Xương rồng xứ Nghệ

Luyến kể ngày biết kết quả, em vui lắm. Thầy cô bạn bè gọi điện chúc mừng nhưng em chỉ nghe được điện thoại vào buổi tối, hoặc giờ nghỉ trưa. Hỏi ra mới biết, trong lúc đợi kết quả, em đã bắt xe vào Sài Gòn làm công nhân thời vụ kiếm tiền.

Chồng chất nỗi đau

Xương rồng xứ Nghệ ảnh 1
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, Nguyễn Thị Luyến đạt 26 điểm khối A (chưa tính điểm cộng)

“Có thể viết về em… vui một chút được không chị…”, cô học trò xứ Nghệ mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự rụt rè, chân thành dù câu chuyện về em khiến người ra rơi nước mắt. Tôi không làm được...

Em là cô gái có đôi mắt sáng nhưng thăm thẳm nỗi buồn. Điều khiến nhiều người ấn tượng trong lần đầu gặp em là mái tóc đen mượt, dài quá thắt lưng, rất hiếm thấy ở những cô gái hiện đại. Khi được khen, em cười: “Ngày bố em còn sống, bố bảo: bố thích con gái để tóc dài”.

Ký ức những ngày còn cha mẹ ùa về trong Luyến. Trước đây, bố em là công an tỉnh Lai Châu, thường xuyên công tác xa nhà. Làm được 12 năm bố em xin về hưu vì không còn đảm bảo sức khỏe. Những tưởng từ đây cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc, đủ đầy như bao gia đình khác. Tiền lương của bố cùng gian hàng tạp hóa nhỏ của mẹ dù không nhiều cũng đủ nuôi hai anh em Luyến ăn học. Nhưng rồi, tai họa ập đến. Trong một lần tới viện kiểm tra sức khỏe, bố Luyến được phát hiện mắc bệnh ung thư. Năm Luyến học lớp 7, bố qua đời.

Khi gia đình em đã bắt đầu quen dần với cuộc sống thiếu vắng hình bóng người chồng, người cha thì nỗi đau khác lại tới. Cô gái nhỏ dường như ngã quỵ trong ngày đưa tiễn mẹ về cõi vĩnh hằng sau năm tháng phát hiện bệnh ung thư quái ác. Mẹ em đi vào một ngày cận Tết 2014, năm em học lớp 12. “Hơn 20 ngày nữa thôi là đến giao thừa. Mẹ không kịp ngắm pháo hoa, không kịp làm thịt hộp, thịt kho tàu…những món ăn mà mẹ chỉ làm vào những ngày đặc biệt. Năm ấy nhà em không có Tết. Năm đó, em học hành chểnh mảng và trượt Đại học”, em trầm ngâm nhớ lại.

“Cười lên nghe Luyến”

“Cười lên nghe Luyến! Cố lên nghe Luyến” là cách em thường tự nói với chính bản thân mình những lúc nhớ bố mẹ hay phút chạnh lòng, khi nghe bạn bè kể về gia đình. “Thi Đại học, bố mẹ nào cũng quan tâm con là chuyện bình thường. Bạn em kể, bạn ôn thi ngủ quên có bố mẹ bỏ màn, thức đêm pha café, pha mì tôm cho mà em cũng thèm. Bố mẹ em nếu còn sống còn thương em hơn thế. Em nhớ, ngày nhỏ mỗi lần đi lấy hàng phụ mẹ, bố thường mua đồ ăn vặt thỉnh thoảng là bánh mì pate to cho em. Hồi đó bánh mì pate giá tận 5-7.000, mà phải lên thị trấn mới mua được, là món ăn mơ ước của những đứa trẻ quê đó chị”.

Cha mất, mẹ cũng không còn, em trưởng thành từ những nỗi đau mất và sự đùm bọc của anh em họ hàng. Chỗ dựa lớn nhất của em là người ông nội đã ngoài 90 tuổi. Ông cũng chính là người động viên, cho em tiền để em tiếp tục ôn thi lại vào trường ĐH Cảnh sát Nhân dân TP.HCM.

Thay vì ở nhà người thân trong Sài Gòn, em quyết định về quê ôn thi, ở lại trong chính căn phòng của mẹ năm xưa. Em bảo, nhà không có người sẽ quạnh quẽ lắm. “Em về nhà để còn quét dọn, thắp hương cho bố mẹ. Những ngày lễ, ngày giỗ, em thường làm mâm cơm 5-7 món ăn, trong đó có hai món không thể thiếu là thịt hộp và thịt kho tàu.”

Thương cô trò nhỏ hiếu học, học giỏi, thầy giáo đã quyết định miễn toàn bộ tiền học phí cho em. Bạn bè uống cafe, nghe nhạc để tỉnh ngủ, em uống cả lít nước để thức học bài.

Xương rồng xứ Nghệ ảnh 2

Trên bước đường đi của Luyến, luôn có ông nội thay bố mẹ đồng hành. Hiện ông nội của Luyến cũng đang ở Sài Gòn chữa bệnh.

Trong lúc đợi kết quả xét tuyển của trường ĐH Cảnh sát nhân dân, Luyến quyết định xin làm công nhân thời vụ trong một công ty điện tử mặc sự can ngăn của mọi người. Mỗi tuần, có ba ngày em làm 12 tiếng/ngày, những ngày còn lại em làm 8 tiếng/ngày. Hiện tại em đã nghỉ việc để hoàn thành hồ sơ còn thiếu và chuẩn bị mổ mắt.

Nói về công việc của mình, em cười xòa: “Công việc cũng đơn giản lắm vì trước nhà em có bán đồ điện, việc tháo lắp không khó. Nếu mà được tăng ca cả tuần, em xin tăng ca luôn. Vì làm 12 tiếng thì em được trả 214.000/ngày, còn làm 8 tiếng chỉ được 127.000/ngày thôi. Tầm tháng 8 em sẽ nhận được lương. Số tiền đó, em sẽ dùng để mổ mắt, ông nội không phải cho tiền nữa, để ông nội dành tiền đó chữa bệnh cho mình và lo tuổi già.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm