Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Chọn ngành, trường theo học lực

Còn khoảng một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012 sẽ diễn ra. Dựa vào hồ sơ đăng ký dự thi, điểm trúng tuyển của ba năm gần nhất, đại diện nhiều trường cũng dự đoán được khả năng thí sinh vào trường mình. Thí sinh trung bình vẫn rộng cửa vào ĐH nếu chọn ngành, trường phù hợp.

Khối A, B: Gay gắt kinh tế, y dược

Mặc dù nhóm ngành kinh doanh và quản lý năm nay giảm so với năm trước nhưng vẫn chiếm 30,44%, cao nhất trong tất cả nhóm ngành. TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói: “Thí sinh có giảm nhưng mức độ cạnh tranh vẫn sẽ khốc liệt”. Dễ nhận thấy điều này khi ở những trường tốp trên, điểm trúng tuyển luôn ổn định dù tỉ lệ “chọi” có giảm, còn những trường tốp dưới giảm hồ sơ đồng nghĩa điểm tuyển sẽ giảm theo.

“Không chỉ cạnh tranh gay gắt ở từng tốp trường, mà ngay nhóm ngành kinh tế trong cùng một trường cũng khá gay gắt. Điểm trúng tuyển cao nhất năm 2011 trường tôi là 17-17,5 của ngành tài chính ngân hàng, marketing nhưng ngành kế toán chỉ 16,5-17, còn ngành quản trị kinh doanh là 15,5-16” - ThS Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết. Trong khi đó, tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngành tài chính ngân hàng là 18,5 thì ngành kế toán là 18, còn ngành quản trị kinh doanh là 17…

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Chọn ngành, trường theo học lực ảnh 1

Các sở GD&ĐT bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi năm 2012 cho các trường. Năm nay, nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm hồ sơ cao nhất. Ảnh: QUỐC DŨNG

Ở nhóm ngành y dược, PGS-TS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chỉ những thí sinh giỏi mới có khả năng trúng tuyển vào các trường y. Tôi nhấn mạnh như vậy vì rất nhiều thí sinh nộp hồ sơ vào trường dù biết rớt mà vẫn nộp. Năm 2011, có hơn 21.000 thí sinh thi vào trường (không kể thí sinh bỏ thi và mượn trường thi) thì chỉ có 27% thí sinh đạt được điểm từ 17 trở lên”. Theo ông Xuân, ba ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường thì ở mức 8-9 điểm mỗi môn thí sinh mới có thể đậu vào ngành y đa khoa (24,5-25); dược học (24-25,5) và răng hàm mặt (23,5-25). Các ngành còn lại như bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, xét nghiệm… thí sinh có học lực trung bình-khá đạt ở mức 6-7 điểm mỗi môn có thể thi được.

Khối C, D: Ít cạnh tranh

Nhiều năm qua, nhóm ngành khoa học xã hội-nhân văn có mức độ cạnh tranh không cao, nhiều ngành tuyển không đủ cả chỉ tiêu. Ngay cả trường tốp trên lẫn tốp dưới đều khó tuyển các ngành nhân học, triết học, giáo dục, lưu trữ học, văn hóa học, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nga… Tuy nhiên, TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết nhóm ngành này vẫn có nhiều ngành không dễ trúng tuyển. Cụ thể các ngành báo chí và truyền thông, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, tâm lý học, Đông phương học thường có điểm trúng tuyển khá cao, 18-20 điểm.

Nhóm ngành luật cũng có mức điểm tương đối cao khi điểm trúng tuyển ở ĐH Luật TP.HCM, ĐH Luật Hà Nội từ 15,5 đến 20 điểm. Ở các trường sư phạm, ngành sư phạm văn, sử, địa cũng có điểm khá cao, còn các ngành đào tạo ngoài sư phạm thì điểm chỉ bằng sàn. Trong khi đó, nhiều ngành khối C tuyển thêm các khối A, B, D thì điểm trúng tuyển cũng chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn 1-2 điểm. ThS Tạ Quang Lâm, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Ngành giáo dục tiểu học ba năm qua điểm trúng tuyển chỉ ở mức 15,5 dù lượng hồ sơ nhiều nhất trường. Mặc dù tuyển cả khối A, C, D nhưng thực tế thí sinh giỏi không nhiều, do vậy điểm trúng tuyển khó cao”.

Khối D hiện được nhiều trường bổ sung tuyển cho nhóm ngành kinh tế và cả công nghệ, tuy nhiên điểm trúng tuyển phần lớn cũng ở mức trung bình. Trừ các trường tốp trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)… thường dao động từ 18 đến 22 điểm thì cùng nhóm ngành kinh tế ở các trường ĐH vùng, địa phương như Cần Thơ, Quy Nhơn, Huế, Đà Lạt điểm chỉ ở mức 13-17. Trong đó nhóm ngành kinh tế nông lâm, thủy sản hầu như chỉ bằng điểm sàn.

Căng thẳng khối năng khiếu

Khối V, H tuyển sinh cho các trường năng khiếu thì điểm trúng tuyển luôn luôn cao nên cạnh tranh khá căng thẳng. TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Đây là năm thứ ba trường tuyển ngành kiến trúc dân dụng và công nghiệp nhưng lượng thí sinh đạt chất lượng luôn cao nên điểm trúng tuyển hai năm qua ở mức 21-21,5”.

Còn ThS Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Mặc dù hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không cao nhưng cạnh tranh giữa các thí sinh lại rất cao. Nhiều năm qua điểm trúng tuyển của trường luôn ổn định mức 21-22 cho ngành kiến trúc, 19,5-20,5 ngành quy hoạch vùng (khối V), 21-21,5 ngành mỹ thuật ứng dụng, 21,5-22,5 ngành thiết kế nội thất (khối H)”. Ông Thăng cho hay để đậu vào trường, thí sinh phải có điểm thi năng khiếu phải từ 5 trở lên, có óc sáng tạo, chưa kể các môn văn, toán, lý cũng phải đạt khá trở lên.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm