Cứu cầu cũ ở Sài Gòn

Sự kiện tỉnh Long An dừng tháo dỡ cầu Đúc Tân An và sẽ thuê tư vấn khảo sát, đánh giá lại chất lượng của cây cầu đã trên trăm năm tuổi đang gây chú ý với giới kiến trúc, xây dựng đô thị và xây dựng cầu đường. Vậy sau khảo sát, đánh giá liệu có thể cứu được cây cầu này không? Pháp Luật TP.HCM nêu kinh nghiệm từ giữ gìn, gia cố, sửa chữa, tiếp tục sử dụng, thậm chí là nâng tải của một số cây cầu cũ ở Sài Gòn như là hướng gợi mở…

Cầu cũ Chữ Y được cứu

Cầu Chữ Y nối quận 1 và 5 với quận 8 được người Pháp xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 1936. Đến năm 1985, cầu hư hỏng, xuống cấp nặng nên tải trọng thiết kế ban đầu là 13 tấn buộc hạ xuống còn năm tấn. Các biện pháp sửa chữa, gia cố bê tông, tăng đà thép… đều mang tính chắp vá, tạm thời. Đã có đề xuất dỡ cầu cũ, làm cầu mới nhưng thời gian làm cầu mới sẽ rất lâu và quan trọng nhất lúc đó là TP thiếu tiền.

Năm 1989, một công ty môi giới của Pháp đến TP.HCM và giới thiệu với Sở Giao thông Công chính (tên gọi lúc đó) có hãng Freyssinet International chuyên sửa chữa cầu cũ với công nghệ cao, tiên tiến ở nhiều nước trên thế giới. Qua làm việc, Freyssinet đưa ra phương án không chỉ cứu mà còn tăng khả năng chịu tải trọng cầu lên như ban đầu. Thậm chí trong khi cứu cầu, tăng tải, đơn vị vẫn bảo đảm xe cộ lưu thông qua cầu bình thường.

“Ở những chỗ cốt thép, bê tông mục bể được mở miệng rộng ra rồi luồn thép vào hàn cứng và phun bê tông khô có trộn phụ gia với áp lực cao vào. Nhờ đó bê tông, cốt thép ở điểm vá cứu đạt cường độ làm việc nhanh, đồng nhất với phần bê tông cốt thép cũ bao quanh. Với các dầm đơn cũ đang võng xuống, người ta dùng cáp dự ứng lực căng từ bên ngoài. Nhờ đó tiết diện dầm không đổi nhưng khả năng chịu lực được tăng lên rất cao…”. Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT), một trong ba kỹ sư cầu đường đầu tiên của Việt Nam được Freyssinet đào tạo, chuyển giao công nghệ cứu cầu, nhớ lại.

Công việc cứu và tăng tải toàn bộ ba nhánh cầu Chữ Y được làm trong hai năm 1991 và 1992 thì xong. Đến khoảng sau năm 2005, nhánh từ phía quận 8 đổ sang đường Nguyễn Biểu, quận 1 và 5 được tháo dỡ để xây dựng nhánh mới phù hợp với tĩnh không chui của đại lộ Đông Tây bên dưới. Đến năm 2010, nhánh mới cầu Chữ Y được hoàn thành cùng với việc thông xe tuyến đại lộ Đông Tây. Cây cầu cũ gần 80 năm tuổi với các nhánh mới tinh được những người làm cầu đường gọi vui là cầu “tân cổ giao duyên”.

“Tuy nhiên, người ta cho rằng thành công nhất là hai nhánh qua quận 8 đi về đường Hưng Phú và xuống đường Nguyễn Thị Tần sau hơn 23 năm được cứu, tăng tải vẫn vững vàng, khỏe mạnh và “vô tư sánh duyên” cùng nhánh cầu mới!” - ông Thiết nói.

Cầu Đúc Tân An với nét cong mềm của nhịp chính và dáng vươn khỏe khoắn của tám trụ đèn. Ảnh: CHÂU SƠN

Cầu Chữ Y được xây thêm nhánh mới. Ảnh: HTD

Tăng tải cho cần Tân Thuận

Sau cầu Chữ Y, đến năm 1993 TP tiếp tục cứu các cầu Rạch Ông và Tân Thuận...

Cầu Tân Thuận được người Pháp xây dựng từ năm 1938. Đến năm 1993, qua 55 năm tuổi, cầu xuống cấp nặng chỉ còn chịu được tải trọng 13 tấn. Khi đó người ta chữa cầu bằng cách tăng cường các đà thép lót, kéo các dầm chủ. Nhưng biện pháp này không làm tăng sức chịu tải của cầu mà làm tăng trọng lượng tĩnh nên cầu càng thêm yếu.

Công việc cứu cầu đầu tiên là tháo bỏ toàn bộ số đà thép “vô duyên” kia và sau đó là căng cáp dự ứng lực ngoài của dầm chủ, dầm ngang. Nhưng do các nhịp chính được thiết kế kiểu dàn mái cong vòm trên, kết hợp các thanh treo thẳng xuống dưới để treo các dầm cầu chính nên việc cứu cầu phải được thực hiện cùng lúc là cứu cả dàn vòm trên, thanh treo giữa và dầm dưới. Đến cuối năm 1993, cầu Tân Thuận không những được cứu xong mà tải trọng còn được nâng lên cho đoàn xe 30 tấn lưu thông. Thành công này giúp duy trì được luồng hàng hóa chính từ cụm cảng Tân Thuận, Sài Gòn về miền Đông, miền Tây suốt cả chục năm sau đó.

Mở rộng mặt cầu Sài Gòn 1

Cầu Sài Gòn 1 được người Mỹ xây dựng năm 1959-1961. Đến thời điểm năm 1998, đây vẫn là cây cầu dài nhất ở TP (dài 983 m) nhưng bề mặt chỉ rộng hơn 19,6 m và mỗi chiều vào/ra TP chỉ được hai làn xe. Lưu lượng xe và tải trọng qua cầu liên tục tăng trong khi mặt cầu hẹp nên những năm sau 1995, cầu Sài Gòn 1 là điểm nóng về kẹt xe. Cạnh đó, mặt cầu bị nứt từng vùng, các khe co giãn vỡ toác tạo ra những ổ gà, điểm giật cục giữa các nhịp cầu… Hệ thống cáp liên kết ngang và dọc các dầm thì bị chùng xuống tạo ra độ rung kinh khủng khi có xe đi qua…

Đến giữa năm 2000, cầu Sài Gòn 1 được sửa chữa xong với ba thành công. Thứ nhất, nâng được tải trọng từ 20 tấn lên 30 tấn. Thứ hai, trong hai năm sửa chữa, việc lưu thông trên mặt cầu vẫn được bảo đảm thông suốt. Thứ ba, sau sửa chữa mặt cầu được mở rộng từ 19,6 m lên 24 m về hai biên ngoài cùng để tăng thêm làn cho xe máy.

Sau năm 2013, cầu Sài Gòn 2 xây dựng xong và trở thành chiều cho các dòng xe từ nội thành ra. Còn cầu Sài Gòn 1 được dành cho các dòng xe từ ngoài vào nội đô. Khi qua cầu này, chúng ta thấy ở làn ngoài, phía hạ lưu giáp với cầu Sài Gòn 2 được dành cho ô tô dưới chín chỗ.

“Đó chính là phần mở rộng của cầu năm 2000 với các cánh tay đòn vươn ra giữa lòng sông, bên trên là các nhịp cầu nhẹ, mảnh nhưng cứng cáp để tạo nên mặt cầu mở rộng bên trên. Thành công đáng quý nữa của phần mở rộng này là trước chỉ dành cho xe máy thì nay vẫn dùng được cho ô tô chạy bên trên” - ông Thiết nhận định.

Cầu Đúc Tân An có thể… cứu được

Theo các chuyên gia cầu đường, cầu Đúc Tân An dài khoảng 90 m với bốn trụ, ba nhịp, mặt cầu rộng khoảng 7 m có tuổi cũng tương tự các cây cầu cổ ở Sài Gòn. Nét đẹp riêng của cầu Đúc Tân An là dàn dầm của nhịp thông thuyền ở giữa, dù dài hơn hai nhịp bên nhưng lại được làm theo kiểu vòm cong, mảnh, trông rất thanh thoát. Trên mặt cầu ở vị trí trùng với bốn mố, trụ có tám trụ đèn khí đá được đúc theo hình bát giác vươn lên trông rất mạnh mẽ.

Về kỹ thuật, sau thời gian sử dụng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công người Pháp thường gửi các thông báo về hạn sử dụng của cầu tới địa phương đang khai thác. Từ sau năm 1990 đến nay, việc gửi thông báo niên hạn cầu đến các địa phương vẫn được tiến hành. Cùng lúc, trên thế giới và ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều hãng chuyên cứu, sửa chữa, bảo tồn, nâng cấp các cầu cũ, cổ (như hãng Freyssinet International nêu trên). Thư cảnh báo của nhà thầu xưa sẽ là tài liệu để hãng cứu, giữ cầu tham khảo nhằm có những phương án kỹ thuật tối ưu nhất nếu người đang khai thác muốn giữ lại cầu. “Do đó, cầu Đúc Tân An hoàn toàn có thể giữ lại được nếu người khai thác muốn” - một chuyên gia về cầu nói.

Cứu cầu cũ ở Sài Gòn ảnh 4
 

Theo một số kiến trúc sư và chuyên gia về xây dựng, nếu giữ lại thì cầu Đúc Tân An chỉ nên là cầu dành cho đi bộ, xe máy. Cả hai phương án giữ lại cầu cũ rồi nâng tải hoặc xây cầu mới có tải trọng lớn cho xe to qua là không nên. Vì lẽ theo quy hoạch, phía trước cầu Đúc sẽ là cửa chính của trung tâm hành chính nên cầu mới, đường rộng cho xe lớn đi thẳng hướng sẽ như là một vết… đâm trực diện! (Xem sơ đồ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm