Loạt bài:

Đi tìm 'nàng thơ' của những ca khúc nổi tiếng

LTS: Trong kho tàng ca khúc Việt Nam đã có biết bao cuộc “hôn phối” giữa thơ với nhạc. Nhưng dù những “đám cưới” ấy có lộng lẫy thế nào thì đời sống của ca khúc vẫn thường gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ. Còn nhà thơ đã dứt ruột phôi thai phần lời thì hầu hết đều rơi vào im lặng, thậm chí là quên lãng.

Bài 1: Người đàn bà 'im lặng đến tê người'

Trong rất nhiều nhà thơ có các bài thơ được phổ nhạc, có lẽ Phạm Thị Ngọc Liên là một trong số ít nhà thơ được nhiều nhạc sĩ sử dụng lời thơ cho nhạc của mình. Không những thế, những người phổ thơ chị đều là nhạc sĩ lừng lẫy trong nền âm nhạc Việt Nam.

Nhà thơ có nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhất

Với con số không dưới 30 bài thơ được phổ nhạc, đa phần những ca khúc này đều là ca khúc được nhiều người biết đến. Chẳng thế mà hầu như những ai yêu Hà Nội không thể không biết những câu hát: Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn/ Trong căn phòng nhỏ.../ Chỉ còn mênh mông gương hồ/ Hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ… Đó chính là lời bài hát Im lặng đêm Hà Nội mà nhạc sĩ Phú Quang đã phổ từ thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Nhưng với nhạc sĩ Phú Quang, đây không phải là ca khúc duy nhất phổ thơ Phạm Thị Ngọc Liên mà còn có Lang thang, Thu khúc…

Một bài thơ khác là Sinh nhật do nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc, Mưa rào của chị cũng đã tìm được bến đỗ Phan Huỳnh Điểu. Tiếp đến hàng loạt ca khúc như Nỗi buồn, Điệu slow bóng tối, Trời thành phố đầy mây… do rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

Trong những nhạc sĩ phổ thơ chị, có lẽ Bảo Phúc là người phổ nhiều nhất. Khi sinh thời, nhạc sĩ Bảo Phúc từng chia sẻ rằng chính anh không nhớ nổi mình đã phổ bao nhiêu bài thơ của Phạm Thị Ngọc Liên. Chỉ nhớ khi lần đầu tiên đọc bài thơ Thành phố một ngày không như mọi ngày của Phạm Thị Ngọc Liên, cảm xúc ùa về trái tim, nó cứ dồn nén, thôi thúc anh viết nên ca khúc Có nụ hoa hồng bỗng gọi tên anh. Bài hát này được ca sĩ Hồng Nhung thể hiện rất thành công từ mười mấy năm trước. Tiếp đến là Giọt tình xanh, Hát cùng chúng tôi... được phổ từ thơ Phạm Thị Ngọc Liên. Cũng có khi anh làm nhạc, rồi đem đến nói chị viết lời.

Với nhà thơ, chỉ cần một câu thơ hay để đời là được rồi. Lại có một bài thơ phổ nhạc thành công đã vui rồi. Nhưng chị không chỉ có một câu mà có nhiều bài. Đó là điều người đàn bà có đôi mắt lấp lánh, nụ cười tươi trẻ ấy cho rằng mình may mắn.

Có những ca khúc nhạc sĩ viết lời trước rồi đưa đến nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên viết lời. Ảnh nhân vật cung cấp

Phú Quang và tác phẩm Im lặng đêm Hà Nội

Đúng là chỉ có sự đồng cảm giữa nhạc sĩ và nhà thơ thì tác phẩm đó mới biến thành con chim biết hót được. “Nhạc sĩ Phú Quang khi đọc bài thơ Im lặng đêm Hà Nội: Anh đi có đôi lần nhìn lại/ Chỉ còn em, im lặng đến tê người, đến câu cuối cùng của bài thơ anh có cảm giác tê người, tê thực sự”, nghĩa là anh cảm thấy như thế, như anh đã trải qua điều đó rồi, đó là sự đồng điệu” - nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên nói. Từ bài gốc cho đến khi trở thành ca khúc, chỉ có hai chữ nhạc sĩ Phú Quang trao đổi với nhà thơ xin sửa lại là chơ vơ thành ngây ngô. Còn lại toàn bài giữ nguyên lời thơ. Với riêng bạn văn, bài hát ấy trở thành một biểu tượng riêng của chị, không lẫn vào đâu được. Và mỗi lần chị ra Hà Nội, mọi người hay chào đón bằng câu: “Kìa, Im lặng tê người đến rồi kìa!”.

Với nhà thơ, ca khúc Lang thang cũng do nhạc sĩ Phú Quang phổ từ bài thơ Uẩn khúc của chị, khiến chị thích hơn cả: Lặng lẽ như tình yêu trong đêm buồn/ Em hát cho mình anh nghe/ Hạ trắng xóa mùa thu/ Mưa rơi trên phố/ Môi anh ngọt ngào/ Xin đừng ru ai/ Dập dờ con sóng/ Đời ngơ ngẩn một vầng trăng... “Bài hát này nghe Ngọc Anh hát rất tâm trạng” - chị cười, nói.

Nhân duyên bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc

Sáng tác mỗi bài thơ trong bối cảnh khác nhau, nhân duyên cho từng bài thơ đến với nhạc sĩ cũng khác nhau. Và trong nhiều nhạc sĩ phổ thơ mình, chị nói mỗi người có cung cách phổ nhạc khác nhau. Chẳng hạn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn là người hiếm khi lấy thơ của ai đó phổ nhạc bởi ca từ của anh vốn đã quá đẹp, quá sâu sắc và quá thơ. Nhưng năm đó, chị đi lấy bản in thử của tập thơ Biển đã mất ở nhà in Phạm Ngọc Thạch, lúc quay ra đầu ngõ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Trần Long Ẩn đang ngồi uống cà phê. Chị đã ghé đến và khoe cùng các anh đứa con tinh thần của mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cầm lấy bản bông lẩm nhẩm đọc và bảo ngay: “Bài này lạ. Để anh phổ nhạc”. Đó là bài thơ Lục bát tưởng nhớ với những câu: Lá vàng rụng giữa lòng tay/ Dấu chân người ấy, thềm này đã xa... Vài tháng sau, Nhà văn hóa Thanh niên làm một chương trình âm nhạc của Trịnh Công Sơn trước 1.000 sinh viên. Trịnh Công Sơn mời chị lên đọc thơ và cùng hát với anh ấy ca khúc mới phổ nhạc. Đó là một kỷ niệm rất đẹp. Chị kể: Khi đó cô MC còn hỏi: “Có phải chị yêu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không?”. Chị bảo mình đã xin phép hỏi tất cả sinh viên một câu trước khi trả lời câu hỏi này. Câu hỏi đó là “Tất cả các bạn trong khán phòng này có yêu anh Sơn không?”. Câu trả lời là có. Chị cười và nói với cô MC: “Vậy cũng như mọi người, Ngọc Liên yêu anh Sơn và điều này cũng không có gì ngạc nhiên cả”.

Nổi tiếng đến trước khi thơ được phổ nhạc

Nhưng không phải chờ đến tận khi có nhiều bài thơ của mình được phổ nhạc Phạm Thị Ngọc Liên mới được chú ý. Từ năm 1987, Phạm Thị Ngọc Liên nổi lên như một hiện tượng thơ bứt phá và mãnh liệt. Không chỉ nổi tiếng với những dòng thơ tình yêu “tuôn chảy như một dòng thác từ ngữ - lời của nhà thơ Ý Nhi viết về chị - Phạm Thị Ngọc Liên còn nổi tiếng có một nhan sắc trời cho khiến nhiều người đâm ra thắc mắc: “Với nhan sắc ấy... cô ấy xua đàn ông ra cũng đủ mệt, làm gì có chuyện buồn khổ và viết nên những câu chữ sâu sắc như thế? Có thể ai đó yêu sắc đẹp đã làm thơ và ký tên Phạm Thị Ngọc Liên chăng?”. Thế nhưng thời gian qua đi, những thành tựu mà chị đạt được trong sự nghiệp văn chương đủ để xóa sạch những nghi ngờ của người đọc. Cuộc sống có phần khép kín và mang tính phong kiến của gia đình đủ để người ta hiểu tính cách của chị. Đến năm 1991, chị được nhận danh hiệu người phụ nữ tài năng sau khi đoạt một loạt giải thưởng văn học.

Với chị, không chỉ việc sáng tác, ở bất cứ lĩnh vực nào người phụ nữ này cũng tỏ ra tràn trề xúc cảm. Dường như năng lượng của chị không bao giờ cạn. Chẳng thế mà chị đang phụ trách bốn tạp chí lớn và còn chuẩn bị đi dự Liên hoan Thơ quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày đầu tháng 9 sắp tới. Hỏi chị bận bịu thế còn thì giờ làm thơ không, chị cười giòn: “Còn chứ! Thơ nằm trong máu chị rồi mà!”. Và chị cho tôi đọc những bài thơ mới nhất, với cách “xưng em ngọt ngào nhất thế giới” như nhà thơ Thu Bồn từng nói về chị.

Từ chối những con đường thênh thang để chọn nghiệp cầm bút

Hát hay, diễn viên triển vọng…, với nhan sắc ấy chị có thể lựa chọn nhiều con đường nhưng chị lại quyết định từ bỏ tất cả để làm một công việc nhọc nhằn khác đó là cầm bút. Chị lại cho rằng không phải mình chọn văn chương, mà chính văn chương chọn mình. “Tôi mãn nguyện vì đã có một “phương tiện” để chuyển tải hết suy nghĩ và cảm xúc của mình. Nếu tôi được nổi tiếng là do tôi đã làm hết lòng, đã sáng tác bằng tất cả sự rung động và nếm trải của mình” - chị trải lòng. 

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm