận dụng mọi vốn liếng tiếng Hàn, tôi nói: “Vì cha mày sắp chết. Cha mẹ sinh ra con, thương con. Mày là con của cha mẹ, không thành đạt cũng là con của cha mẹ”. Gã kéo mền trùm kín mặt. Tôi cũng về giường của mình. Tôi không ham lo chuyện bao đồng. Từ khi xảy ra vụ tàu chìm, đồng won lại biến động. Và khi đổi ra đôla chợ đen gửi về Việt Nam, tôi xót xa vì lại bị mất đi thêm một ít.

Một bữa về, tôi thấy gã Hàn đang ở trong phòng. Gã hỏi tôi: “Mày tên gì?”. Tôi nói tên nhưng vì tiếng Hàn không có từ đồng âm nên gã lẩm bẩm: “Li Man Tung”. Rồi gã nói tiếp: “Tao về quê, cha tao chết rồi. Tao cho mày cái tủ”. Gã lấy tờ giấy viết mấy chữ tiếng Hàn: “Tủ này cho Li Man Tung” rồi dán lên cửa tủ. Còn cái tủ lạnh gã bán cho một người trong xưởng.

Trước khi xách cái túi hành trang nhẹ tênh, gã vỗ mạnh vào vai tôi: “Mày có vợ đẹp, mày hạnh phúc. Quê tao nghèo, xa lắm. Nhưng tao phải về ít nhất là một lần để thăm mộ cha tao”. Tôi nói với gã: “Hẹn gặp lại ở Seoul”. Gã gật gật.

Từ đó tới nay, tôi chưa gặp lại gã. Đất Hàn mênh mông, hy vọng ở nơi nào đó, gã Hàn “khùng” đã có một công việc khá hơn. Tôi chưa bao giờ hỏi tên gã nhưng ở cái xưởng này, gã là người bạn Hàn thân nhất của tôi.

LÝ MẠNH DŨNG, thư gửi từ Seoul - Hàn Quốc

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 168)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm