Một nền y tế đang trốc gốc - Kỳ 1: Tủi thân bác sĩ miệt vườn

Đã có ba y bác sĩ bị kỷ luật, chuyển công tác khỏi Trạm Y tế xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước (Cà Mau) sau sự cố một sản phụ đẻ rớt, bé sơ sinh bị tử vong ngay trước cổng trạm. Hầu hết mọi người cho rằng hình phạt đó là thích đáng, trừ những người dân ở gần Trạm Y tế xã Thạnh Phú.

Đằng sau trẻ đẻ rớt

Sự cố đêm 14-12-2010 tại Trạm Y tế xã Thạnh Phú được đánh giá là một sự bê bối của hệ thống trạm y tế xã. Đêm đó, khoảng 22 giờ 30, sản phụ Nguyễn Hoài Nhân được người nhà đưa đến trạm y tế trong tình trạng sắp sinh. Trạm y tế đóng cửa, không một bóng người. Người nhà chị Nhân đập cửa la làng, vẫn không có ai ra đón sản phụ. Khi người dân gần đó thức giấc và chạy tìm được y bác sĩ thì chị Nhân đã sinh rớt, đứa bé tử vong. Chuyện được làm rõ, các y bác sĩ đã bỏ trực gây nên sự cố đáng tiếc trên. Kết cục, Trạm trưởng Nguyễn Út Thia, y sĩ Châu Đức Toàn và y sĩ Cao Hồng Lụa bị kỷ luật, chuyển công tác đi nơi khác, xa nhà hơn 20 km.

Sự cố trên được y sĩ Đoàn Thanh Thân - một đồng nghiệp thâm niên với các y bác sĩ nói trên ví như “đêm dài lắm mộng”. Ngoài nguyên Trưởng trạm Nguyễn Út Thia có một phòng mạch tư tại nhà, các y sĩ còn lại đều phải mưu sinh thêm bằng các nghề khác. Có người cầm phảng, cầm len làm nông dân. Y sĩ Toàn thì miệt mài học cách nuôi rắn, nuôi kỳ đà để cải thiện cuộc sống nhưng lần nào cũng lỗ vốn vì không rành kỹ thuật hoặc gặp đợt nông sản rớt giá.

Cuộc sống chật vật và luẩn quẩn với việc mưu sinh nên gần 20 năm qua y sĩ Toàn và y sĩ Thân vẫn là y sĩ. “Hồi trước tôi thèm đi học để thành bác sĩ... Bây giờ tuổi lớn rồi, tôi không còn cơ hội nữa!” - y sĩ Thân thở dài.

Bà bán cá nói chuyện bác sĩ miệt vườn

Bà Tư Xuân là chủ quán cóc bán nước uống đối diện Trạm Y tế xã Thạnh Phú. Ngoài quán nước nhỏ, cứ 3 giờ sáng là bà thức dậy ra chợ đón mua tôm cá của nông dân rồi bày ra chợ xã bán lại kiếm lời. Nghe hỏi về chuyện các y bác sĩ Trạm Y tế Thạnh Phú và sự cố sản phụ đẻ rớt, bà Tư bức xúc: “Tiền thù lao trực đêm có 10.000 đồng bạc, thua cái lời của tui bán hai ký lô cá. Muốn trách các y bác sĩ ở đây thì trước hết phải trách chế độ cho mấy ổng quá thấp, nên mấy ông y bác sĩ đâu có kiên trì hết năm này sang năm khác được, thế nào cũng có sơ suất. Ai thử cất nhà ở gần trạm y tế xã sẽ thấy các y bác sĩ ở Thạnh Phú này đáng thương hơn là đáng trách”. Rồi bà kể những câu chuyện nao lòng về đời bác sĩ vườn mà bà từng chứng kiến…

Vào một buổi sáng giữa năm 2010, như thường lệ, bà thức dậy ra chợ đón mua cá. Trên đường đi, bà gặp một thanh niên đầu bê bết máu vì tai nạn giao thông, nhờ bà chỉ giúp trạm y tế. Bà sốt sắng dẫn cậu ta đến đập cửa nhà y sĩ Toàn. Y sĩ Toàn dụi mắt lên trạm, thăm khám, băng bó vết thương cho anh ta. Băng xong, y sĩ tính tiền thuốc men, băng gạc nhưng anh chàng thanh niên lắc đầu bảo không còn đồng bạc nào. Bà Tư Xuân nổi nóng khi nhớ lại chuyện này: “Có 63.000 đồng bạc, thằng đó không có tiền trả trong khi nó ăn mặc bảnh bao lắm. Tôi khùng lên mắng cho nó một chặp. Rõ là nó đi ăn nhậu hết không còn đồng bạc cạo gió. Nó hứa vài ngày trở lại trả tiền nhưng biến luôn, y sĩ Toàn phải trả thay cho nó”.

Một lần khác, cũng vào lúc nửa đêm, bà Tư chứng kiến một anh chồng đưa vợ đến khám thai. Người chồng la làng ỏm tỏi, chửi bới lung tung khi không thấy bác sĩ trực có mặt tại trạm. Bà Tư nghe, thức dậy đi gọi y sĩ Lụa đến khám. Khám xong, tính tiền 8.000 đồng (là tiền bao tay và mấy viên thuốc tiêu hoá) nhưng ông chồng cũng xin thiếu rồi biến luôn không trở lại. Bà Tư tặc lưỡi: “Dân mình nhiều người cũng ngộ. Ra bệnh viện lớn thì tìm mọi cách lót tay cho y bác sĩ, có khi vài trăm ngàn đồng. Còn đến trạm y tế thì cả tiền thuốc cũng không muốn trả. Tội cho các y bác sĩ miệt vườn, làm việc vất vả mà người dân đối đãi cũng chưa phải tình”.

Y sĩ Đoàn Thanh Thân đã làm việc tại Trạm Y tế xã Thạnh Phú được 19 năm, mức lương hiện tại là 3,4 triệu đồng/tháng.

Thu nhập thêm của anh tại trạm y tế xã này là khoảng tiền trực đêm 10.000 đồng cho đêm bình thường, 13.000 đồng/đêm cho ngày nghỉ và 18.000 đồng/đêm lễ, tết.

Với một vợ, hai con, khoản thu nhập này chẳng làm sao lo nổi. Anh thổ lộ: “Những lúc nghe bà con nói tôm nuôi bị chết, tôi như ngồi trên lửa. Trực cả đêm ở trạm được 10.000 đồng, nếu tôm quậy, không xử lý kịp thì thiệt hại bạc triệu. Từ đó nên đôi khi làm liều, nhờ bà con ở đây trông cái trạm y tế giùm, khi có bệnh thì gọi điện thoại cho tôi. Tôi phải về nhà ra vuông canh tôm. Biết rằng một ngày nào đó, xui rủi có ca bệnh nặng mà mình đến không kịp thì… và các đồng nghiệp của tôi vừa bị vướng”.

“Có thực mới vực được đạo”

Trực một đêm được có 10.000 đồng bạc, trong khi một tô hủ tiếu đã 15.000 đồng. Hỏi tại sao mà chỗ này chỗ nọ xảy ra hoài chuyện bác sĩ bỏ trạm, bệnh nhân đau, đẻ rớt, vỡ ruột thừa.

TƯ XUÂN

Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị cấp trên xem lại chế độ cho tuyến y tế cơ sở nhưng tỉnh trả lời đó là quy định của trung ương. Trạm y tế cơ sở như một sở y tế thu nhỏ, với hàng trăm công việc trăm dâu đổ đầu tằm nhưng chế độ cho cán bộ y bác sĩ thì quá thấp, tụt hậu rất xa với đời sống vật giá hôm nay.

BSTRƯƠNG TÙNG LINH, Trưởng trạm Y tế xã Thạnh Phú

TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm