Về đề án trường chuyên: Vừa làm vừa đánh giá hiệu quả

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, thừa nhận thời gian qua, một số nơi còn quan niệm lệch lạc rằng trường chuyên là nơi “luyện gà”, thậm chí một số tỉnh không có học sinh (HS) đoạt giải quốc gia, quốc tế thì nghĩ rằng hình như mình không đạt được mục tiêu trong xây dựng trường chuyên.

Chưa có khảo sát cụ thể về trường chuyên

. Thưa ông, tại sao nhiều HS giỏi ở các thành phố lớn không muốn học trường chuyên, hoặc đang học trường chuyên phải đi học thêm các môn phụ để có điểm số học bạ đẹp, tìm học bổng du học đồng nghĩa với chảy máu chất xám? Phải chăng là do quan niệm sai lệch này?

+ Không ai có thể phủ nhận rằng điều kiện đảm bảo chất lượng trong các trường, nhất là trường chuyên ngày càng tốt. HS trường chuyên ngày càng có một mặt bằng kiến thức toàn diện, vững chắc hơn, hầu hết đều đỗ đại học với điểm cao, vào những trường top.

Còn vấn đề chảy máu chất xám, tôi cho rằng cần nhìn nhận toàn diện hơn. Các công dân Việt Nam dù là đóng góp tài năng cho đất nước trực tiếp hay gián tiếp, trong nước hay ngoài nước đều phải được đánh giá cao. Hầu hết HS của ta sau khi học xong ở nước ngoài sẽ trở về phục vụ ngay trên đất nước mình. Một số người có thể phát triển tài năng của mình ở nước ngoài nhưng đóng góp hiệu quả cho đất nước thì cũng rất đáng được trân trọng. Thực tế đã có nhiều người như vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân, Giáo sư Ngô Bảo Châu, hay rất nhiều Việt kiều khác đang có đóng góp lớn và hiệu quả cho đất nước dù họ không sống ở Việt Nam.

Về đề án trường chuyên: Vừa làm vừa đánh giá hiệu quả ảnh 1

Hầu hết học sinh trường chuyên đều thi đỗ cao vào đại học .Trong ảnh: Học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong trong buổi lễ tuyên dương học sinh xuất sắc. Ảnh: HTD

. Bộ có theo dõi, khảo sát các HS từng học trường chuyên sau khi ra trường đã thành công, thất bại ra sao?

+ Năm 2007, để chuẩn bị cho hội nghị các trường THPT chuyên toàn quốc, Bộ GD&ĐT có tổ chức thống kê về kết quả đào tạo của các trường chuyên, trong đó có số HS xuất phát từ các trường này trở thành các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... Tuy nhiên, do khâu theo dõi, thống kê việc học tập và trưởng thành của các cựu HS trường chuyên thực hiện chưa tốt nên không thể thực hiện khảo sát. Để khắc phục hạn chế này, trong đề án đã đặt ra nhiệm vụ tổ chức theo dõi kết quả học tập của các cựu HS trường chuyên ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và việc sử dụng sau tốt nghiệp. Đề án cũng đặt ra việc hình thành câu lạc bộ các cựu HS như một hệ thống chính thức trong các trường chuyên để kết nối các thế hệ HS chuyên, giúp nhau định hướng tương lai, tạo nhịp cầu hợp tác cả trong và ngoài nước, cả cá nhân và tổ chức, đồng thời là một kênh góp phần theo dõi, nắm chắc danh sách những cựu HS đã trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giỏi.

Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng

. Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng đưa ra đề án phát triển trường chuyên với mức đầu tư đến 2.300 tỉ đồng mà chưa có nghiên cứu, đánh giá về hiệu quả trường chuyên vừa qua, là bất cập. Xin ông cho biết lộ trình xây dựng đề án này như thế nào? Liệu có cần nghiên cứu đánh giá lại hệ thống trường chuyên để xây dựng đề án cho thật khoa học, thiết thực hơn?

+ Việc nghiên cứu bối cảnh trong nước và thế giới, khảo sát, đánh giá kỹ thực trạng; đánh giá tác động của các yếu tố cơ hội và thách thức; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế; xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và các thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục chuyên và cơ quan quản lý giáo dục địa phương trong cả nước… là những việc làm được thực hiện trong quá trình xây dựng đề án. Đề án cũng đã nhận được sự góp ý của UBND các tỉnh, thành phố; sự thẩm định của các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ… Vì vậy, đề án đã đạt được tính khoa học và thực tiễn cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá định kỳ chất lượng và hiệu quả giáo dục của hệ thống trường chuyên.

. Nhiều người cho rằng vấn đề lớn hiện nay là chương trình, sách giáo khoa phổ thông đang nặng nề. Quy chế thi cử là áp lực học hành và phát sinh tiêu cực. Chưa giải quyết tình trạng này thì việc phát triển trường chuyên sẽ vô nghĩa, ông nghĩ sao?

+ Trong bối cảnh cả thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức và sự cạnh tranh trên thế giới chủ yếu là cạnh tranh về trí tuệ việc đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, các nhà quản lý giỏi, khoa học giỏi, doanh nhân giỏi để nước ta vững vàng trong quá trình hội nhập quốc tế đang đặt ra rất cấp thiết. Vì vậy, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là ba mục tiêu phải tiến hành đồng thời cùng lúc.

. Xin cảm ơn ông.

Về đề án trường chuyên: Vừa làm vừa đánh giá hiệu quả ảnh 2

TỐ NHƯ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm