Trượt ĐH không là dấu chấm hết

Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm sàn ĐH và như vậy đã có khoảng 500.000 lượt thí sinh (TS) trượt ĐH, phải tìm cơ hội ở khối CĐ và trung cấp. Đã có không ít TS thay vì bỏ một, thậm chí vài năm trời dùi mài kinh sử để hy vọng có một chỗ ngồi trên giảng đường ĐH đã chọn con đường học nghề hoặc học liên thông để đạt được mục tiêu của mình.

Một mục tiêu, nhiều con đường

Thiếu 2 điểm mới đậu vào khoa Công nghệ thông tin (CNTT) Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh năm 2006, Trần Huy Hoàng đã làm hồ sơ xét tuyển vào khoa Điện-Điện tử Trường CĐ Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (nay là ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM). Năm 2009, sau khi tốt nghiệp CĐ, Hoàng tiếp tục thi liên thông lên ĐH và mất 1,5 năm để hoàn tất chương trình. Do đã có bằng CĐ nên trong thời gian hoàn thiện ĐH, Hoàng đã tìm được một công việc phù hợp tại một công ty của Đức, đủ trang trải chi phí sinh hoạt và học tập của mình.

“Với những bạn có năng lực không giỏi lắm thì có thể học những ngành ở trung cấp hoặc CĐ với điều kiện đó phải là ngành mà mình thích, sau đó liên thông lên bậc học cao hơn. Giả sử như bạn thi trượt, dành một năm để ôn thi và thi đậu thì ít nhất cũng mất năm năm (bốn năm ĐH + một năm ôn thi); như vậy cũng không nhanh hơn việc học CĐ rồi liên thông lên ĐH là mấy” - Hoàng phân tích.

Trong mùa tuyển sinh năm 2008, Lê Hoàng Nhân cũng trượt NV1 vào khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen. Sau đó, Nhân làm hồ sơ xét tuyển vào khoa CNTT hệ CĐ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM với ý định “đi đường vòng”. Nhân cho biết: “Lúc rớt ĐH, mình cũng thất vọng và đôi lúc cảm thấy mặc cảm trước bạn bè. Nhưng vì CNTT là ngành mà mình yêu thích, mình cũng không muốn bỏ một năm để ôn thi mà chưa biết kết quả có khả quan không nên mình chọn học CĐ. Tháng 10 này sau khi tốt nghiệp, mình sẽ thi liên thông để học tiếp từ 1,5 đến hai năm sẽ có bằng ĐH chính quy”.

Trượt ĐH không là dấu chấm hết ảnh 1

Trần Huy Hoàng đang làm việc tại Công ty Robert Bosch (Khu công nghiệp Long Thành, Đồng Nai): “Hiện nay, mình đang phụ trách vận hành, bảo trì hệ thống điện của công ty. Công việc giúp mình có kinh nghiệm thực tế, lại có thể trang trải chi phí cho việc học”. (Ảnh do nhân vật cung cấp.)

Thích học ngành môi trường nhưng không đỗ vào khoa Khoa học môi trường Trường ĐH Sài Gòn trong năm tuyển sinh 2010, TS Nguyễn Thị Trang đã làm hồ sơ xét tuyển vào ngành học tương đương ở bậc CĐ của trường. Hiện nay Trang đang là sinh viên năm hai và dự định sau khi tốt nghiệp CĐ sẽ đi làm một năm lấy kinh nghiệm rồi học tiếp liên thông lên ĐH. “Nếu trượt ĐH, các bạn cũng không nên quá bi quan vì việc học còn rất nhiều con đường chứ không nhất thiết phải vào ĐH” - Trang cho biết.

Cần sự “tiếp sức” của gia đình

Bên cạnh sự kỳ vọng của TS vào chính bản thân mình, sự kỳ vọng của gia đình phần nào tạo nên động lực cho các sĩ tử. Tuy nhiên, nếu không đặt sự kỳ vọng đó đúng lúc, đúng chỗ, các bậc phụ huynh sẽ vô tình tạo nên áp lực thậm chí là nỗi sợ cho con cái.

Là con một, cũng là người đầu tiên trong dòng họ dự thi ĐH nên khi nhận được kết quả không như mong muốn, Nhân đã vấp phải trở ngại tâm lý rất lớn. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên của gia đình, Nhân đã mạnh dạn chọn CĐ, vì theo Nhân học CĐ tuy phải đi trên con đường “dài hơn nhưng cũng chắc chắn hơn”. “Là con cái, mình mong muốn các bậc cha mẹ cho mình tự quyết định tương lai của mình, cha mẹ có thể định hướng nhưng đừng áp đặt” - Nhân nói.

Khi đi học phổ thông, với sức học nhất, nhì trong lớp, mục tiêu của Hoàng là phải thi đỗ ĐH. Vì vậy, khi biết kết quả không như ý muốn, Hoàng đã rất thất vọng và chán nản. Hoàng tâm sự: “Làm sao không buồn và tủi thân cho được, đặc biệt khi nghe bạn bè khoe học trường này trường nọ. Nhưng vào lúc ấy, nghe mình tâm sự, bố mẹ rất ủng hộ để mình học CĐ, nhờ đó mà mình cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều”.

Với Nguyễn Thị Trang, bên cạnh sự chia sẻ từ phía gia đình, điều cốt lõi nhất chính là nỗ lực ở bản thân mỗi người, phải xác định rõ được đâu là sở thích và khả năng thực sự và phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định bất cứ điều gì. “Bố mẹ hẳn là sẽ buồn khi con mình thi trượt, không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình. Tuy nhiên, khi bạn chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, có lập trường vững vàng, xác định kế hoạch học tập rõ ràng và quyết tâm theo đuổi con đường mà mình đã vạch ra thì trước sau gì bố mẹ cũng hiểu và thông cảm” - Trang nói.

Tôi nghĩ mình đã quyết định đúng

Bốn năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, cũng như bao bạn bè khác, tôi hăm hở đăng ký thi ĐH. Nhưng tôi đã thi rớt. Một phần vì khả năng của bản thân, phần vì ở nông thôn, tôi không có định hướng nào cho tương lai hết. Cứ thấy ai học ngành gì nhiều là chọn ngành đó thi. Cái cảm giác thi rớt ĐH: buồn, chán, đau khổ, suy nghĩ mông lung, trách bản thân mình sao vô dụng quá, không làm được gì cho bản thân mà còn làm cho ba mẹ xấu hổ với xóm làng cứ đeo đẳng tôi.

Người thân ở Sài Gòn biết tin tôi thi rớt đã động viên và tư vấn cho tôi vào một trường trung cấp ở Sài Gòn. Lúc đó tôi luôn nghĩ ĐH là một cái gì thật to lớn. Tôi muốn mình phải thi đậu ĐH nên tính học đại Trường Văn thư lưu trữ Trung ương II rồi ôn luyện để sang năm thi tiếp. Nhưng rồi học một thời gian, tôi biết mình đã chọn một trường học vừa sức và thấy mình tự tin, hoạt bát hẳn lên.

Sau khi ra trường, tôi xin vào làm ở Văn phòng Công chứng Tân Bình, ở đó tôi học được thật nhiều kinh nghiệm cho bản thân và cũng từ nơi đó tôi biết mình cần gì. Định hướng được con đường đi, tôi đã chuyển về Bình Định (quê hương của tôi) để thực hiện tiếp điều mình mơ ước. Hiện tại, ban ngày tôi đi làm ở Phòng TN&MT TP Quy Nhơn, buổi tối tôi đi học lên ĐH để nâng cao trình độ và để thực hiện cho xong con đường học vấn mà trước đây tôi chưa làm được. Giống như ai đó từng nói: “Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”. Hiện tại, tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có…

NGUYỄN THỊ THANH LỘC

KHẮC HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm