Nhà văn và ký ức 30-4

Nhà văn Thanh Giang nhớ ngày tiến về Sài Gòn

PLO xin giới thiệu những ký ức của nhà văn Thanh Giang. Ông đã chứng kiến và ghi lại những giờ phút lịch sử về ngày 30-4 không thể nào quên. Khi đó ông là phóng viên của tạp chíVăn nghệ Quân giải phóng.

Nhà văn Thanh Giang nhớ ngày tiến về Sài Gòn ảnh 1

Nhà văn Thanh Giang

Hăm hở tiến về Sài Gòn

Nhà văn Thanh Giang nhớ lại: “Trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh cùng lực lượng Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng và thành viên trại viết, chia nhau lao theo các đơn vị bộ đội… tiến về Sài Gòn. Đó là các cây bút trẻ được quy tụ từ các đơn vị cầm súng như Hoàng Đình Quang, Lê Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Mộc, Phan Văn Từ, Lê Ngọc Bồng, Vương Trọng, Minh Diện, Doãn Sáu, Lê Duy Nhạn v.v... Đọc lại các ghi chép của các bạn, có những đoạn cho ta cảm nhận và gây xúc động vào những ngày chót của cuộc chiến tranh vẫn phải còn trả giá máu hy sinh…

Nhà văn Thanh Giang và nhà thơ Giang Nam(bên phải)

Thanh Giang cùng vài anh em Văn nghệ Quân giải phóng được lệnh đi trong đội hình Cục Chính trị Miền thuộc Ban Quân quản. Đoàn xe chạy suốt đêm, từ mấy chặng đường rừng rồi theo trục đường 13 tiến về Sài Gòn. Dọc đường trong đêm tôi vẫn nhận ra những cứ điểm địch, những điểm chốt chặn quyết liệt mà quân ta từng kịch chiến, đổ máu hy sinh. Lòng rạo rực ngày vui toàn thắng, tứ thơ chợt đến ghi vội vào lòng: Đường về trên xe/ Nhớ thời chân đất/ Chân giày bâng khuâng…/ Từng viên đá lát/ Trở mình ca hát/ Ta cùng về đồng đội ơi!...

Hừng sáng đoàn xe về tới Sài Gòn. Trên khắp các nẻo đường còn vương vãi quần áo, giày mũ và đủ các loại quân trang quân dụng của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Có nơi chất thành những đống cao ngất. Trên đường nhiều xe hành khách xuôi ngược, trong xe, cả trên mui ngồi chật những thanh niên trai trẻ mình trần, mắt nhìn ngơ ngác, cũng đủ biết là những binh sĩ Cộng hòa rã ngũ trút bỏ quân phục trở về quê…

Chứng kiến “lễ đầu hàng”

… Chiều ngày 2-5, diễn ra “lễ đầu hàng” của chính quyền Sài Gòn cũ với Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại dinh Độc Lập. Thanh Giang được cử đến tham dự với tư cách phóng viên. Bà con khắp nơi tụ tập trước cổng dinh thiệt đông, nơi trung tâm đầu não mà vài ngày trước đây không dễ gì ai muốn đến là đến. Bà con hỏi thăm nhau về người thân của mình. Thấy tôi mặc quân phục bộ đội Giải phóng phong trần, đội mũ cối Quân đội nhân dân mới toanh, bà con xáp vô hỏi thăm. Nhiều người giọng nhão ra, nghẹn ngào lau nước mắt. Tôi cũng chỉ biết cầm tay bà con cùng nghẹn ngào…

Nhà văn Thanh Giang trong một lần về quê bên sông Bến Tre

Với giấy công tác đặc biệt của Ban Quân quản Thành phố, tôi vào cổng dễ dàng, nhưng vào vòng trong, sĩ quan gác không cho vào, lý do là các nhà báo đã vào quá đông rồi! Phóng viên các hãng thông tấn, báo chí ở Hà Nội, Sài Gòn và cả nước ngoài. Tôi phải uốn dẽo, xưng danh phóng viên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng ở rừng về. Sĩ quan bảo vệ người Sư đoàn 7 từng tiếp chúng tôi những lần thâm nhập đơn vị thời chiến, nhận mặt quen cảm thông liền.

Là người vào sau, tôi cùng xôm vô chen chúc với các nhà báo, với các ống kính, camera đặc nghẹt để nhìn cho được gian phòng họp đang dồn về một phía chiều ngang, chia thành hai bên đối diện: một bên là Ban Quân quản với Chủ tịch Trung tướng Trần Văn trà, Chính ủy Võ Văn Kiệt và nhiều vị nữa…; một bên là số quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn cũ do Dương Văn Minh cầm đầu. Hầu hết nhà báo đứng hẳn lên ghế nệm để bấm máy, lấn tôi thành người sau cùng; sau tôi chỉ là những hàng ghế bọc da bỏ trống đặt trên thảm nhung đỏ thêu bươm bướm vàng cùng hoa văn sặc sỡ cầu kỳ. Để nhìn thấy điều cần thấy, tôi buộc lòng làm theo họ, đứng dép râu trên nệm ghế sang trọng để nhóng người lên. Bấy giờ Dương Văn Minh đang đứng hướng mặt về phía đối diện nói những lời trịnh trọng. Ông mặc thường phục đen, sơ mi lụa ngắn tay, gương mặt hơi vuông, hồng hào, hồn hậu. Không thể nào ghi chép được gì, tôi chỉ đắc ý ông mỗi câu với giọng chân thành: “Năm nay tôi sáu mươi tuổi, lần đầu tiên được làm người dân tự do của một nước độc lập!”.

Còn nhớ trước 30-4, vị tân tổng thống ba ngày này từng tuyên bố trên đài phát thanh: tự cho mình là thủ lĩnh Sài Gòn đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tuyên bố thả những người bị bắt giam vì lý do chính trị; kêu gọi các chiến hữu thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Paris, giữ vững trật tự an ninh… Và cuối cùng ông tuyên bố chấp nhận đầu hàng. Thành phố Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn, phải chăng có phần những lời tuyên bố “thiện chí” ấy!...

Nhà văn Thanh Giang ở chiến khu năm 1962

Nguyên vẹn người lính

Ngày 30-4 người lính ở rừng về Thanh Giang tròn 45 tuổi. Ngày này của 40 năm sau ông đã bước vào tuổi 85 (sinh năm 1930). Những ký ức một thời ấy còn nguyên vẹn trong ông với ước mơ của người lính cầm súng và cầm bút:

“Giữa không gian xanh dinh Độc Lập ngọt ngào hương bình yên, chúng tôi nghe dâng niềm xúc động một thời không tiếc tuổi xanh, sống hết mình, viết hết mình vì nghiệp lớn; một thời phóng viên xông pha các chiến trường bằng đôi chân cuốc bộ sưng vù trong dép râu; từng đẫm máu và trả giá sinh mạng trên những nẻo đường lừng danh hoang dã lạnh lùng; từng cam go sinh tử dự những chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng, Nguyễn Huệ, Xuân Lộc… Và đỉnh cao ác liệt trả giá xương máu cực kỳ đắt là trận tập kích chiến lược Sài Gòn – Xuân Mậu Thân 1968; rồi chiến dịch Hồ Chí Minh cùng nhau hăm hở lao theo các cánh quân “thần tốc – táo bạo” tiến công giải phóng Sài Gòn… Tâm niệm một điều Giải phóng Sài Gòn!

Quyết tâm Giải phóng Sài Gòn! Một mục tiêu lý tưởng, một tình cảm thiêng liêng như câu thơ trong bài thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về…”.

Nhà văn Thanh Giang nhớ ngày tiến về Sài Gòn ảnh 5
Nhà văn Thanh Giang - Ảnh NT

Nhà văn Thanh Giang tên thật là Lê Mai Sơn, sinh ngày 13 tháng 11 năm 1930, quê ở Tân Thành Bình, Mỏ Cày, Bến Tre. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, ông tham gia cách mạng, hoạt động trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ ở chiến trường Nam Bộ. Hiện ông sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

* Tiểu thuyết:

- Vùng tranh chấp (1982; tái bản 2003)

- Dòng sông nước mắt (1989)

- Trăng lên vườn Bồ Đề (1995)

- Khúc chuông chùa (2001)

- Sông Hàm Luông (2005; tái bản 2009)

- Biệt ly huy hoàng (2011)

* Truyện ngắn và ký:

- Đánh trong lòng địch (1967)

- Giữa lòng thành phố (1975)

- Ước mơ tuổi trẻ (1974; tái bản 1975, 1978, 1985)

- Bông súng đỏ (1985; tái bản 1986, 1995)

- Cô biệt động (1988)

- Chim Bạch yến (1997)

- Chiến sĩ Mậu Thân (1998; tái bản 2005)

- Những người ở lại (2000)

- Người đi tìm ngọn đuốc thiêng (2000)

- Rừng hát (2005)

- Lung linh hình bóng (2009)

* Thơ:

- Khúc hát về một dòng sông (in chung với Nguyễn Thành vân, 1971)

- Am điệu Bờ Tre (1995)

* Kịch bản phim truyện:

- Cư xá màu xanh (1980)

- Lửa hương rừng dừa (2001)

Giải thưởng Văn học:

- Giải Nguyễn Đình Chiểu (1965)

- Giải B (không giải A, 2000)

- Tặng thưởng của UBTQLH các hội VHNT (2002)

- Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre (lần I; 2010)

- 5 giải thưởng về truyện ngắn, bút ký của tạp chí VNQĐ; báo Sài Gòn Giải Phóng; báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.

- Kịch bản phim truyện Khúc chuông chùa của hội Điện ảnh và Sở Văn hoá Thông tin TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm