Kỳ án hiện đại - Bài cuối: Phía sau vụ án Lã Thị Kim Oanh

Năm 2000, tôi được bổ nhiệm làm phó viện trưởng VKSND Tối cao. Sau đó không lâu thì xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh. Đây là vụ án rất phức tạp, cơ quan điều tra phải mất gần hai năm điều tra và xác minh hàng trăm cơ quan, hàng chục địa phương và gặp hàng ngàn người để thu thập chứng cứ. Với cương vị viện phó, tôi tham gia chỉ đạo kiểm sát điều tra vụ án này.

Kỳ án hiện đại - Bài cuối: Phía sau vụ án Lã Thị Kim Oanh ảnh 1

Bị cáo Lã Thị Kim Oanh được dẫn giải ra tòa. Ảnh: TƯ LIỆU

Phải đối chất với phó thủ tướng và bộ trưởng

Vụ án được tóm tắt như sau: Lã Thị Kim Oanh là giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Từ năm 1995 đến 1999, Kim Oanh và đồng phạm đã sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp cũng như đi vay các ngân hàng để thực hiện dự án nhưng sau đó đã tham ô hơn 70 tỉ đồng và hơn 92.000 USD, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 34 tỉ đồng và 3.000 USD. Hai nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng hai nguyên vụ trưởng của bộ này là Phan Văn Quán và Huỳnh Xuân Hoàng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau gần nửa tháng xử sơ thẩm, ngày 2-12-2003, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Kim Oanh mức án tử hình về tội tham ô và cố ý làm trái, nguyên thứ trưởng (thường trực) Nguyễn Quang Hà và nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân cùng bị ba năm tù, hai nguyên vụ trưởng Huỳnh Xuân Hoàng và Phạm Văn Quán cùng bị bốn năm tù.

Trước phiên xử sơ thẩm, dư luận cho rằng VKSND Tối cao còn để lọt tội phạm (hàm ý trách nhiệm của ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng khi đó và ông Nguyễn Công Tạn - cựu Bộ trưởng, lúc ấy đang là phó thủ tướng). Thậm chí ngay trong VKSND Tối cao cũng râm ran dư luận này. Sau phiên tòa sơ thẩm, dư luận và công luận cho rằng việc xét xử chưa nghiêm, chưa công bằng, nhiều nhân chứng quan trọng không có mặt tại phiên tòa làm cho vụ án chưa thấu tình đạt lý. Không chỉ thế, những bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng hành vi ký xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền của các ngân hàng đã được báo cáo cho bộ trưởng biết. Dư luận đề nghị cần đối chất giữa các bị cáo với bộ trưởng đương chức Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn (lúc vụ án xảy ra là phó thủ tướng). Không ít bài báo ám chỉ cơ quan tố tụng đã để lọt những bị can quan trọng.

Cuối tháng Giêng năm 2004, trước khi dự họp với Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án, tôi trao đổi với Viện trưởng Hà Mạnh Trí về những dư luận bức xúc nói trên. Tại tòa, các bị cáo và luật sư đều tập trung khai thác những vấn đề liên quan đến trách nhiệm bộ trưởng nhưng không có các vị ấy để đối chất. Mặt khác, Lã Thị Kim Oanh tham ô số tiền hơn 70 tỉ đồng nhưng khi khám nhà bị cáo lại không thu được gì đáng kể… Sau khi họp với ban chỉ đạo, tôi đề xuất và được Viện trưởng Hà Mạnh Trí đồng ý kế hoạch đối chất giữa các bị cáo (chủ yếu là hai nguyên thứ trưởng) với Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và cựu Bộ trưởng - Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Nỗi khổ của người bị báo chí “kết tội”

Ngày 18-2-2004, tôi ký giấy giới thiệu cho Vụ phó 2A Mai Anh Thông trực tiếp sang gặp ông Nguyễn Công Tạn và ông Lê Huy Ngọ đặt vấn đề tiến hành đối chất. Ông Tạn và ông Ngọ đồng ý. Sáu ngày sau, tại trụ sở Bộ NN&PTNT, chúng tôi tiến hành cuộc đối chất. Tranh thủ lúc cơ quan điều tra bố trí ghi âm, ghi hình, tôi gặp riêng Bộ trưởng Lê Huy Ngọ. Bộ trưởng ra tận cửa đón tôi nhưng trông ông rất buồn. Những nếp nhăn như hằn sâu thêm trên vầng trán làm cho khuôn mặt vốn khắc khổ của ông càng khắc khổ hơn. Tôi từng làm việc nhiều lần với ông nhưng hôm nay trông ông già hẳn. Ai từng bị dư luận, báo chí “kết tội” sai hẳn hiểu được nỗi khổ của ông lúc này.

Trong những lần gặp nhau trước đây, giữa tôi và bộ trưởng rất thân tình. Nhưng hôm nay lại khác. Có cái gì đó căng thẳng tạo nên sự ngăn cách giữa chúng tôi. Mùi chè Thái thơm cũng chẳng làm thay đổi được không khí nặng nề. Ông như cố ý tránh ánh mắt tôi. Tôi vừa mở đầu câu chuyện đại ý có dư luận, đơn thư khiếu nại… nên mới cần thiết có buổi đối chất này. Tôi vừa nói đến đây bỗng bộ trưởng nhìn tôi, lắc đầu: “Tôi đã có tường trình đầy đủ và khẳng định hoàn toàn không biết có việc ký các loại giấy tờ rồi mà. Quy chế làm việc tại Bộ NN&PTNT đã được quy định rất cụ thể, rành mạch về những loại việc của tập thể lãnh đạo bộ, của bộ trưởng và của các thứ trưởng… Nếu các vị ấy (chỉ hai thứ trưởng) không chứng minh được thì các vị ấy phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình, không thể đổ lỗi cho người khác được”.

Tôi ngồi nghe ông nói một thôi một hồi. Giọng hơi khàn. Có lúc ông dằn từng tiếng, to dần. Hai bàn tay ông chặt mạnh vào không khí. Ông nhìn thẳng vào tôi như muốn trút những cơn bực dọc mà lâu nay ông phải gánh chịu…

Ông Ngọ về làm bộ trưởng khi Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc công ty nói trên đã lâu rồi. Trước khi về, ông đã nghe người ta xì xào về nhân vật này nên ông rất cảnh giác. Thế nhưng mới nhận nhiệm vụ chẳng được bao lâu thì xảy ra vụ án này.

Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhắc lại: “Có cần phải đối chất nữa hay không? Bởi những vấn đề đó đã được tôi tường trình đầy đủ rồi mà… Có cần thiết phải đối chất hay không?”. Nếp nhăn trên trán ông càng sâu thêm. Tôi tìm lời động viên ông rằng tuy hơi phiền hà nhưng như ông bà ta nói “ba mặt một nhời”, việc đối chất này không chỉ làm sáng tỏ các lời khai “đổ vấy” của các bị cáo tại tòa mà còn nhằm giải tỏa những nghi kỵ của dư luận đối với bộ trưởng. Và rằng nếu tại phiên tòa (sắp tới) mà có mặt bộ trưởng thì các bị cáo không thể đổ vấy cho ai được. Đây cũng là cách tốt nhất để khẳng định sự ngoại phạm và minh oan cho bộ trưởng…

Ông vừa nghe tôi nói vừa nhìn ra cửa sổ, gật đầu rồi xoay người sang phía tôi: “Đối chất thì được. Còn ra tòa thì tôi sẽ cân nhắc thêm”. Tôi nhìn đồng hồ, nói: “Bây giờ xin mời bộ trưởng cùng anh em chúng tôi tiến hành đối chất”. Ông đứng dậy và cùng tôi đi về phòng đối chất.

Giữ đúng lời hứa sẽ ra tòa

Đúng như sự tiên liệu của tôi và nhiều người, kết quả đối chất hôm ấy cho thấy cả hai nguyên thứ trưởng - bị cáo trong vụ án - khi ký giấy tờ xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền đều không có bằng chứng thể hiện có báo cáo Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Buổi đối chất kết thúc, nét mặt bộ trưởng dãn ra, đượm nét tự tin nhưng ông cũng hơi thấm mệt. Tôi bắt tay ông định tạm biệt thì bộ trưởng nắm chặt tay tôi kéo vào phòng ông. Tôi đi theo như bị thôi miên. Trong câu chuyện, tôi nhắc lại lời đề nghị ông ra tòa vào phiên phúc thẩm. Tôi chưa kịp nói hết câu thì bộ trưởng chìa tay cho tôi bắt và nói như đinh đóng cột: “Tôi sẽ ra tòa. Nhất định tôi sẽ ra tòa”.

Theo kế hoạch, sáng hôm sau chúng tôi lại có mặt tại trụ sở Bộ NN&PTNT để tiến hành đối chất giữa ông Nguyễn Công Tạn với các bị cáo Luân và Hà. Khi tôi đến đã thấy ông Tạn và bị cáo Luân trong phòng làm việc. Kết quả đối chất này cũng giống kết quả như của ông Ngọ. Cuối buổi, tôi nhắc lại đề nghị ông Tạn nên ra tòa nhưng ông lắc đầu nói mình vừa mổ tim, sức khỏe chưa ổn. Quả thật, nhìn vẻ mệt mỏi, nước da xanh xao, đôi mắt sâu và giọng nói còn yếu ớt của ông, tôi nghĩ quyết định ấy là chính xác. Lúc ấy, tòa chỉ cần công bố lời đối chất là đã đủ sức thuyết phục.

Ngày 22-3-2004, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Bộ trưởng Lê Huy Ngọ có đơn xin vắng mặt trong ngày khai mạc vì “bận công việc đã có lịch trước” nhưng hứa “sẽ có mặt khi tòa yêu cầu ra làm chứng”. Và ông đã giữ đúng lời hứa ấy. Kết quả tòa tuyên y án tử hình đối với Lã Thị Kim Oanh, giảm án cho bị cáo Luân, nguyên thứ trưởng, từ ba năm xuống còn hai năm tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên mức án ba năm tù đối với bị cáo Hà, nguyên thứ trưởng nhưng cho hưởng án treo. (Sau này Chủ tịch nước đã ân giảm cho Lã Thị Kim Oanh xuống còn chung thân.)

▲▲▲

Vụ án khép lại. Tôi và ông Lê Huy Ngọ ít khi gặp nhau. Bỗng một hôm tôi nghe tin ông từ chức bộ trưởng, một chuyện “xưa nay hiếm” ở nước ta. Từ sâu thẳm đáy lòng, tôi thấy vừa thương vừa tiếc cho một con người cần mẫn như ông mà phải từ chức. Nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy ông ứng xử đúng với lương tâm và trách nhiệm. Sau sóng gió, con người ta cần những bến đậu, những khoảng lặng bình yên để lòng mình thanh thản. Và tôi cũng thầm khen ông dũng cảm, công tâm khi từ chức trong bối cảnh văn hóa từ chức chưa được xác lập ở nước ta, kể cả cho đến bây giờ.

Hà Nội, cuối tháng 2-2012

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm