Mưu đồ của Trung Quốc ở biển Đông

27 năm sau khi Trung Quốc (TQ) dùng vũ lực để chiếm Gạc Ma (14-3-1988 – 14-3-2015) - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mưu đồ của chính quyền Bắc Kinh đối với biển Đông ngày càng lộ rõ. Thông tin cho thấy cùng với Gạc Ma, TQ đang tiến hành cải tạo hàng loạt bãi, đá chiếm đóng trái phép khác, biến chúng thành những “công sự nổi”, mà nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng đó là bước đi hết sức nguy hiểm trong hành trình thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ.

Nhìn lại “bàn cờ lớn” 27 năm qua

Nếu thử nối lần lượt các địa điểm mà TQ hiện đang chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa, dễ dàng thấy TQ đang dàn một thế trận bao vây và chia cắt toàn bộ khu trung tâm của quần đảo, với mỗi đảo nhân tạo sẽ là một điểm chốt để nhanh chóng triển khai lực lượng tiếp ứng khi có “vấn đề” xảy ra.

PGS-TS Alexander Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), nhận định trên trang National Interest rằng TQ đang tăng cường kiểm soát các điểm chiến lược, rồi biến những điểm chiến lược này thành các điểm kiểm soát đủ mạnh để khống chế toàn bộ khu vực.

Theo ông Vuving, nếu đặt trên bản đồ thì Đá Chữ Thập, Vành Khăn, Hoàng Nham và đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa) sẽ tạo thành một tứ giác với bán kính 250 hải lý, đủ sức khống chế hoàn toàn biển Đông vốn được cho là “yết hầu của các tuyến đường hàng hải quốc tế”.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), ông James Hardy, biên tập viên mảng châu Á-Thái Bình Dương của tuần san quốc phòng IHS Jane’s (Anh), việc xây dựng các đảo nhân tạo của TQ trên biển Đông là “một chiến dịch được lên kế hoạch kỹ lưỡng, có phương pháp cụ thể nhằm tạo nên một chuỗi các pháo đài có cả sức mạnh hải quân lẫn không quân, cắt ngang vùng trung tâm của quần đảo Trường Sa”. Các cơ sở mới này sẽ đóng vai trò như các trạm tiếp nhiên liệu và hậu cần cho hải quân và không quân TQ tuần tra khắp khu vực.

Nhiều chuyên gia, trong đó có bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định những hòn đảo nhân tạo mới có thể hỗ trợ Bắc Kinh trong nhiều trường hợp, bao gồm cả tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai ở biển Đông (ADIZ), tạo áp lực lên tất cả nước láng giềng.

Chuỗi căn cứ này, phối hợp cùng căn cứ hiện TQ đang chiếm đóng trái phép tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam) sẽ là bàn đạp giúp TQ dễ dàng triển khai quân sự trên biển Đông, hiện thực hóa vùng ADIZ bằng hành động quân sự thực tế chứ không chỉ trên tuyên bố chính trị ngoại giao đơn thuần.

Ảnh trên: TQ đang ồ ạt xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma (cưỡng chiếm trái phép của Việt Nam). Ảnh: Internet

Ảnh dưới: Không ảnh của NASA chụp cụm Sinh Tồn, trong đó có đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của Việt Nam (khoanh tròn). Nguồn: Internet

Gạc Ma: Nút thắt “mặt tiền” Trường Sa

Theo một chuyên gia nghiên cứu biển Đông, khi TQ tấn công Việt Nam thực hiện âm mưu thống lĩnh quyền hiện diện ở quần đảo Trường Sa năm 1988, chính quyền Bắc Kinh ưu tiên cho tiêu chí “chất lượng” hơn là “số lượng” - tức chiếm các vị trí trọng điểm thay vì chiếm càng nhiều bãi đá càng tốt. Theo đó, Gạc Ma là một trong sáu bãi đá do Bắc Kinh chiếm giữ có vị trí chiến lược quan trọng nhất trên quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, đá Gạc Ma (cùng với đá Su Bi, đá Ga Ven và đá Châu Viên) nằm ở rìa của bốn nhóm đảo khác nhau, tạo nên “bốn mặt tiền” của một vùng biển rộng lớn cùng các tuyến đường biển quan trọng đi vào các nhóm đảo. Đặc biệt, Gạc Ma là nút thắt quyết định của cả cụm đảo Sinh Tồn và cụm đảo phía Bắc (Song Tử); nằm án ngữ trên các tuyến hải trình ra Trường Sa và đi qua khu vực biển Đông, lại khá gần với bờ biển Việt Nam (chỉ khoảng 250 km về phía đông).

Gạc Ma và nhất là đá Châu Viên rất gần với khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây và khu vực các nhà giàn DK 1 của Việt Nam - nơi có những tiềm năng to lớn về dầu khí và tài nguyên khoáng sản. Một khi hoàn thành, những căn cứ này đủ lớn để bố trí các lực lượng tấn công mạnh. Điều này cũng sẽ giúp TQ khắc phục được những điểm yếu trước đây như tham vọng lớn nhưng bố trí lực lượng không phù hợp, cải thiện về căn bản khâu tiếp liệu, vận tải, phối hợp tác chiến không biển... TQ sẽ nâng cao đáng kể khả năng kiểm soát cả trên không, trên biển và dưới mặt nước.

Nhìn một cách tổng thể, nếu Gạc Ma thực sự thành căn cứ quân sự trên biển, chính quyền TQ hoàn toàn dễ dàng “với tay” đến các địa điểm khác trên quần đảo Trường Sa với sự hỗ trợ đắc lực của đường băng vừa mới hoàn thành tại đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa cùng một số bãi đá khác đang trong tiến trình được xây dựng, hoàn thành.

Một kịch bản “đẹp” của Bắc Kinh

Quan sát hành động chiếm giữ và xây đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm ở Trường Sa của TQ, vị chuyên gia trên cho rằng việc xây đảo nhân tạo và các tuyên bố chủ quyền bất chấp luật quốc tế là bề nổi. Còn giá trị cốt lõi - phần chìm của “tảng băng” chính là ba yếu tố quan hệ hữu cơ: i) Tính chính danh; ii) Tính can dự - phòng thủ; iii) Yếu tố kinh tế-chính trị trong dài hạn.

Một là, Gạc Ma hay bất kỳ bãi đá nào cũng là cơ sở để Bắc Kinh tuyên bố tính chính danh - tức có quan hệ trực tiếp đối với khoảng 80% diện tích biển Đông. Bãi đá ngầm sẽ trở nên “nguy hiểm” khi bàn tay Bắc Kinh từng bước biến thành đảo nhân tạo với cơ sở, hạ tầng chính trị, quân sự, dân sự được đưa vào hoạt động như một vùng lãnh thổ thực sự của TQ.

Hai là, như chính trò chơi “cờ vây” của người TQ, các bãi đá ngầm một khi thành đảo nhân tạo sẽ “bủa vây” các quốc gia khu vực biển Đông. Cụ thể, đảo nhân tạo càng nhiều sẽ phân cắt khu vực biển Đông, tạo nên thế trận “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Các nước láng giềng sẽ lâm vào tình trạng thiếu “không khí”, thiếu sự hậu thuẫn từ các quốc gia ngoài khu vực, từ đó trở nên yếu ớt và giảm khả năng chống cự. Chiêu bài “chia để trị” vốn được TQ ưa thích, dưới thế trận bủa vây đảo nhân tạo, Bắc Kinh sẽ tăng cường can dự trên diện rộng trên biển Đông.

 Gạc Ma “nhân tạo” giúp gì về quân sự?

Theo bản báo cáo tháng 12-2014 của Ethan Meick, thuộc Ủy ban Giám sát Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, đa số các máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ của quân đội TQ có phạm vi hoạt động còn hạn chế đối với phía Nam biển Đông. Khu vực này cách sân bay quân sự gần nhất của TQ là gần 600 hải lý, đồng thời cách đường băng trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) hơn 400 hải lý. Như vậy, bình thường nếu không quân TQ muốn triển khai hoạt động ở khu vực phía Nam biển Đông, họ buộc phải huy động thêm cả các máy bay tiếp nhiên liệu H-6U.

Khi Gạc Ma trở thành đảo nhân tạo của Bắc Kinh, địa điểm này sẽ: i) Giúp cho việc triển khai không quân của TQ tại khu vực giảm đi rất nhiều khó khăn, tốn kém về hậu cần, nhiên liệu và nhân lực, giảm thời gian triển khai và tăng tần suất hoạt động; ii) Giúp không quân TQ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ C4ISR (các hoạt động chỉ huy và kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát) trên toàn khu vực biển Đông mà đặc biệt là vùng phía Nam xa xôi.

 

Đảo nhân tạo không giúp Bắc Kinh lợi thế về pháp lý

Trên trang The Diplomat, theo Shannon Tiezzi, Trung Quốc nhiều khả năng còn xây dựng các đảo nhân tạo làm bàn đạp về mặt pháp lý để khẳng định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc, dựa trên lập luận rằng những “hòn đảo” mà Trung Quốc dựng nên này đủ khả năng đảm bảo sự sinh sống của con người và xây dựng đời sống kinh tế độc lập.

Nhưng theo Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, luận điệu này của Trung Quốc hoàn toàn vô nghĩa vì Luật Biển quốc tế chỉ thừa nhận tính pháp lý của những hòn đảo được tạo nên một cách tự nhiên, chứ không phải các hòn đảo nhân tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm