Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Nhiều tiền vẫn đi thuê cơ sở

Ngày 22-12, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh các cán bộ Trung tâm Hợp tác quốc tế của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM được hưởng các khoản thu nhập cao ngất trời từ nguồn thu học phí cũng cao ngất trời của học viên. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề duy nhất khiến cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường bức xúc.

Ưu tiên cho học viên tự do

Hiện nay trường có hai cơ sở chính tại 36 Tôn Thất Đạm và 39 Hàm Nghi (quận 1). Tuy nhiên, cả hai cơ sở lại để dành cho các trung tâm trực thuộc trường như Trung tâm Hợp tác quốc tế, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng... mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo học viên tự do.

Trong khi đó, nhà trường lại thuê Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt (quận Gò Vấp) để làm cơ sở đào tạo đối với các lớp hệ chính quy. Theo phản ánh, địa điểm này khá xa trung tâm TP nên việc đi lại của giảng viên và sinh viên gặp nhiều khó khăn.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM: Nhiều tiền vẫn đi thuê cơ sở ảnh 1

Cơ sở thuê mướn của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt. Ảnh: T.HIỆU

Chiều 22-12, chúng tôi có mặt tại Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Âu Việt. Đây là nơi tập trung hàng ngàn sinh viên các hệ đào tạo chính quy (học ban ngày) và hệ tại chức, liên thông, văn bằng hai (học ban đêm) của trường. Theo ghi nhận, các lớp học ở đây đều nhỏ hẹp, một số lớp không đủ ánh sáng. Một nhóm sinh viên ngành tài chính cho biết vào ngày nắng lớp học rất nóng và ồn.

Cắt giảm nhiều khoản chi

Hiện nay Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM không áp dụng Thông tư liên tịch 50/2008 của liên bộ GD&ĐT - Tài chính khi thanh toán thù lao cho giảng viên. Thay vào đó, nhà trường ban hành quy chế riêng và trả thù lao cho giảng viên 45.000 đồng/giờ lên lớp (chỉ bằng từ 1/3 đến 1/2 quy định của Thông tư 50).

Ngoài việc chi trả thù lao đúng quy định, các cán bộ, giảng viên của trường còn kiến nghị ban giám hiệu nhà trường khôi phục chế độ tiền ăn trưa (đã bị cắt từ cuối năm 2008), chi phúc lợi cho người lao động... Hiệu trưởng Ngô Hướng nhìn nhận: “Chúng tôi đã nhiều lần biên soạn và áp dụng quy chế về tài chính nhưng khi áp dụng vẫn chưa nhận được đồng thuận. Hiện chúng tôi đang đề cử một ban soạn thảo quy chế mới. Ban soạn thảo cũng sẽ cân nhắc việc áp dụng đơn giá giờ giảng theo Thông tư 50”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM không hề gặp khó khăn về tài chính để giải quyết các vấn đề nêu trên, kể cả về cơ sở vật chất. Cụ thể, vừa qua nhà trường được thành phố cho phép chuyển nhượng một số cơ sở vật chất nên đang có khoản tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng chưa sử dụng. Thu nhập từ những hoạt động của trung tâm dịch vụ giáo dục mỗi năm đem về cho trường hàng chục tỉ đồng. Ông Ngô Hướng lý giải việc trường vẫn đi thuê cơ sở đào tạo: “Trường đã có dự án xây dựng cơ sở mới, tuy nhiên trong mấy năm qua tiến độ triển khai rất chậm do vướng thủ tục”.

Cần kiểm tra, làm rõ các khoản chi

Chiều 22-12, ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), đã cho báo Pháp Luật TP.HCM biết như vậy khi nghe thông tin một số cán bộ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM có thu nhập gần 90 triệu đồng/tháng.

. Thưa ông, thu nhập thực tế của lãnh đạo các trường đại học công lập hiện đang áp dụng theo quy định nào?

+ Việc trả lương đang áp dụng theo Nghị định 204 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo quy định, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất là 50% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

. Quan điểm của Bộ về thông tin cán bộ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM có thu nhập quá cao?

+ Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin, đồng thời kiểm tra xem quy chế chi tiêu nội bộ của trường có phù hợp không. Về việc một cán bộ dù không làm việc tại trường nhưng vẫn được hưởng hàng chục triệu đồng/tháng, chúng ta cần làm rõ khoản thu nhập đó cụ thể thế nào, có thể họ dạy thêm, hay nhà trường trả cho một đề tài nghiên cứu khoa học đang tham gia mặc dù đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Còn theo quy định, nếu anh đi theo diện học bổng của nhà nước thì sẽ được hưởng 40% mức lương thực lãnh để đóng bảo hiểm. Nếu nhà trường hỗ trợ đi học thì sẽ do quy chế chi tiêu nội bộ của trường quyết định.

. Xin cảm ơn ông.

TỐ NHƯ ghi

XUÂN CHIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm