Người mê cọng lá dừa

Đi bộ đội từ năm 17 tuổi nên ông Trường Ngân không có điều kiện học hành, thế nên nhiều khi về hưu, vốn liếng cũng chẳng có gì. Song những năm tháng trong đơn vị đặc công thủy, vào sinh ra tử đã tôi luyện cho ông tính tháo vát, chịu khó, cùng ý chí tiến thủ để bước vào thương trường. Ông chọn nguyên liệu là những thứ phẩm của cây dừa, thứ tưởng chừng như bỏ đi để làm kinh tế.

Từ chiếc giỏ cọng dừa Philippines

Cuối thu năm 1993, lần đầu tiên tôi đến cơ sở sản xuất thủ công của ông Trường Ngân ở thị xã Bến Tre, tôi thật ngạc nhiên khi thấy ông ngồi chăm chú đan một món đồ gì đó. Trên tay ông là những cọng lá dừa tua tủa đã được chuốt tỉ mỉ, sạch bóng… Ông giải thích: “Đan thử cái giỏ xách làm bằng cọng lá dừa coi ra sao”. Rồi ông nhấn mạnh: “Người ta làm được thì mình cũng ráng mày mò làm được chớ gì. Cả tuần lễ rồi tôi phải mất ăn mất ngủ cũng vì những chiếc giỏ xách này…”.

Thì ra biết ông Trường Ngân là người Bến Tre, ông Phương Thừa Trung, một thương gia Đài Loan (Công ty Bo Chang, ở Đồng Nai), chuyển cho ông Trường Ngân một bộ giỏ xách gồm ba chiếc đan rất đẹp bằng cọng lá dừa, do người Philippines làm. Từ bộ giỏ xách mẫu đó, ông Phương Thừa Trung gợi ý cho ông Trường Ngân làm thử và nếu làm đạt như giỏ mẫu thì sẽ mua với số lượng lớn để xuất khẩu.

Ông Trường Ngân đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu cách làm sao cho giỏ xách giống hệt, thậm chí còn phải đẹp hơn giỏ xách mẫu mà ông đang có trong tay. Ông Trường Ngân cho biết thoạt đầu ông mở tung cả chiếc giỏ ra. Tất cả chỉ là những cọng lá dừa được vót bóng rồi đan lại với nhau trong một cái thân bằng trúc vót mỏng… Thấy có vẻ đơn giản song chẳng… dễ ăn chút nào.

Người mê cọng lá dừa ảnh 1

Ông Trường Ngân với các sản phẩm từ gỗ dừa. Ảnh: PLHH

Dù vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Trường Ngân đã cho ra những chiếc giỏ xách y chang như mẫu. Hơn nữa, nhờ phần keo bóng trát vào cọng lá dừa, những chiếc giỏ cọng lá dừa Bến Tre trở nên xinh xắn và sáng sủa hơn.

Nửa năm sau, tôi lại đến cơ sở Trường Ngân. Công việc đan giỏ bằng cọng lá dừa hết sức xôm tụ. Ở đó, ông Trường Ngân hướng dẫn cho bà con lối xóm, những hộ lao động nghèo, những người về hưu… cách làm giỏ xách. Phải đến 200-300 người. Mỗi ngày lúc trời chưa sáng hẳn, họ đã đến đập cửa để… xin nguyên liệu về nhà làm. Rồi các cơ sở “vệ tinh” của ông lan ra đến miệt vườn cồn Ốc, Mỏ Cày, Châu Thành…

Ông Trường Ngân cho biết mỗi ký lô cọng lá dừa vót sạch làm ra được một bộ giỏ, tức ba chiếc lớn, nhỏ. Người làm giỏi một ngày có thể làm một bộ. Có người hỏi ông: “Hướng dẫn người ta làm đại trà thế này, ông không sợ mất “bản quyền” sao?”. Ông thật bụng: “Tạo nguồn thu nhập thêm cho mọi người từ nguyên liệu gần như vô tận ở quê nhà, ước mơ này không chỉ riêng tôi… Với công việc này, mọi người tận dụng thời gian nhàn rỗi mỗi ngày kiếm thêm thu nhập”.

Ông tâm sự: “Tôi đi bộ đội lúc mới 17 tuổi nên đâu có điều kiện học hành nhiều, rồi khi nghỉ hưu, vốn liếng nói chung cũng chẳng có gì. Song điều tôi đang có trước mắt là nguồn tài nguyên dừa vô cùng phong phú tại quê nhà…”.

Đổi đời cho nhiều người dân Bến Tre

Những chiếc giỏ xách rồi đến những lẵng hoa làm bằng cọng lá dừa do ông tự mày mò làm ra mỗi lúc thêm xinh xắn, được các thương nhân Đài Loan đặt mua để xuất khẩu mỗi lúc một nhiều.

Người mê cọng lá dừa ảnh 2

Làm giỏ xách bằng cọng lá dừa. Ảnh: PLHH

Tôi nhớ lại: 10 năm trước đây, khi ông Trường Ngân sản xuất những chiếc giỏ xách trên, tôi cứ đinh ninh là chỉ bán được cho thị trường xuất khẩu chớ còn tại nội địa thì xem ra khó ăn vì người ta chưa quen dùng, nhất là dùng để đựng cái gì vào những chiếc giỏ đó. 10 năm sau, câu trả lời đã hoàn toàn khác. Những chiếc giỏ xách bằng cọng lá dừa nay trở nên phổ biến và chính nó càng làm tăng vẻ đẹp, giá trị cho một món quà khi người ta đem tặng nhau trong các dịp lễ, tết, đám tiệc… Ví như với trái cây chẳng hạn, trái cây được bài trí trong những chiếc giỏ đó trông rất xinh, lịch sự…

Từ thành công ở sản phẩm giỏ xách và lẵng hoa bằng cọng lá dừa, ông tiếp tục chịu khó tìm tòi, sản xuất ra thêm hàng chục mặt hàng từ các bộ phận cây dừa: gỗ dừa, gáo dừa, chà dừa, trái dừa và cả trái dừa điếc. Từ gỗ dừa, cơ sở Trường Ngân sản xuất hàng chục mặt hàng phục vụ sinh hoạt gia đình như đũa, chén, bình trà, khay ăn…, đồ lưu niệm và trang trí nội thất như chiếc lược, bình hoa, dụng cụ để danh thiếp, bút viết, lịch, hộp để thuốc lá…, những con đồi mồi mỹ nghệ bằng gáo dừa và những chiếc nĩa, chiếc vá “khổng lồ” bằng gỗ dừa để treo tường trông thật ấn tượng…

Ông tặc lưỡi: “Chọn gỗ dừa để làm một món hàng xịn cũng là cả vấn đề”. Ông giải thích cây dừa cũng có “dừa nhà giàu” và “dừa nhà nghèo”, dừa trồng trên đất liền và dừa trồng nơi có xẻ mương, dừa ở xứ nước ngọt và xứ nước mặn. Dừa nhà nghèo tuy ít được bón phân nhưng gỗ rất chắc, có nhiều vân. Dừa trồng bên mương ở vùng nước lợ, nước mặn, gỗ dừa sẽ tốt hơn trồng nơi khác. Xử lý gỗ dừa cũng là vấn đề phức tạp. Gỗ dừa cưa ra, xẻ nhỏ và người thợ phải làm sao cho mặt gỗ nhẵn nhụi, láng bóng, nổi vân thì mới… ăn tiền. Đó là chưa kể đến những công đoạn như mài, tiện, giũa để tạo hình.

Người mê cọng lá dừa ảnh 3

Thợ làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa ở cơ sở Trường Ngân. Ảnh: PLHH

Từ nhiều năm qua, doanh thu của cơ sở Trường Ngân là trên 200.000 USD/năm. Những người thợ làm hàng cho ông nay có người lãnh trên 150.000 đồng/ngày. Rất nhiều “vệ tinh” làm cho ông hồi mới vào cuộc rất nghèo nhưng nay đã mua đất, cất cơ sở khang trang. Để mở rộng tiếp thị cho các sản phẩm mỹ nghệ từ dừa, một số mặt hàng độc đáo của cơ sở Trường Ngân vẫn thường tham gia triển lãm, hội chợ ở khu vực, toàn quốc. Và thật đáng mừng là lần nào có tham gia thì các sản phẩm của Trường Ngân cũng đều được giải cao…

Ông Trường Ngân phân tích: “Để có một container hàng thủ công mỹ nghệ dừa xuất khẩu cần 200-300 lao động tại địa phương. Hãy nhân ra trong toàn tỉnh Bến Tre sẽ thấy hiệu quả về giải quyết việc làm cũng như đầu ra cho một vùng nguyên còn rất nhiều tiềm năng”.

Nhiệt thành, năng động, say mê với nghề thủ công mỹ nghệ dừa là những tố chất không lẫn vào ai ở ông Trường Ngân. Thỉnh thoảng ngang qua cơ sở của ông, dù ông đã vào tuổi gần 70 nhưng tôi vẫn thấy ông ngồi gò lưng bên cái máy tiện gỗ dừa, bụi dừa bay lên đầy mặt. Ông đang say mê tạo “hồn quê”. Những sản phẩm mỹ nghệ từ dừa của ông đã góp phần làm cho các kỳ lễ hội Festival dừa tổ chức tại Bến Tre thêm phong phú, hồn sắc. Song ông đã ra đi rồi!

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm