Gặp người 'hạ sinh' chiếc máy bay mang tên Bùi Hiển

Tuy đang là những ngày cận Tết nhưng ông Bùi Hiển vẫn cặm cụi vào niềm đam mê của mình quanh chiếc máy bay trực thăng mà ông đã sáng chế ra. Tiếp chúng tôi, ông kỹ sư cơ khí hào hứng kể về hành trình gian nan suốt gần 6 năm ròng “ăn không ngon, ngủ không yên” để “hạ sinh” một chiếc máy bay như hiện nay, mặc dù vẫn đang hoàn thiện hoàn toàn để chuẩn bị cho việc bay trên bầu trời khi được các cơ quan chức năng cấp phép.

Ông Bùi Hiển bên “đứa con” của mình sau nhiều năm nghiên cứu, chế tạo.

Từ đam mê chơi máy bay mô hình

Ông cho biết, quê gốc ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An), gia đình có truyền thống làm cơ khí, vì thế ngay từ bé ông luôn có ý định sau này sẽ tiếp nối nghề truyền thống đó. 

Năm 1972, ông đăng ký vào bộ đội. Trong một trận đánh của chiến dịch biên giới Tây Nam, ông bị thương nặng.

Năm 1978, được chuyển ngành, ước mơ đi học ngành cơ khí của ông lại trỗi dậy nhưng khi đó gia đình khó khăn nên phải đi học lái xe để kiếm tiền nuôi gia đình. Được chuyển công tác về Sở Lâm nghiệp Sông Bé, ông cưới vợ và thi vào Đại học Nông Lâm TP.HCM, ngành Cơ khí Lâm Nghiệp hệ tại chức. 

Sau khi học xong quay về công ty bị giải thể nên ông chuyển sang làm trạm Đăng kiểm của tỉnh Sông Bé. Một thời gian sau tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, lúc này ông bị điều động theo nhiệm vụ phải làm việc tại Bình Phước.

“Vì hoàn cảnh vợ con không thể đi xa làm việc nên tôi đã xin nghỉ cơ quan. Khi đó tôi đã bàn với vợ, gom góp toàn bộ số tiền dành dụm để mở xưởng gara sửa chữa ôtô. Vì mình cũng có tay nghề nên công việc thành công, làm ăn thuận lợi nên được nhiều người biết đến. Sau đó tôi mua đất đai, mở rộng mặt bằng”, ông Hiển kể lại.

Năm 2010, vì sức khỏe cũng yếu nên ông Hiển giao toàn bộ gara cho con trai mình làm. Có thời gian, lại có đam mê chơi máy bay mô hình nên ông đã dò hỏi câu lạc bộ để tham gia. Khi đó ở tỉnh Bình Dương không có đội chơi nên ông lên quận Thủ Đức (TP.HCM) để xin tham gia. 

Tuy nhiên chơi máy bay mô hình hầu hết chỉ giành cho các “đại gia” vì rất tốn kém, hư hỏng có thể mất vài chục triệu. Đam mê, thích thú nhưng nghĩ mình “chịu không nổi” thú chơi mắc tiền này, ông đã nảy sinh suy nghĩ sẽ tự nghiên cứu để làm ra chiếc máy bay mô hình cho riêng mình. Với vốn kiến thức có sẵn, ông tìm kiếm thêm sách vở nghiên cứu, lên mạng internet để học hỏi thêm. "Rất may mắn là khi làm chiếc đầu tiên sau nửa năm tôi ăn ngủ với nó thì cũng đã hoàn thiện, bay thành công"- ông Hiển kể.

“Bay ngon lắm, tốt lắm với công suất máy tới 3,5 ngựa, sải cánh lên tới 1,2 mét, chạy bằng xăng A92 thường. Tôi đã cho nó bay rất nhiều lần nhưng có một khuyết điểm là bộ phận điều khiển càng lên cao thì độ nhiễu càng nhiều hơn, rất khó khăn trong việc điều khiển theo ý muốn...”, ông Hiển cho biết.

“Phi công” Bùi Hiển tập lái chiếc máy bay theo dạng trực thăng của mình.

Ức mơ đã thành hiện thực
Vì đam mê nên ông không từ bỏ và mong muốn chế tạo một chiếc máy bay theo kiểu trực thăng “made in VietNam” một chỗ ngồi với dạng đồng trục hai cánh quạt. Sau gần 3 năm “ăn đứng, ngủ ngồi” với công trình của mình, chiếc máy bay mang tên Bùi Hiển đầu tiên có chỗ người lái ngồi này cũng hoàn thiện. Chiếc máy bay có sải cánh 7m, quay 500 vòng một phút, nặng khoảng 250kg. Tổng trọng tải khoảng 400kg. Máy có thể chở một phi công và mang theo thêm 50 kg hàng hoá, tiêu tốn 15 lít xăng cho mỗi giờ bay. Tuy nhiên khi thử nghiệm thực tế, chỉ mới nâng máy bay và bay ở độ cao thử nghiệm là 2 mét.
“Khi lái các phi công học qua trường lớp còn mình tự học bay trên máy vi tính rồi mới ra thực tế nhưng vẫn vất vả, phải lấy dây ràng buộc vì sợ lật. Sau đó rất nhiều lần chỉnh sửa. Tuy nhiên hệ thống giải nhiệt thì không đáp ứng được, bay khoảng 15 phút thì phải hạ cánh bởi hệ thống làm mát không được”, kỹ sư Bùi Hiển kể về lần thất bại của mình.
Để hoàn thiện đúng theo một chiếc máy bay như mình không muốn, ông Bùi Hiển tiếp tục mày mò, rút ra nhiều kinh nghiệm xương máu. Lần này, ông đầu tư hẳn một động cơ được sử dụng riêng cho máy bay siêu nhẹ được nhập từ Mỹ về. Tuy vậy, việc tìm kiếm động cơ cho máy là điều hết sức khó khăn nên nhiều lúc ông nản muốn bỏ cuộc.

Năm 2013, một lần sang Campuchia tham quan, ông thấy có bán loại động cơ xe đua, phân khối mạnh gấp đôi, số vòng quay cao hơn và sản xuất tại Mỹ. Ngay lập tức ông đã đặt mua nhập về làm. 

Sau hai năm thực hiện, chiếc máy bay “made in Việt Nam 2” đã hoàn thành theo ý muốn. 

Chiếc máy bay chiều dài 7,4 mét, cao 2,4 mét, chiều rộng 2 mét, sải cánh 6,6 mm và đuôi quạt sau 1,1 mét. Tải trọng của chiếc máy bay lần này tối đa là 500 kg, trọng lượng rỗng là 350 kg và công suất máy là 170 mã lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km. Tổng chi cho chiếc máy bay này khoảng 300 triệu đồng. 

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, ông Bùi Hiển khẳng định: “Tất cả đề phụ thuộc hoàn toàn chính sách của nhà nước. Nếu nhà nước tạo điều kiện thì tôi sẽ hoàn thiện đúng một chiếc máy bay có thể đi lại bình thường. Ứng dụng của chiếc máy bay này hết sức thiết thực. Đã nhiều người nói với tôi nếu được bay thì sẽ thuê phục vụ trong lâm nghiệp bảo vệ rừng, nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu cho cau su vừa tiếp kiệm được tiền và thời gian”.
Theo ông Bùi Hiển, từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân có thể lái thuần thục, thành thạo chiếc Bùi Hiển 2. Các cơ quan chức năng cũng đã xuống làm việc với ông và hướng dẫn muốn bay lên trời phải có giấy phép. Hồ sơ xin phép đã hoàn thiện nhưng qua tết mới có thể nộp lên cơ quan chức năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm