Dùng miệng “thổi” bệnh

Người bệnh được thầy thuốc dùng miệng “thổi” kết hợp với ít lá cây rừng, chỉ sau một thời gian thì vết thương sẽ lành. Biết nhiều người đã khỏi bệnh sau khi qua điều trị bằng cách này, chúng tôi đã lên huyện miền núi Đakrông để một lần được “mục sở thị”.

Phương thuốc lạ

Những “nhân chứng” sống của câu chuyện chữa bệnh bằng miệng khiến chúng tôi không khỏi há hốc miệng vì quá ngạc nhiên. Bà Lê Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Tà Long, kể: “Cách đây không lâu, một cụ bà đang làm rẫy thì gặp phải heo đực rừng hung hăng nhảy bổ vào người tấn công, mặc cho bà ra sức chống cự. Khi người ta tìm thấy, tay bà cụ đã bị cắn đến dập nát, vết thương sâu đến tận xương. Ngay lập tức, người nhà đưa bà đến gặp Pả Đảo để xin cứu giúp. Chỉ sau vài ngày được “thổi”, nhiều phần thịt, cơ tưởng chừng phải cắt bỏ đã khô ráo, vết thương nhanh chóng đâm da non”.

Dùng miệng “thổi” bệnh ảnh 1

Vết thương sẽ chóng lành chỉ sau vài ngày “thổi”. Ảnh: TRIỆU SƠN

Nghe kể, ông Pả Đảo (thôn Ly Tôn) đã từng giật lại rất nhiều mạng sống từ tay tử thần cho dân bản. “Sở trường” của Pả Đảo là “thổi” bay độc tính của rắn độc trong người bệnh. Với người thường xuyên đi rừng, làm rẫy thì bị rắn cắn là chuyện “cơm bữa”. Mỗi lần như vậy, họ lại tức tốc đến nhà Pả Đảo để nhờ “thổi”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phương thuốc độc đáo này, bà Lê Minh Thanh đã giới thiệu cho chúng tôi vài người uy tín và không quên dặn: “Trong xã hiện chỉ còn vài vị già làng biết dùng phương thuốc này để cứu người. Khi gặp họ cần phải nói khéo léo, kẻo họ không tiết lộ tí gì đâu”.

Buổi chữa bệnh kỳ bí

Chúng tôi may mắn gặp cụ bà Giả Ly (thôn Pa Hy) đúng lúc bà đang chuẩn bị “thổi” cho đứa cháu trai vừa bị tai nạn do thân cây đè phải. Mâm lễ đã được dọn sẵn gồm hai cái chén chồng lên nhau đặt ngay ngắn giữa mâm, một chai rượu trắng, một ngọn đèn sáp đang đỏ lửa. Cụ bà Giả Ly hớp một ngụm rượu rồi phun đều lên vết thương. Sau đó, bà lấy một nắm lá apuốc (lá từ bi, mùi hơi khó chịu và thường mọc trong rừng sâu) hơ qua ngọn lửa sao cho mặt lá vừa đủ ấm.

Giả Ly lấy ngọn lá đó xát vào vết thương. Vừa xát đều, bà vừa lẩm bẩm một câu gì đó trong miệng. “Người đi nhờ phải tuân theo đúng các yêu cầu cần có trong mâm lễ, không được tự ý thay đổi bất cứ thứ gì. Trước đây, ngọn đèn phải được đốt bằng sáp ong rừng nhưng sau này đốt đèn cầy để thuận tiện hơn” - Giả Ly cho biết. Buổi trị bệnh kết thúc, Giả Ly cầm tay đứa cháu nói thêm: “Mày sắp lành rồi đó, cố gắng thêm ít hôm nữa thôi”.

Dùng miệng “thổi” bệnh ảnh 2

Giả Ly vừa dùng lá thoa vào vết thương vừa dùng miệng để thổi nhẹ. Ảnh: TRIỆU SƠN

Cách đây năm hôm, anh Hồ Văn Thêm vào rừng đốn củi. Không may cây đổ, Thêm bị kẹt ngón tay giữa của bàn tay phải vào thân cây. Nén đau để mọi người rút bàn tay, Thêm quằn mình khi biết đốt tay đầu gần như đứt lìa. Cố định vết thương lại, anh cắt rừng về tìm Giả Ly để được “thổi”.

Cũng giống như cách trị bệnh hiện đại, sau khi cầm máu xong, bà nhanh chóng sắp lại đốt tay cho khớp. Sau đó, bà vừa dùng miệng thổi, vừa liên hồi “khấn niệm”. Nhìn ngón tay của Hồ Văn Thêm, không ai nghĩ trước đó mấy hôm anh đã bị một tai nạn nghiêm trọng. Thêm nói: “Ngón tay em giờ không còn đau nhức hay chảy máu nữa. Thấy vết thương nhanh khỏi em mừng lắm!”.

Điểm đặc biệt của phương thuốc này là người bệnh phải có lòng tin ở thầy. Nếu đã tìm đến thầy nào để “thổi”, người bệnh phải để thầy đó trị hết mới thôi. Người bệnh tìm gặp nhiều thầy thì sẽ mất hết linh nghiệm. Khi bệnh đã khỏi, tùy vào lòng hảo tâm mà người bệnh có thể trả công bất cứ thứ gì như ít tiền hay nông sản. Tuy nhiên, người bệnh bắt buộc phải có mâm tạ lễ, gồm một đôi chén, một con gà nguyên con và một chai rượu.

Bí truyền thuốc “thổi”

Khi chúng tôi tò mò về câu chú niệm Giả Ly lầm rầm lúc trị bệnh, ông Vũ Lịch, một thầy “thổi”, góp chuyện: “Riêng câu khấn của các thầy thì các anh có hỏi thế nào họ cũng không nói đâu. “Thổi” của người Vân Kiều chúng tôi thường chỉ truyền cho con cháu trong dòng họ. Và mỗi thầy chỉ được truyền cho hai người”.

Chính câu chú niệm đã tạo nên tính bí ẩn cho phương pháp y học lạ lẫm này. Để học được một câu khấn thường, người học mất rất nhiều thời gian và công sức. Cứ mỗi câu như thế phải học ít nhất nửa năm. Đúng vào ngày trăng lên mỗi tháng, người học phải ôn luyện.

Dùng miệng “thổi” bệnh ảnh 3

Mâm lễ. Ảnh: TRIỆU SƠN

Ngoài ra, người được truyền lại bài thuốc này phải kiêng kỵ rất nhiều thứ. Chẳng hạn, họ phải kiêng ăn thịt gà rừng, thịt chó, thịt các loại thú dữ trong rừng. Họ phải ăn các loại động vật còn sống và có đầu nhưng kỵ nhất là ăn cá sống dưới đáy ao hồ, sông suối. Khi vào rừng, người học “thổi” luôn phải mang theo dao, rựa để gặp phải cành cây thì chặt, tuyệt đối không được dùng tay bẻ cây rừng.

Theo các thầy, chỉ vi phạm một trong các điều cấm thì “thổi” sẽ không còn hiệu năng nữa, cho dù người đó có học lại. Học thổi khắt khe là vậy nên ngày nay còn rất ít người biết đến bài thuốc này. Thanh niên trong các bản do không đủ kiên nhẫn và không chịu được kiêng kỵ nên rất hiếm người theo học.

Ông La Hữu Hải, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tà Long, thừa nhận: “Là người đồng bằng lại là cán bộ, tôi không tin vào chuyện “thổi” mà có thể lành bệnh. Nhưng nếu không có Giả Ly cứu thì giờ tôi đã bị mất đi nửa ngón tay”. Hôm đó, ông Hải bị tai nạn trong khi chặt cây. Chiếc rựa sắc ngọt vô tình cắt lìa nửa ngón tay út bàn tay phải. Kịp nhớ tới Giả Ly, ông nhặt phần ngón tay bị rời ra rồi chạy nhanh về nhà. “Chỉ sau 10 ngày được “thổi”, ngón tay tôi đã cử động trở lại. 20 ngày sau thì vết thương lành hẳn” - ông Hải nói.

Bác sĩ TRỊNH THỊ HOA, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tà Long:

Người bệnh nên đến cơ sở y tế

“Thật khó để đưa ra những lý giải hợp lý. Công tác lâu năm tại đây, tôi cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp được chữa khỏi bằng cách “thổi”. Ngày xưa thiếu thốn thuốc men và thiết bị y tế nên phương thuốc này hữu hiệu cho dân bản. “Thổi” khỏi bệnh là có thật nhưng trong nhiều trường hợp nghiêm trọng như gãy lìa xương thì người bệnh phải cần có sự chăm sóc của các bác sĩ. Vì nếu gãy xương không được cố định sẽ để lại dị dạng. Vì vậy, khi mạng lưới y tế đã về đến tận thôn bản, chúng tôi cũng tích cực vận động người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị”.

 TRIỆU SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm