Chiến dịch Mỹ-Israel rình mò nhau

Quan hệ Mỹ-Israel đang rơi vào một trong những giai đoạn “trầm” nhất trong lịch sử bang giao. Không chỉ bởi chính sách đối ngoại khác biệt mà còn từ những tiết lộ mới đây cho biết Israel đã thực hiện các chiến dịch tình báo nhằm vào đồng minh số một của mình.

Ra vườn gọi điện thoại để né nghe lén

Sự việc được đánh động từ Wall Street Journal (23-3). Bài báo cho biết chiến dịch gián điệp là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm đánh cắp thông tin về cuộc đàm phán mật giữa Washington và Teheran liên quan vấn đề hạt nhân Iran. Trong khi Tổng thống Barack Obama nói rằng Mỹ cung cấp đầy đủ thông tin tiến trình đàm phán, Netanyahu bực dọc cho rằng Mỹ qua mặt họ. Tổ chức các cuộc “đi đêm” trước khi Israel biết, tiến trình đàm phán được thực hiện bí mật giữa phái đoàn Mỹ và đại diện Iran tại Oman năm 2013 vào thời điểm sau khi Hassan Rouhani đắc cử tổng thống Iran. Nội dung thương lượng (sau đó có sự tham dự của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga) bàn về kế hoạch giảm sản xuất chứ không xóa sổ chương trình năng lượng hạt nhân Iran. Với Israel nguy cơ hạt nhân Iran vì thế vẫn còn. Và vậy là Israel tổ chức chiến dịch thu thập thông tin, cung cấp cho một số nghị sĩ Mỹ để Quốc hội Hoa Kỳ có thể can thiệp theo hướng có lợi cho họ.

Phải nói là tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, với địa điểm tổ chức thường xuyên được thay đổi, là một trong những cuộc thương lượng bí mật nhất thế giới. Các bên tham gia đều thận trọng cao nhất có thể. Theo Guardian, vài lần người ta đo được mức độ phóng xạ microwave trong phòng khách sạn mạnh đến nỗi những nhà ngoại giao phải đi khỏi nơi ở thật xa mới dám gọi điện thoại. Tại Lausanne (Thụy Sĩ), nơi cuộc đàm phán được tái lập ngày 25-3 để gút mọi ý kiến trước thời hạn chót vào 31-3, viên chức Anh và Pháp phải đi ra khu vườn trong khách sạn Beau-Rivage Palace để gọi “về nhà”. Tháng 1-2015, cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng sự Iran Mohammad Javad Zarif được “tổ chức” ngay ngoài đường phố Geneva nhằm tránh bị nghe trộm. Trước đó, tháng 11-2014, khi nói chuyện với đồng sự Canada về kết quả cuộc đàm phán tại Vienna, Kerry phải đi tuốt ra ngoài công viên gần khách sạn.

Sự kiện gián điệp càng đẩy quan hệ Mỹ-Israel đến giai đoạn căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: REUTERS

Cần nói thêm, Vienna từ lâu là địa bàn “làm ăn” của Mossad (tình báo Israel), đặc biệt vào những thời điểm mà giới chức ngoại giao thế giới đến dự các phiên họp của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Trong quyển Spies against Armageddon: Inside Israel’s Secret Wars (bản cập nhật 2014), tác giả Dan Raviv và Yossi Melman đã thuật lại chuyện điệp viên Israel từng đột nhập căn hộ của giám đốc Ủy ban Năng lượng nguyên tử Syria Ibrahim Othman vào tháng 3-2007 và đánh cắp từ laptop của ông thông tin về một lò phản ứng hạt nhân đang được xây tại Al-Kibar. Sáu tháng sau, địa điểm này bị máy bay Israel dội bom tan tành!

Vấn đề tình báo Israel rình mò Mỹ thật ra không mới. Theo Foreign Policy (24-3), năm 2014, Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) công bố tài liệu cho biết “họ (Israel) nhắm vào chúng ta để dò xét chính sách Mỹ về các vấn đề Trung Đông”. Trước đó, báo cáo Đánh giá tình báo quốc gia 2013 về các mối đe dọa an ninh mạng thậm chí đã nêu Israel là mối đe dọa thứ ba về hoạt động tình báo tại Mỹ (chỉ xếp sau Nga và Trung Quốc). Mà không chỉ tổ chức gián điệp nhằm vào các vấn đề liên quan ngoại giao, Israel còn nhắm vào các mục tiêu công nghiệp quân sự. Vụ việc khiến người ta nhớ lại vụ án tình báo chấn động thập niên 1980 khi viên chức tình báo hải quân Mỹ Jonathan Pollard bị bắt (11-1987) khi làm gián điệp cho Israel và trở thành người Mỹ duy nhất bị xử chung thân tội cung cấp thông tin tình báo cho nước ngoài (cho đến nay, sau rất nhiều nỗ lực của Israel, Mỹ vẫn không thả Pollard).

Phần mình, Israel cũng từng la làng việc bị Mỹ bí mật thu thập thông tin. Tháng 12-2013, giới chức Israel, lần đầu tiên đã bày tỏ giận dữ trước chuyện bị Mỹ rình rập được tiết lộ từ hồ sơ rò rỉ của Edward Snowden.  Hồ sơ Snowden cho biết Cơ quan tình báo Anh GCHQ từng phối hợp với Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) từ năm 2008 đến 2011 để đột nhập hộp thư điện tử của văn phòng Thủ tướng Ehud Olmert lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak.

New York - sân chơi của tình báo thế giới

Năm 2010, tại Đại hội đồng LHQ, khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad còn chưa đọc xong bài diễn văn cáo buộc Mỹ “tổ chức” vụ khủng bố 11-9-2001, giới ngoại giao Mỹ đã được tung ra khắp hành lang LHQ để thực hiện chiến dịch phản đối, với bài phản biện thậm chí soạn sẵn, như thể họ biết chắc Ahmadinejad nói gì! Câu chuyện nhắc cho người ta thấy rằng New York với trụ sở LHQ luôn là đấu trường âm thầm nhưng ác liệt của “tình báo ngoại giao”.

Văn phòng FBI tại Manhattan có một đơn vị phản gián chịu trách nhiệm “giám sát” giới ngoại giao nước ngoài trong thời gian họ lưu tại New York. Trong khi đó, giới chức ngoại giao nước ngoài cũng nâng cấp kỹ thuật đối đầu. Iran chẳng hạn, họ thường thuê nhiều phòng trong khách sạn khắp New York và thỉnh thoảng hủy cuộc hẹn đặt phòng rồi đặt lại vào phút chót để đánh lừa nhân viên FBI và điệp viên CIA. Trong một vụ, một cựu viên chức FBI kể nhóm gồm 12 “viên chức ngoại giao” Iran đã chấp nhận tự nhồi nhét trong một phòng!

Một số cơ quan tình báo nước ngoài, chẳng hạn MI6 của Anh thường hợp tác chặt chẽ với Mỹ tại “đấu trường” LHQ với điều kiện thông tin thu được phải chia sẻ với cộng đồng tình báo Hoa Kỳ. Dù bị cấm hoạt động nội gián trong nước nhưng do trụ sở LHQ được xem thuộc “lãnh thổ nước ngoài” nên CIA lại được phép thực hiện điệp vụ mật tại LHQ với sự phối hợp FBI. Xem xét danh sách đối tượng được cấp visa vào Mỹ, họ tập trung vào những người đến từ các quốc gia “nhạy cảm chính trị” như Iran hay CHDCND Triều Tiên. Theo AP, việc chuẩn bị cho các hoạt động rình mò giới chức ngoại giao nước ngoài của CIA-FBI có khi mất hàng tháng. Trong nhiều trường hợp, CIA được phép chiêu mộ cấp tốc bằng việc mua chuộc.

Đúng là khó có thể biết chính xác ai là viên chức ngoại giao thật sự hoặc người nào là “kẻ gian” tại một nơi luôn mở cửa cho nhiều thành phần như ở LHQ, từ nhà ngoại giao đến giới báo chí. “Theo tôi, ai cũng muốn do thám kẻ khác và khi xảy ra khủng hoảng, các nước lớn thường do thám nhiều nhất” - phát biểu của Inocencio F. Arias, cựu đại sứ Tây Ban Nha tại LHQ. Trong nhiều trường hợp, hoạt động nghe trộm của Mỹ diễn ra gần như công khai. Một số chuyên gia cho rằng sẽ là rất không bình thường nếu chính phủ Mỹ không biết việc cựu Tổng thư ký Kofi Annan bị tình báo Anh nghe trộm.

Cựu Tổng thư ký LHQ Boutros Boutros-Ghali (nhiệm kỳ 1992-1996, từng bị chính phủ Bill Clinton gây áp lực rút khỏi đường đua tái tranh cử) cho biết ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã được cảnh báo về nguy cơ văn phòng làm việc có thể bị cài máy nghe lén. Cựu chánh thanh sát vũ khí LHQ Richard Butler cũng kể rằng ông thường giả vờ tản bộ ngoài Công viên Trung tâm New York để liên lạc điện thoại bởi văn phòng tại trụ sở LHQ bị cài bọ nghe trộm.

Thời Chiến tranh lạnh, việc nghe trộm trong LHQ xảy ra như cơm bữa. Arkady Shevchenko - viên chức ngoại giao cao cấp nhất của Liên Xô đầu binh cho Mỹ từng bị buộc tội làm điệp viên nhị trùng cho Mỹ lẫn Liên Xô bên trong đấu trường LHQ vào thập niên 1970 (khi ở tư cách phó tổng thư ký LHQ). Giai đoạn Chiến tranh lạnh, giới chức Liên Xô bị Mỹ giới hạn phạm vi tự do đi lại chỉ trong bán kính 25 dặm (40,23 km) quanh trụ sở LHQ. Tuy nhiên, Liên Xô đã mua cả một khu chung cư tại Bronx (New York) cho giới chức ngoại giao của mình và thêm một nhà nghỉ bãi biển tại Long Island.

Có lúc điệp viên Mỹ và Liên Xô rình rập mọi ngóc ngách trụ sở LHQ, từ phòng hội nghị, phòng họp báo, phòng tổng thư ký đến cả thư viện. Năm 1975, CIA bị bắt quả tang khi cài (vào phòng báo chí nhìn xuống khu họp Hội đồng Bảo an - UNSC) một chuyên gia có kỹ năng “đọc môi” (hiểu được những gì người khác nói bằng cách quan sát sự nhép miệng từ khoảng cách xa). Tháng 10-1986, Mỹ từng yêu cầu 55 nhà ngoại giao Liên Xô rời khỏi nước họ bởi “những hoạt động nghe trộm”. Năm 1999, một điệp viên Nga, trong vỏ bọc nhân viên ngoại giao Nga tại LHQ, cũng bị phát hiện và bị Mỹ trục xuất về nước. Và trong chiến dịch ngoại giao quanh vụ Iraq, tháng 6-2002, Mỹ cũng yêu cầu LHQ sa thải “viên chức ngoại giao” Abdul Rahman Saad (Iraq) sau khi phát hiện tay này lập kế hoạch tuyển một số công dân Mỹ làm tình báo cho Saddam Hussein…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm