Dân làng biển chạy… biển

Với họ, biển hiền hòa khi đem lại nguồn lợi tôm cá. Nhưng biển cũng mang theo cả nỗi ác mộng về đói nghèo. Đến giờ, biển đã “cắn” sâu vào làng gần 100 m. Theo cách ví von cay đắng của nhiều người, đây là… làng chạy biển.

Biển nuốt làng

Chúng tôi tìm về làng chạy biển trong những ngày nắng nóng. Mặt cát rát bỏng, hồng hộc phả hơi nóng. Con đường nhỏ dẫn vào làng sụt lún, chỉ toàn cát là cát. Làng chạy biển nằm trọn trên ụ cát, ngoảnh lưng ra biển Đông như một hành động né mặt hung thần.

Dân làng biển chạy… biển ảnh 1

Nhà cửa tan hoang ở làng chạy biển. Ảnh: LÊ PHI

Đại dương không giúp cư dân của làng chạy biển này khá lên. Nó cứ gầm gừ rồi nuốt dần từng mảnh đất, cướp đi từng ngôi nhà của họ. Những ngôi nhà xiêu vẹo đổ nát còn lại trong làng dường như sợ hãi co rúm lại trong tiếng “ngồm ngoàm” của biển cả. Biển như muốn lùa tất cả vào miệng để “nhai” hết cái làng nghèo ấy.

Tất cả người dân ở đây đều sợ biển. Những ngư dân nhỏ bé này từng hứng chịu cơn giận dữ kinh hoàng của biển. Nhà cửa, dụng cụ sinh hoạt, tất tần tật tài sản lớn bé của họ đều bị biển phá cho tan hoang. Ngày trước, gia đình anh Bùi Ngọc Anh có nhà xây móng đàng hoàng nhưng bị biển giật sập. Ngồi bên ngôi nhà tạm bợ được dựng lên bằng tôn, anh chua chát nói: “Phải ở tạm trong cái chòi này thôi. Xây nhà kiên cố thì không có tiền, mà có tiền cũng không dám xây. Vì xây lên rồi cũng chỉ làm mồi cho biển”.

Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây, dân làng chạy biển phải chứng kiến cảnh biển cứ há rộng miệng ra mà nuốt từng mét đất và nhà cửa. Mùa biển động, sóng rình rập sau lưng nhà, chực chờ cơ hội vồ lên “đớp” nốt những ngôi nhà tạm bợ còn lại. Hiện biển đã ăn sâu vào làng gần 100 m. “Biển xâm nhập mạnh từ năm 2006. Khi các con tàu hút cát đến khai thác gần làng để xây dựng cầu Thuận Phước và các khu đô thị lấn biển thì biển càng tiến sâu hơn vào làng” - bà Đặng Thị Hoa cho biết. Theo lời kể của nhiều dân làng, các con tàu hút cát gần làng để phục vụ xây dựng đã biến vùng khai thác thành những hố sâu thăm thẳm gần làng chạy biển. Thế là cứ vào mùa mưa bão, cát từ sau vườn, từ trong nền nhà và trong làng lại trôi xuống để khỏa đầy hố sâu này. Và hệ quả là những ngôi nhà nứt toác, đổ ầm và chôn vùi dưới biển. Con đường vào làng ngày càng sụt lún thảm hại hơn.

Dân làng biển chạy… biển ảnh 2

Anh Bùi Ngọc Anh sửa lại lưới cho lần đi biển cuối cùng. Ảnh: LÊ PHI

Biển cứ thế lấn đất, người dân vẫn đối phó với “giặc” biển bằng cách giành giật từng mét đất. Biển giật sập nhà này, họ lại dựng lên ngôi nhà tạm bợ khác. Biển càng lấn thì họ càng lùi sâu về phía đất liền. Cứ thế năm năm qua, cuộc đối đầu giữa biển và người cứ diễn ra hằng ngày. Hẳn nhiên, bao giờ con người cũng là kẻ thất trận trước đại dương rộng lớn.

Làng nghèo bên mé đại dương

Nói về cơn bão Chanchu năm 2006, ký ức của 66 hộ dân với 260 nhân khẩu ở làng chạy biển là những cột sóng cao, nuốt chửng những ngôi nhà và vùi sâu tất cả xuống đại dương mênh mông. Trong cơn bão số 9 và 11 năm 2009, dân làng biển lại phen nữa bỏ của chạy lấy người. “Sau bão, chúng tôi quay về nhặt những bộ quần áo còn sót lại trên ngọn cây. Một số người vớt những mảnh gỗ, tôn bị bão nghiền nát đang bồng bềnh trôi trên mặt biển để chắp vá lại nếp nhà” - bà Hoa hãi hùng nhớ lại.

Mất dần đất và không thể xây nhà, cái khổ, cái khó cứ bám riết lấy làng chạy biển này. Phần lớn người dân sống trong cảnh khó khăn về kinh tế. Hầu hết các hộ làm nghề đánh bắt hải sản bằng thuyền thúng. Nhưng phương tiện đánh bắt thô sơ này chỉ có thể bắt cá trong bờ và nước nông. Nếu trúng mánh, ngư dân kiếm được chừng 50.000-70.000 đồng/ngày với những mớ cá lụn vụn. Ngày nào thuyền thúng ra khơi được thì có tiền chi tiêu. Bằng ngược lại thì buộc phải vay nợ. Cuộc sống cứ thế đắp đổi qua ngày.

Làm lụng vất vả nhưng không kiếm đủ miếng ăn, thanh niên trai tráng trong làng cũng chẳng học hành gì nhiều. Cứ choai choai lớn là “hành phương Nam” hay về trung tâm thành phố Đà Nẵng làm phụ hồ và tất tả với hàng trăm công việc nặng nhọc khác. Trong cảnh sống khắc nghiệt của biển, nhà cửa, vườn tược trong làng nhìn như bãi nhà hoang. Nhiều mảnh đất trống nằm trơ trọi mà bà con cũng không buồn trồng cấy. Bà Hoa kể mình cũng mọi người đã cố trồng cây đu đủ, xoài, bí đao… Mà cứ trồng xong thì cây lại quằn quại chết dần. Vì thế, muốn có thức ăn thì phải đi chợ, đi chợ thì phải cần tiền, cần tiền thì phải đi vay… Mọi thứ cứ rối bời trong cái vòng luẩn quẩn.

Dân làng chạy biển nghèo đến nỗi không có đủ tiền mua nước sạch để phục vụ sinh hoạt. UBND TP Đà Nẵng đã lắp đặt hệ thống nước sạch đến từng nhà và cung cấp hoàn toàn miễn phí. Có nước thế mà dân cũng chẳng sống nổi. Anh Bùi Anh Tuấn cay đắng: “Ở đây sống với biển nhưng biển chẳng cho nhiều mà chỉ toàn phá hoại. Nhà ai cũng nghèo, chẳng ngóc đầu lên được”.

Bỏ làng ra đi

Khảo sát hiện trường khu vực làng chạy biển, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã phải yêu cầu khẩn cấp: “18 hộ dân bị biển xâm thực nghiêm trọng phải được nhanh chóng di dời”.

Dân làng biển chạy… biển ảnh 3

Bà Đặng Thị Hoa đang khấp khởi chờ đợi chuyến di cư. Ảnh: LÊ PHI

Anh Nguyễn Văn Tiên, tổ trưởng tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam, khấp khởi: “Trước mắt, chúng tôi đã lập danh sách thí điểm 18 hộ nguy hiểm chuyển lên trên, để kịp di dời sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố”. Nhận thức rõ mối nguy hiểm của biển xâm thực đối với dân làng nên từng nét mặt của anh Tiên lộ rõ vẻ phấn khởi về kế hoạch di dân. Mấy hôm nay, anh Tiên chạy hết nhà này đến nhà khác để phôtô hộ khẩu, bìa đỏ đi công chứng để chuẩn bị khởi đầu cho một cuộc di cư khỏi làng.

Dân làng cũng vui mừng khôn xiết. Anh Tuấn tâm sự: “Chúng tôi chỉ hi vọng rời khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Nếu chậm chạp, chúng tôi sẽ không còn gì trong mùa mưa bão sắp tới!”. Đây cũng là nỗi lo chung của mọi người khi họ không còn có thể bám biển để sống. Những cư dân đầu tiên sẽ bỏ làng để đến vùng đất không có những cơn giận dữ của biển cả. Họ sẽ không còn phải giành giật với biển đến từng mét đất.

Khi tất cả cư dân của làng di dời, cái tên “làng chạy biển” sẽ vĩnh viễn khép lại. Hung thần biển cả đã buộc dân phải bỏ làng chạy biển sau bao năm gắn bó. Vui mừng vậy nhưng trước cảnh chia ly, hình như mỗi người dân vẫn đang cố níu thời gian bên làng chạy biển.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm