Annapurna Circuit: Đi để thấy trời rộng đất dày

Tháng 4 đến, bạn bè tôi người thì réo gọi đi Nhật Bản ngắm hoa anh đào, người rủ đến xứ sở kim tự tháp Ai Cập, người khen Indonesia có mấy hòn đảo hoang với những tập tục lạ lùng, bí hiểm. Những nơi ấy tôi đều chưa đến và biết rằng rất thú vị, hay ho.

Duyên nợ với Nepal

Vậy mà tôi không chút băn khoăn, một lòng một dạ nghĩ về giấc mơ Nepal dù cho Nepal tôi đã từng đi, trekking dãy Hymalaya tôi cũng đã trải. Nhiều người bạn của tôi không quay lại nơi đã từng đến vì còn nhiều nước khác đang chờ. Họ muốn đi càng nhiều nơi càng tốt, mỗi xứ sở có những cái hay, cái đẹp riêng. Tôi đồng ý. Nhưng tôi khác. Tôi chọn đi những nơi mình mơ ước và yêu quý nên sẵn lòng trở lại nhiều lần một vùng đất cũ. Nhất là một nơi quá đỗi đặc biệt như Nepal. Dẫu với sự lựa chọn này tôi đã gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc tưởng phải đầu hàng, tưởng phải gác lại giấc mơ về Annapurna Circuit trong vô định. Nhưng thật diệu kỳ! Tôi luôn đủ duyên, đủ nợ với Nepal nên rồi tôi cũng lên đường.

Ở Việt Nam, nhiều người nghe nhắc đến Hymalaya là nghĩ ngay đến Everest bởi đây là ngọn núi có đỉnh cao nhất thế giới với 8.848 m. Nhưng Hymalaya không chỉ có Everest. Hymalaya còn có rặng Annapurna cao gần 8.100 m và được xếp một trong 10 ngọn núi nguy hiểm nhất thế giới để chinh phục. Annapurna Circuit, nghĩa là leo vòng quanh Annapurna là một tour leo núi rất nổi tiếng ở Nepal. Tôi, một người chưa bao giờ là dân thể thao, lại không còn quá trẻ, đây cũng là lý do quan trọng nhất mà đám bạn bằng trang lứa của tôi luôn lấy ra để giải thích cho việc họ từ bỏ những ước mơ nhuốm màu mạo hiểm phiêu lưu. Hành trang mang theo là một chút kinh nghiệm từ lần trekking trước cùng muôn vàn háo hức khi được trở lại nơi hằng hiện diện trong những giấc mơ đẹp đẽ.

Thorong La Pass, nỗi ám ảnh của cung đường leo núi Annapurna Circuit. Ảnh: CẨM TÚ

Leo nóc nhà thế giới phải đâu trò con nít

Cùng nằm trên dãy Annapurna nhưng cung đường lần này hoàn toàn khác lần trước khiến tôi quá đỗi ngỡ ngàng, khác từ cảnh vật đến thời tiết lẫn cách leo núi. Annapurna Base Camp tuy vất vả nhưng xinh đẹp đến thẫn thờ với những con đường bậc thang bằng đá lúc thì chen giữa rừng thẳm, lúc vắt vẻo giữa sườn núi cao, nối dài bất tận. Những rừng đỗ quyên hoa hồng hoa đỏ bừng sáng cả đất trời rụng đầy lối đi. Thỉnh thoảng giữa đường, nép bên sườn núi là những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh, thềm đầy hoa nở. Vậy mà Annapurna Circuit, đi vòng quanh núi thì mọi thứ khắc nghiệt hơn nhiều. Bảy ngày đầu tôi đi quanh dãy núi theo những con đường mòn đất đá bụi bay tung tóe nằm dọc theo một dòng sông dốc cao vời vợi. Thỉnh thoảng con đường dẫn vào rừng, vào núi nhưng mùa này đỗ quyên chỉ còn sót lại vài cành hoa đỏ. Ba ngày còn lại, càng vất vả hơn với những con đường ngập tuyết. Những ngôi làng trên núi nhà cửa cũ kỹ, nghèo nàn dẫu rằng nhìn xa xa đẹp như một bức tranh trắng đen về một nơi cổ xưa nào đó không còn tồn tại nữa. Làng nào cũng bắt đầu và kết thúc bằng cái cổng phía trên có ba tháp nhỏ sơn ba màu trắng, đỏ, đen tượng trưng cho Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Giữa làng là một dãy những bánh xe cầu nguyện để người ta xoay xoay.

Những ngày tôi leo núi thời tiết rất thất thường. Từ sáng cho đến trưa trời nắng chói chang. Ướt đẫm mồ hôi với chiếc balo cùng cái túi ngủ nặng trĩu trên vai, tôi lê từng bước chân trong mệt mỏi. Nhưng mưa có thể kéo đến bất cứ lúc nào, có hôm thì tuyết rơi trắng xóa. Chiều tối và sáng sớm thì trời lạnh đến không ngủ nổi dẫu đã chui vào cái túi ngủ và quấn lớp chăn dày. Lại thêm chứng đau đầu như ai đóng đinh vào óc do chứng sốc độ cao hành hạ. “Mình đâu có sở thích leo núi. Giờ này lẽ ra mình có thể sung sướng ở nơi nào đó thoải mái tiện nghi. Sao mình ở đây lang thang trong cực nhọc? Nơi này không dành cho kẻ leo núi lơ ngơ như mình”, thỉnh thoảng nản lòng, ý nghĩ này lại chợt thoáng qua. Rồi tôi so sánh Annapurna Circuit với những hoài niệm cũ về một Nepal tươi đẹp, về dãy Annapurna lãng mạn nên thơ đã từng biết. Nhưng suy nghĩ ấy chỉ lướt qua vì tôi hiểu ra sâu sắc một điều: Vậy mới là một Hymalaya vĩ đại và một Nepal chân thật. Hymalaya đâu phải nơi nghỉ dưỡng xinh đẹp lãng mạn dễ đi. Hymalaya khác nào cuộc sống, bên cạnh bình yên là bão tố phong ba và hạnh phúc chỉ dành cho những ai vượt qua thử thách. Còn Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Những ngôi nhà gạch nát cũ kỹ tồi tàn, những gương mặt sạm đen nứt nẻ vì bức xạ mặt trời mới thật là Nepal. Cảm động vô ngần, tôi nhận ra mình có thể hiểu Hymalaya hơn một chút và gần gũi với Nepal hơn bao giờ hết.

Sinh tử cách một bước chân

Nhọc nhằn trèo núi, lội non trong cảnh nắng cháy da, gió lạnh lẽo hay trời căm căm rét, tôi không sợ. Leo bốn ngọn núi dốc dựng đứng trong một ngày để đi hồ băng tuyết, tôi không lo. Cả chuyến leo núi 10 ngày, tôi chỉ sợ ngày cuối cùng, hôm ấy phải qua đèo Thorong La cao 5.416 m. Danh tiếng của Thorong La ám ảnh bất kỳ ai. “Rất nhiều người chết ở đây, nhiều lắm. Mày đã mua bảo hiểm để gọi trực thăng cứu hộ chưa đấy?”, bạn porter hỏi tôi và cho hay bạn lo không kém. Anh chàng người Hà Lan vai mang balo to đùng đi một mình trông cực kỳ khỏe mạnh và chuyên nghiệp tròn mắt nhìn khi tôi hỏi ngày nào mày định đến Thorong La. “Nơi ấy rất nguy hiểm. Mày có biết tuần rồi bốn người chết không? Tao không đi nơi ấy đâu” - anh chàng lắc đầu. Tuần rồi thì tôi mới biết nhưng trước đó thì tôi có biết và quá ám ảnh về cơn bão tuyết vào tháng 10 năm ngoái ở Thorong La Pass khiến hơn 39 người leo núi bỏ mạng, báo chí đưa tin. Nhưng không qua Thorong La Pass thì đừng nói đã trekking Annapurna Circuit. Nên dù thế nào đi nữa, nhất định tôi phải đi! Mỗi ngày trôi qua, Thorong La Pass lại đến càng gần. Sáng sớm hôm ấy, sau một đêm mất ngủ vì đau đầu mộng mị và lạnh buốt ở High Camp, chúng tôi vượt đèo Thorong La. “Phải đi thật sớm thì mới mong an toàn, càng trễ thì gió càng nhiều, thời tiết liên tục biến đổi và nhiều vấn đề không lường xảy ra” - người hướng dẫn lo lắng nhắc nhở khi hai bạn trong nhóm tôi dường như không đi nổi nữa.

Biết rằng Thorong La Pass hiểm trở nhưng đến lúc trải qua tôi mới hay nó quá sức tưởng tượng của mình. Đường từ High Cam đến Thorong La một màu trắng xóa tuyết. Không thể phân biệt được đâu là đường, đâu là vực thẳm. Chỉ thấy một lối đi vừa đủ hai bàn chân, nhìn xa mong manh như sợi chỉ ở lưng chừng núi tuyết, bên dưới là vực sâu hun hút. Tôi liều theo bước chân những người đi trước giẫm lên tuyết mở đường, không dám thở khi nhìn thấy những dấu chân lún sâu hơn cả mét trong đống tuyết. Họ có thể rút chân ra nhưng tôi thì chắc hẳn sẽ chìm luôn trong đó. Chỉ trượt một bước chân hay trượt ngã, tôi sẽ lăn xuống vực thẳm cũng phủ tuyết dày cộp và mất xác. Lại thêm những cơn gió chợt nổi lên, cuốn theo tuyết trên núi và dưới chân bay thốc vào người rồi quất vào mặt mũi, vừa đau vừa lạnh, hết thấy lối đi. Để đứng vững hơn, tôi đứng im, vòng hai bàn tay đã lạnh cóng không còn cảm giác ôm người lại. Hoàn toàn chịu trận. Phó thác vào may rủi, trông chờ vào sự hiền hòa của thiên nhiên. Từng bước chân đi là khó thở, tức ngực bởi càng lên cao càng thiếu ôxy nhưng đứng lại thì như đóng băng cả người, uống một ngụm nước thôi cũng mệt lả. Vậy mà sau tám giờ đối diện với thử thách của thiên nhiên, tôi cũng vượt qua đèo Thorong La trong sự bất ngờ của chính mình. Chỉ có thần linh che chở tôi mới làm được điều này, tôi tin như thế. Đứng trước lằn ranh sinh tử mới thấy sự vĩ đại và biến hóa khôn lường của Hymalaya.

Vì chúng ta là vô cùng nhỏ bé

Trekking khổ sở vất vả, đèo Thorong La đánh cược với tính mạng nhưng ngàn lần tôi không hối tiếc. Chỉ thấy cuộc đời mình may mắn có những tháng ngày quá đỗi thú vị. Đằng sau thử thách là những niềm vui khi khám phá những độc đáo của trời đất và con người, hiểu rõ hơn về chính mình. Sau mệt nhoài là những giây phút thư thái an nhiên. Những buổi chiều dừng chân trên núi, khi nào trời ít lạnh tôi lên sân thượng của nhà nghỉ ngồi, nhấm nháp tách trà nóng hổi, ngắm mây, ngắm núi tuyết bao quanh. Lúc lạnh quá thì chui vào phòng ăn đọc sách, trò chuyện với bạn bè, tán gẫu với những người lạ mới gặp trên khắp thế giới. Những ngày cuộc đời thật nhẹ nhàng và bình yên. Không có những bon chen, hơn thua. Tự do tự tại như những cánh đại bàng đang bay vút trên những ngọn núi chót vót, giữa bạt ngàn trời đất. Cuộc sống chỉ cần những điều đó thôi!

“Đứng trên đỉnh núi cao không phải để cả thế giới nhìn thấy mình. Lên đỉnh núi cao là để mình nhìn thấy hết thế giới xung quanh” - càng đi, càng thấy mình bé nhỏ. Trời quá rộng, đất cũng rất dày. Đừng chinh phục, yêu thương tôn trọng và hòa thuận hay và đẹp hơn rất nhiều - dù là với người hay trời đất thiên nhiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm