Hiểm nguy nghề cảnh sát cứu hộ

Khi tiếp xúc với lực lượng cứu nạn, cứu hộ, tôi nghĩ ngay đến lời bài hát Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Bởi tất cả họ đều xuất phát từ những người lính trẻ xung phong đến với cái nghề cực kỳ khó khăn, nguy hiểm với tấm lòng đầy nhiệt huyết.

Phòng Cứu nạn-cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM là một trong những đơn vị tiêu biểu được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước TP.HCM năm 2015.

Mặc đồng đội cản, vẫn lao vào cứu người

Với Trung úy Võ Thành Công, dấu ấn nghề khó quên với anh là lần cùng đồng đội cứu thành công cụ bà trong sự cố cháy nổ kho thuốc nổ Phương “khói lửa”, xảy ra đầu năm 2013. Lúc đó, lực lượng nhận lệnh tìm kiếm khẩn trương nhiều người bị kẹt bên trong đống đổ nát. Trong lúc vô vọng tìm kiếm người sống sót, Thiếu úy Nguyễn Chí Thanh bỗng nghe những tiếng kêu yếu ớt, anh lập tức xác định được vị trí bà cụ Lê Thị Rếp bị vùi sâu dưới gần 3 m bê tông. Phải hết sức cẩn thận vì bê tông có thể dịch chuyển, tiếp tục đè nạn nhân, các anh đã dùng tay không đào bới, di chuyển từng mảng ra ngoài. Trong quá trình đào bới, anh em liên tục nắm tay, trấn an giúp bà cụ bình tĩnh làm theo hướng dẫn. Sau một giờ đào bới, lực lượng cứu nạn đã đưa được bà cụ ra ngoài.

Một trong những vụ việc mà Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó phòng Cứu nạn-Cứu hộ, nhớ nhất là cứu hai nạn nhân trong vụ sập công trình CR4 ở quận 7. Khi lực lượng tiếp cận công trình ở tầng bốn thì phát hiện một nạn nhân nữ bị kẹt sâu trong khối bê tông, giàn giáo. Trong khi đồng đội ngăn cản vì công trình có thể tiếp tục sập, anh Tuấn quyết định tìm cách cứu được nạn nhân ra nhanh nhất. “Qua kẽ hở tôi thấy gương mặt chị hoảng loạn, mất bình tĩnh. Nhận định nếu để lâu nạn nhân sẽ tử vong, tôi quyết định chui xuống một cái khe tiếp cận nạn nhân” - anh Tuấn nói.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ lặn tìm vớt xác nạn nhân nhảy xuống kênh Tàu Hủ rồi bị đuối nước vào ngày 17-6 vừa qua. Ảnh: HT

Vừa cứu được nạn nhân thứ nhất ra thì các anh nghe tiếng kêu của một nữ công nhân khác đang bị kẹt chân trong khối bê tông dày ở tầng ba. Ban đầu lực lượng dùng nước phun vào để ngăn bê tông đông kết nhưng hơn một giờ chưa cứu được. Lúc này phía Sở Y tế đề ra phương án tháo khớp chân để cứu nạn nhân. “Tôi và đồng đội thấy tội nghiệp chị ấy bởi nếu làm thế thì sẽ tàn phế cả đời. Vì vậy, tôi đề xuất lãnh đạo cho chúng tôi thêm thời gian để phá bê tông” - anh Tuấn nhớ lại. Cuối cùng bằng sự quyết tâm, sau hơn 10 phút các anh đã cứu thành công. Điều kỳ diệu là cả hai nạn nhân sau đó đều khỏe mạnh.

Ngay sau vụ nổ hóa chất ở quận 12 khiến ba nữ công nhân thiệt mạng cùng hàng trăm căn nhà sập, hư hại vào năm 2014, các anh cũng chính là những người đầu tiên có mặt ở hiện trường còn nồng nặc hóa chất để tham gia công tác cứu nạn cứu hộ. “Anh em đeo bình khí vào trong hiện trường thì thấy cảnh tượng thật đau lòng. Thi thể các nạn nhân thậm chí còn không nguyên vẹn. trước tình cảnh đó, chúng tôi cảm thấy nghẹn lòng nên đã tìm kiếm không ngừng nghỉ để nhặt các phần thi thể nạn nhân giúp người thân lo hậu sự cho họ, một phần an ủi người xấu số” - Thiếu úy Nguyễn Chí Thanh kể.

Kim tiêm đâm, đá cắt là chuyện thường

Không chỉ cứu nạn cứu hộ trên bờ, các anh còn là những “người nhái” tham gia hàng loạt vụ cứu nạn chìm tàu, đuối nước. Đó là hình ảnh những “người nhái” xông pha lặn dưới con sóng dữ của biển Cần Giờ trong đêm tối để tìm kiếm thi thể bảy học sinh đi tắm biển bị sóng cuốn. Là hình ảnh nhiều cán bộ, chiến sĩ của lực lượng đã phải đối mặt với nguy hiểm bên đường tơ kẽ tóc trong vụ tìm kiếm thi thể 16 nạn nhân bị nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký…

Một phần trong công tác của lực lượng “người nhái” là lặn tìm tang vật, thi thể nạn nhân trong các vụ án giúp cơ quan điều tra phá án, bắt hung thủ. Công tác cứu nạn cứu hộ dưới nước cũng gặp muôn vàn khó khăn, rủi ro. Thiếu úy Nguyễn Văn Trung, chỉ vào làn da đen sạm và nhiều vết sẹo nhỏ còn hằn trên da, cho biết trước đây khi chưa có đủ phương tiện bảo hộ, mỗi lần lặn xuống những con kênh trong thành phố, anh cũng như các đồng đội đều bị thương tích vì đá, miểng chai cắt da, thậm chí bị kim tiêm đâm cho người dân vứt đầy xuống sông.

Đặc biệt các anh thường xuyên phải lặn xuống những con sông, con kênh nổi tiếng ô nhiễm rác thải và hóa chất, đen ngòm trước khi được cải tạo như kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Nước Đen… “Có lần lặn tìm tang vật một vụ án, dù đã trang bị quần áo lặn, giày, bao tay đầy đủ nhưng khi vừa xuống kênh đã thấy bị cay mắt, nóng rát da, đợt đó về anh em ai cũng bị viêm đỏ mắt” - Thiếu úy Trung kể. Đa số anh em trong đơn vị đều bị viêm xoang, thường xuyên bị bệnh đường hô hấp.

TUYẾT KHUÊ

Từ khi thành lập năm 2010 đến nay, Phòng Cứu nạn-cứu hộ đã thực hiện cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp 307 vụ, tìm kiếm và cứu được 184 người, lặn tìm được 204 xác nạn nhân, phối hợp lặn tìm tang vật bảy vụ án để hỗ trợ cơ quan cảnh sát điều tra phá án. Trong các vụ cứu nạn, cứu hộ trên, Phòng Cứu nạn-cứu hộ là lực lượng thường trực, đã trực tiếp tham gia thực hiện trên 94% tổng số vụ cứu nạn, cứu hộ khẩn cấp do lực lượng cảnh sát PCCC thành phố thực hiện...

Ngoài những giờ làm việc chính thức, các anh dành thời gian nghiên cứu học hỏi để công việc ngày càng hiệu quả hơn. Trung úy Công thường xuyên nghiên cứu làm sao sử dụng được hết công năng của các phương tiện. Thiếu úy Thanh đã tìm tòi, sửa chữa được những thiết bị hỏng hóc, đặc biệt là sửa hàng loạt bình khí tài trị giá hàng chục triệu đồng mỗi chiếc.

_____________________________________

Dù vất vả nhưng chúng tôi có được những niềm vui, hạnh phúc trong nghề khi làm tròn công tác cứu hộ cứu nạn. Một niềm vui khác chỉ có người trong nghề mới cảm nhận được là tình đồng đội trong những lúc cận kề hiểm nguy nhất.

Cuối năm 2014, tôi và Đại úy Nguyễn Chí Thành (Đội phó Đội Cứu nạn cứu hộ dưới nước) cùng lặn tìm một em bé bị chìm tàu ở sông Sài Gòn. Lặn xuống 20 m để chui vào khoang tàu, bất ngờ ống thở của anh Thành bị sự cố, nếu bỏ bình trồi lên thì có thể đụng khoang tàu hoặc trồi nhanh sẽ bị liệt người, thậm chí tử vong. Rất may là anh Thành bình tĩnh, báo hiệu cho tôi biết để cùng chia sẻ chung một ống thở. Nhờ thế tôi và anh an toàn ra khỏi khoang tàu.

Đại úy HUỲNH VĂN TUẤN, Phó phòng Cứu nạn - Cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm