Buồn vui đời CSKV - Bài 3: Bài học lớn nhất: Tôn trọng dân

Năm 1998, Trịnh Thị Hiếu mới 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát, được điều về phường 8, Tân Bình. Cô được giao phụ trách địa bàn KP4 với 400 hộ dân, gần 3.000 nhân khẩu.

Bảo vệ nổi mình không mà đòi bảo vệ dân

Không ít ánh mắt nghi ngờ: “Cô cảnh sát khu vực (CSKV) nhỏ thó, yếu ớt như vậy có bảo vệ nổi mình không mà đòi bảo vệ người dân?”. Mấy tay anh chị trong khu vực thì tỏ vẻ “không ngán” cô công an mới ra trường.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Hiếu đã khiến mọi người nghĩ khác.

Một trong những việc đầu tiên của cô cảnh sát trẻ là lên danh sách các đối tượng có tiền án tiền sự, những hành tung gần đây của họ. Hiếu mời lên công an phường, nghiêm nghị, kể rành rọt từng tội trạng và yêu cầu hợp tác. Những đối tượng nghiện ma túy cần đi cải tạo, Hiếu chuyển hồ sơ lên cấp trên. Những đối tượng muốn hoàn lương chị tìm hiểu hoàn cảnh, tìm cách giúp đỡ. Nhờ đó chị vừa thể hiện được cái uy của người CSKV trước bọn tội phạm, vừa thể hiện được cái tình của người cảnh sát với kẻ hoàn lương.

Không ít lần Hiếu lặn lội đi xin việc cho những cô gái lầm lỗi. Chị vận động các mạnh thường quân trong phường giúp xây một căn nhà tình thương cho bà Trần Thị Hoa, một người nghèo mua bán ve chai nuôi sáu đứa cháu ngoại sống chen chúc trong căn nhà 10 m2, mỗi tháng chu cấp 10 kg gạo, tặng học bổng cho các cháu của bà Hoa đến trường.

Buồn vui đời CSKV - Bài 3: Bài học lớn nhất: Tôn trọng dân ảnh 1

Thiếu tá Trịnh Thị Hiếu, Phó Trưởng Công an phường 8, quận Tân Bình với người dân. Ảnh: ÁI NHÂN

Thành - một đối tượng hình sự, gia đình khốn khó, sống bất cần, thường xuyên uống rượu say rồi chửi bới, thậm chí đe dọa nổ mìn giết cả nhà hàng xóm. Thành còn dọa giết cả chị Hiếu.

Nắm được gia cảnh Thành có người em trai bại liệt. Chị thường xuyên đến nhà Thành, chăm sóc giúp đỡ em của Thành cả chuyện tắm rửa vệ sinh, rồi mỗi tháng giúp đỡ ít gạo, chút tiền cho gia đình Thành vơi bớt khó khăn. Với Thành, chị chủ động tìm gặp, nói chuyện để tìm hiểu. Lần nọ, nhận túi gạo từ chị, Thành đã khóc rưng rức như một đứa trẻ. Từ ngày ấy, anh ta thay đổi và tiến bộ dần. Hiện nay, Thành là chủ thu mua ve chai, chí thú làm ăn.

Thời gian chị ở KP4, mọi người coi chị như người nhà, mọi chuyện từ ma chay, cưới hỏi đều bàn bạc với chị. Có những hôm, chị xuống khu phố, dựng xe và đi công việc, khi trở về đã thấy trên xe mình lủng lẳng trái bưởi, nải chuối, vài đòn bánh tét của bà con. Ngày chị chia tay khu phố sau 10 năm trời, nhiều người dân cũng rơm rớm mắt, bịn rịn. Hiện tại, dù đã là phó trưởng công an phường nhưng bà con KP4 vẫn tin yêu và thường xuyên gọi điện thoại cho chị mỗi khi có việc.

Nguyên tắc lớn nhất của chị thực ra rất đơn giản: Tôn trọng nhân dân. Người dân là cánh tay nối dài của công an. CSKV dù có giỏi cũng không thể nắm hết được những gì xảy ra trên địa bàn nếu không được dân tin yêu, cung cấp thông tin đáng giá .

Mới đây, một cấp dưới của Hiếu trong một lần giải quyết vụ việc đã không kiềm chế, có những lời lẽ, hành động nóng nảy với người dân. Tuy anh CSKV kia đã có lời xin lỗi nhưng chị quyết không bỏ qua. Chị nói: “Chuyện khó bắt đầu từ những cái dễ. Việc lớn bắt đầu từ những việc nhỏ. Vì vậy, mọi hành động, lời nói, việc làm của người CSKV đều phải cẩn trọng, đúng bổn phận, đúng trách nhiệm thì mới được nhân dân tin tưởng và giúp đỡ”.

Buồn vui đời CSKV - Bài 3: Bài học lớn nhất: Tôn trọng dân ảnh 2

CSKV phường An Phú, quận 2 trao đổi công việc với ban quản lý chung cư Cantavil. Ảnh: PHẠM THỦY

Cảnh sát khu vực… liên hiệp quốc

Phường An Phú, quận 2 có hơn 300 hộ gia đình người nước ngoài tạm trú, sống tập trung ở cao ốc Cantavil và Khu đô thị mới An Phú - An Khánh với gần 30 quốc tịch và bảy ngôn ngữ khác nhau. Vì thế tất cả cán bộ, chiến sĩ trong tổ Tổ Cảnh sát khu đô thị đều phải đi học ngoại ngữ. Cứ ngày làm việc, tối lại mang sách vở đến lớp. Thế nhưng nhiều khi họ vẫn bị rơi vào thế bí khi cư dân nói bằng tiếng Iran, Iraq... Lúc này đành phải nhờ phiên dịch.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Công an phường An Phú, thời điểm trước vẫn xảy ra một số vụ trộm cắp của người nước ngoài. Bọn đạo chích trèo tường vào, nhảy từ nhà này sang nhà khác để trộm. Lại có những vụ trộm khác mà chủ nhân không xác định được thời điểm, công an phải truy tìm manh mối từ những người giúp việc. Tổ Cảnh sát khu đô thị đã đề ra biện pháp quản lý người giúp việc, kể cả người làm việc theo ngày, không ở qua đêm.

Việc kiểm tra nhà ở của người nước ngoài không phải bao giờ cũng có thể thực hiện, ngay cả khi có nghi vấn. Nhiều trường hợp người nước ngoài đưa khách nữ về phòng ở rồi bị lừa lấy trộm tài sản. Sau nhiều lần bị mắc bẫy, họ mới trình báo. Công an đã tìm ra thủ phạm là hai cô gái vũ trường. Sau vụ này, Tổ Cảnh sát khu đô thị phải tuyên truyền bằng giấy tờ có hai thứ tiếng để nâng cao cảnh giác cho người nước ngoài.

Tại đây, còn có một số biệt thự của người nước ngoài mà chủ nhân thường xuyên vắng mặt. Do đó, cảnh sát có khi phải… kiêm luôn “nhân viên bảo vệ bất đắc dĩ” - Trung tá Tâm cho biết.

Bốn người khen CSKV thì có một người chê

Theo tổng hợp của Công an TP.HCM, những năm qua, quần chúng nhân dân đã góp ý cho CSKV gần 79.000 ý kiến, trong đó khen ngợi chiếm 83,5% và 17,5% ý kiến chê.

Hiện nay, toàn TP có 264 phường, thị trấn gồm 2.763 khu vực. Trong sáu năm qua, CSKV đã tham mưu cho lãnh đạo các địa phương thực hiện các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; cảm hóa giáo dục đối tượng; tuyên truyền chống tội phạm… Qua đó, đã đưa ra kiểm điểm trước dân hơn 37.000 lượt đối tượng, đưa vào diện sưu tra hơn 23.000 đối tượng, đưa ra khỏi diện sưu tra hơn 31.000 đối tượng; giáo dục tiến bộ hơn 24.000 đối tượng tiến bộ.

CSKV, công an phường đã phát hiện, bắt 252 đối tượng truy nã; phát hiện, thu hồi hơn 3.000 súng các loại, hơn 500 kg thuốc nổ; người dân cung cấp cho CSKV gần 200.000 tin có giá trị giúp cơ quan phá gần 40.000 vụ án với 53.000 đối tượng, thu hồi hàng trăm tỉ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế của CSKV, công an phường như: nhiều phong trào thực hiện còn mang tính hình thức; ý thức tự giác, tự phòng, tự bảo vệ của người dân còn yếu; một số cán bộ CSKV còn hách dịch, cửa quyền, ít thâm nhập thực tế lắng nghe ý kiến nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết: Lãnh đạo Công an TP xác định công an phường, thị trấn, CSKV là lực lượng rất quan trọng của Công an TP trong phòng chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự. Công tác nâng chất lượng hoạt động của CSKV, công an phường, xã, thị trấn là nhu cầu cấp thiết. Trong thời gian tới, Công an TP sẽ tập trung bổ sung biên chế, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chính trị pháp luật, nghiệp vụ, công tác dân vận… cho các lực lượng này.

PHẠM THỦY - ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm