NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI: VÌ SAO NGÀY CÀNG BẠO LỰC?

Nghẹt thở “phục kích” Lê Văn Luyện

* Nhiều người không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy khuôn mặt non choẹt của hung thủ “máu lạnh”.

Nghẹt thở “phục kích” Lê Văn Luyện ảnh 1

Ngoài cổng Đồn Biên phòng Na Hình, phóng viên Thanh Lưu (ngoài cổng, bìa trái) và các đồng nghiệp nôn nóng tiếp cận hung thủ. Ảnh: TD

16 giờ ngày 31-8, hung thủ vụ giết người, cướp vàng kinh hoàng tại tiệm vàng Ngọc Bích đã bị các chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bắt giữ. Khoảng 1 tiếng sau, nhóm phóng viên đã có mặt tại đồn biên phòng để cập nhật từng phút những thông tin được hàng triệu độc giả cả nước quan tâm về tên sát thủ dã man này.

“Đón lõng” Lê Văn Luyện

Vụ án giết người, cướp vàng xảy ra khiến dư luận cả nước thực sự sôi sục, căm phẫn vì hành vi quá tàn ác của hung thủ. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngoài ban chuyên án, Bộ Công an đã phải lập hẳn một ban chỉ đạo điều tra phá án do Thiếu tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống tội phạm Bộ Công an (Tổng cục 6), làm trưởng ban và Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 6, làm phó ban. Ngoài ra, Bộ Công an còn huy động hàng trăm cán bộ điều tra tại Bắc Giang và các tỉnh lân cận, sử dụng những máy móc thiết bị hiện đại nhất để gấp rút phá án.

Ngày 29-8, năm ngày sau khi vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích xảy ra, cơ quan điều tra Công an huyện Lục Nam đã phát hiện được tung tích từ sơ hở duy nhất của hung thủ. Đó là việc hung thủ vào Trạm Y tế xã Thanh Lâm để khâu vết thương ở tay. Ngay trưa cùng ngày, cơ quan điều tra đã bắt giữ cha mẹ Luyện và khám xét căn nhà, nơi chôn giấu số lượng lớn vàng bị cướp.

Nghẹt thở “phục kích” Lê Văn Luyện ảnh 2

Làm việc bước đầu với hung thủ. Ảnh: THANH LƯU

Từ đó, danh tính của hung thủ đã lộ diện. Tuy nhiên, người dân khắp nơi trên cả nước càng thêm phẫn uất khi biết kẻ thủ ác chỉ là một thanh niên chưa tròn 18 tuổi. Theo lời khai ban đầu của những người thân của Luyện, ngay sau khi gây án, Luyện đã bỏ trốn lên nhà cô ruột ở bản Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Lạng Sơn, một nơi rất gần với biên giới Trung Quốc.

Nhận định hung thủ không còn ở Bắc Giang, phóng viên đã lập tức bắt xe đi Lạng Sơn để lần theo manh mối ban đầu do cơ quan điều tra cung cấp.

“Rượt đuổi” thông tin tại vùng biên

Ngày 31-8, trong khi hầu hết phóng viên các báo đều tập trung tại Bắc Giang để khai thác tối đa những thông tin liên quan đến Luyện thì phóng viên Pháp Luật TP.HCM cùng phóng viên ba tờ báo khác bắt đầu đi dọc biên giới, đến từng đồn biên phòng để “theo dấu” Lê Văn Luyện. Trưa hôm đó, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Tân Thanh. Trong cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Quốc Huy, Trưởng Đồn Biên phòng Tân Thanh, chúng tôi được biết ngay sau khi có lệnh truy nã, hình ảnh của Luyện đã được phát đi khắp nơi dọc vùng biên giới. Công tác phối hợp giữa công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng phía nước bạn đang diễn ra rất chặt chẽ.

Cảm giác thời điểm bắt được Luyện sắp diễn ra, chúng tôi quyết tâm bám trụ tại khu vực biên giới. Quả thật, ngay khi vừa ngược về cửa khẩu Tân Thanh, phóng viên nhận được thông tin Luyện đã bị bắt tại Đồn Biên phòng Na Hình, cách nơi chúng tôi đang đứng 30 km.

Lập tức, nhóm phóng viên gọi điện thoại về tòa soạn để báo cáo những thông tin ban đầu và leo lên chiếc ô tô tự lái để đi vào nơi đang bắt giữ tên sát thủ tàn ác làm dư luận cả nước phẫn nộ. Từ lúc này, hai chiếc điện thoại của phóng viên phải làm việc hết công suất. Tại tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM, nhóm phóng viên và thư ký tòa soạn online chờ đón từng dòng thông tin do phóng viên gửi về từ Lạng Sơn để tường thuật trực tiếp đến bạn đọc.

Chiếc xe bốn chỗ của nhóm phóng viên lao vun vút trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào Đồn Biên phòng Na Hình. Trên tay mỗi người đều lăm lăm chiếc điện thoại di động, vẻ mặt cực kỳ căng thẳng, chẳng ai nói với ai được câu nào... Sóng điện thoại tại khu vực này cũng rất chập chờn nên việc liên lạc về tòa soạn bắt đầu khó khăn.

Nghẹt thở “phục kích” Lê Văn Luyện ảnh 3

Bữa ăn tối đầu tiên của Luyện trong chuỗi ngày sa lưới. Ảnh: THANH LƯU

Tiếp cận hung thủ

Khi còn cách đồn biên phòng khoảng 8 km, xe ô tô của chúng tôi không thể tiếp tục đi được vì đường quá gồ ghề. Trước một bãi lầy, chúng tôi buộc phải dừng lại và hội ý chớp nhoáng. Cả nhóm quyết định bỏ xe lại, mạnh người nào người nấy tìm cách vào đồn biên phòng sớm nhất có thể.

Lác đác dọc đường đi có vài nhà dân, chúng tôi tính nhờ họ chở vào trong. Nhưng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, chúng tôi quyết định vừa chạy bộ vừa tìm kiếm bất kỳ một chiếc xe hoặc một người dân nào đó đang đi trên đường. Chạy được một đoạn, hai phóng viên đã “níu” được một người dân đi xe máy ngược chiều. Chiếc xe máy cà tàng chở ba người lập tức quay ngược lại phía đồn biên phòng.

Những người còn lại đang lo lắng thì nghe có tiếng động cơ. Một chiếc U-oát màu xanh, biển kiểm soát quân đội đang lắc lư tiến vào. Nhóm phóng viên còn lại dàn cả ra đường để “buộc” chiếc xe này dừng lại, cho đi nhờ. Rất may, đây là xe của phóng viên truyền hình quân đội nên những người trên xe lập tức đồng ý cho các đồng nghiệp quá giang. Dù tình hình đang hết sức căng thẳng, anh chàng quay phim cũng không khỏi phì cười khi thấy cả nhóm mồ hôi nhễ nhại, thở hồng hộc chen chúc trên xe mà vẫn không nói với nhau một câu. Ai cũng mong chờ giây phút tiếp cận hung thủ để thấy rõ bộ dạng và nghe những lời khai ban đầu tên sát thủ nhẫn tâm.

Khi chiếc xe U-oát đến đồn biên phòng, chúng tôi buộc phải xuống xe để làm thủ tục. Vừa lúc này, hai phóng viên đi trước cũng đã đến nơi và đang móc túi trả 100.000 đồng cho đoạn đường khoảng 5 km.

Khi chúng tôi xuất trình giấy tờ để làm thủ tục, từ các chiến sĩ biên phòng đến một số cán bộ điều tra đang có mặt tại đây đều thực sự ngỡ ngàng. Họ bất ngờ vì chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau khi bắt được Luyện thì đã có phóng viên xuất hiện.

Những hình ảnh đầu tiên

Khi cơ quan chức năng còn đang khai thác những lời khai ban đầu của Luyện, nhóm phóng viên buộc phải chờ đợi ngoài cổng đồn. Trong thời gian chờ đợi, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã kịp gửi về tòa soạn những hình ảnh đầu tiên từ đồn biên phòng. Sóng điện thoại cũng như Internet tại đồn biên phòng rất tốt nhưng đáng lo ngại nhất là ở ngoài cổng thì không có... điện.

Tuy nhiên, điều cả nhóm phóng viên nôn nóng nhất lúc đó là làm sao để bạn đọc thấy được hình ảnh mới nhất của Luyện ngoài tấm ảnh in trên lệnh truy nã được chụp cách đó vài năm và đã xuất hiện trên tất cả các mặt báo. Thoáng thấy hai chiến sĩ biên phòng đến đổi ca gác, chúng tôi lập tức chạy lại hỏi chuyện và nhảy cẫng lên vui mừng vì một trong hai người đã tranh thủ chụp ảnh Luyện bằng điện thoại di động.

18 giờ ngày 31-8, đúng 1 tiếng sau khi đến cổng đồn biên phòng, chúng tôi đã có được hình ảnh đầu tiên của tên sát thủ máu lạnh dù nó không thực sự sắc nét.

Nghẹt thở “phục kích” Lê Văn Luyện ảnh 4

Ghi hình để tường thuật trực tiếp từng lời khai lạnh sống lưng của Luyện. Ảnh: THANH LƯU

Một lúc sau, thấy trời đã tối hẳn, đồn biên phòng quyết định cho chúng tôi vào bên trong và ngồi chờ tại hội trường. 19 giờ 30, Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, Trưởng Đồn Biên phòng Na Hình, ra gặp mặt phóng viên để cung cấp những thông tin chính thức đầu tiên về cuộc vây bắt Lê Văn Luyện.

Sau đó khoảng 15 phút, chúng tôi đã được tiếp cận để trực tiếp chụp ảnh Luyện. Khi tận mắt thấy tên sát thủ máu lạnh, cả nhóm ai nấy đều có những cảm xúc thật khó tả. Không kìm chế được cảm xúc, một phóng viên đang tác nghiệp đã buông lời quát mắng Luyện khiến các cán bộ điều tra phải tới “hạ hỏa”.

Bữa cơm lúc nửa đêm

Sau khi tiếp xúc với Luyện, nhóm phóng viên phải làm việc thực sự căng thẳng và hết công suất vì vừa phải truyền thông tin về trang điện tử, vừa phải lo viết bài cho báo giấy sắp đến giờ in.

Khoảng 10 giờ 30, Luyện được các chiến sĩ biên phòng bưng cơm canh lên cho ăn. Trong khi đó, nhóm phóng viên vẫn phải vùi đầu vào chiếc laptop. Đến gần nửa đêm, khi Luyện đã được di lý về Bắc Giang trên chiếc siêu xe Hammer thì nhóm phóng viên mới xong việc. Các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng lúc này cũng mới dọn cơm tối và mời cả nhóm cùng ăn. Tất nhiên, câu chuyện mọi người bàn tới trong bữa cơm không có gì khác ngoài việc bắt được Luyện.

Ăn xong cơm, chúng tôi nhờ các chiến sĩ biên phòng lấy xe máy chở ra ngoài địa điểm đậu ô tô lúc chiều. Đến một vũng lầy gần chỗ đậu xe, xe máy cũng không thể tiếp tục đi được nên chúng tôi buộc phải dừng lại, cảm ơn các chiến sĩ tốt bụng rồi xắn quần lội qua vũng lầy. Gian nan vẫn còn đeo bám khi chiếc xe để đó từ chiều giờ không chịu nổ máy. Sau một hồi mày mò, chiếc xe mới chịu khởi động giữa núi rừng hoang vu và tối đen.

Đúng 2 giờ sáng, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình từ Lạng Sơn về Bắc Giang để cập nhật những thông tin về Luyện. Tại Bắc Giang lúc đó, hàng chục phóng viên các báo đài cũng đang tập trung tại trụ sở công an tỉnh. Họ đã thức thâu đêm để đợi thời điểm đưa Luyện về đến nơi.

Khoảng ba tuần từ khi vụ án xảy ra, quán cà phê Trung Hoa bên cạnh trụ sở công an tỉnh luôn có mặt các phóng viên túc trực sẵn để chờ những thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra. Có lúc quán chứa tới gần 30 phóng viên của các báo đài. Quán cà phê này trở thành nơi viết bài, phỏng vấn, trao đổi thông tin, chờ đợi, thậm chí là nơi ăn ngủ của các phóng viên đến Bắc Giang theo dõi thông tin về vụ cướp tiệm vàng Ngọc Bích.

Quãng đường từ thành phố Bắc Giang đến hiện trường vụ cướp tại phố Sàn (huyện Lục Nam) là 30 km. Có ngày, phóng viên phải di chuyển liên tục giữa hai địa điểm này để cập nhật những thông tin và hình ảnh mới nhất về diễn biến vụ án.

 

THANH LƯU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm