Trở lại Mai Hòa

Đập ngay vào mắt chúng tôi là lớp học thật tươm tất, gọn gàng của các bé. Ở một góc khuất của trung tâm, bé trai tên Thành đang ngồi chơi bên bụi hoa, thấy khách đến, bé cất tiếng chào rất lễ phép. Xơ Phúc Minh cho hay: “Thành mới bốn tuổi. Ở lứa tuổi mẫu giáo, cháu chưa được đến trường như bao trẻ khác. Buổi sáng, các anh chị đến lớp nên chỉ còn cháu ngồi chơi một mình...”.

Trở lại Mai Hòa ảnh 1

Các em có HIV của Trung tâm Mai Hòa hiện vẫn học tại trung tâm và đã được tham gia sinh hoạt dưới cờ, trực nhật, văn nghệ tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông. (Ảnh chụp sáng 27-11)

1. Xơ Minh trầm ngâm: “Các cháu sớm chịu nhiều thiệt thòi. Sự kỳ thị vô tình khiến các cháu mất tự tin, không dám ra đường. Cái lỗi lớn nhất là dân trí của người dân nông thôn: họ chưa biết, chưa hiểu và đúng hơn là không muốn hiểu. Họ sợ con họ bị lây nhiễm. Họ cũng không muốn nghe bác sĩ giải thích và họ sẵn sàng để con họ nghỉ học chứ nhất quyết không cho con mình học chung lớp với các cháu có HIV”.

Sau khi việc học hòa nhập bị phản đối xảy ra, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, các cơ quan, đoàn thể địa phương mời phụ huynh ra trường để tuyên truyền. Phụ huynh nêu câu hỏi nếu con họ nhiễm HIV thì ai chịu trách nhiệm. Nhiều người nói họ không ghét bỏ các cháu, chỉ sợ khi học chung có những va chạm rồi truyền bệnh. Sau nhiều nỗ lực, giờ thì nhiều phụ huynh đã hiểu nhưng vẫn còn số ít phụ huynh không muốn hiểu, vẫn giữ quan điểm “không cho trẻ có HIV học cùng”. Vì vậy, các xơ đành chấp nhận để các cháu học ở trung tâm với danh nghĩa là phân hiệu của Trường Tiểu học An Nhơn Đông. Dù vậy, đó vẫn là niềm vui quá lớn với các xơ và các cháu: Hằng tuần, các cháu vẫn được xếp hàng chào cờ cùng các bạn ở trường, liên hoan văn nghệ vẫn được tham gia... Ánh mắt của phụ huynh cũng không còn “hậm hực” như hồi đầu tháng 9.

2. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiền, giáo viên trường An Nhơn Đông, cho biết: “Dạy các cháu hơi cực vì phải ghép lớp lại. Nếu có sự đồng thuận tuyệt đối, được học chung, các cháu sẽ phát huy rất tốt. Về trí tuệ, cháu nào cũng phát triển bình thường, sức khỏe cũng không có gì đáng ngại. Các cháu rất ngoan hiền và ý thức được căn bệnh của mình”.

Tôi hỏi: “Nếu học cùng các bạn, con có đánh bạn không?”. Em Nguyễn Hải Đình, học sinh lớp 3, trả lời thật ngoan: “Các mẹ (xơ) dạy tụi con phải biết nhường bạn. Mình bệnh, nếu đánh bạn sẽ làm bạn sợ, không chơi với mình nữa. Con muốn các bạn đừng gọi là “thằng si đa...”. Đình cũng cho biết: “Từ ngày các cô chú bác sĩ ở thành phố xuống động viên, dạy tụi con cách giữ cho mình, cho bạn, người ngoài cũng bớt chửi rủa tụi con như trước”.

Ở Trường Tiểu học An Nhơn Đông, 100% giáo viên đều ủng hộ việc cho trẻ có HIV học hòa nhập. Cô Nguyễn Thị Thủy (phụ trách văn phòng) nói: “Hầu hết giáo viên đều được tập huấn nhuần nhuyễn công tác can thiệp sớm bằng y tế để nếu không may hai cháu (một cháu có HIV, một cháu không) va chạm nhau có xây xát, chảy máu thì cũng được chăm sóc tại chỗ”.

Một phụ huynh đón con trước cổng trường bày tỏ sự ái ngại nhưng sau khi nghe tuyên truyền đã bớt lo sợ nhưng cũng chưa thật sự an tâm: “Để các cháu lớn hơn chút nữa, khoảng lớp 4, lớp 5 học cùng thì chúng tôi mới thật sự yên tâm”.

3. Gần ba tháng sau sự cố ngày khai giảng, sự can thiệp của các bác sĩ xuống tận người dân đã cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về căn bệnh HIV/AIDS. Tuy vẫn chưa được học hòa nhập như mong muốn nhưng những đứa trẻ ở Mai Hòa đã bước những bước rất dài trên con đường được đến trường, con đường hòa nhập. Ánh sáng đã có ở phía cuối đường hầm.

Thầy giáo Lương Phú Long, Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1 (quận Bình Tân), đề xuất: “Về lâu dài, chúng ta cần đưa vào chương trình tiểu học cách sống chung, học chung với bạn có HIV. Sau này, khi các cháu lớn lên, nhờ sự hiểu biết về bệnh AIDS, các thế hệ sau sẽ thông hơn và không là rào cản con đường hòa nhập của trẻ có HIV như hiện nay”.

Và mới đây, khi trò chuyện, một hiệu trưởng trường mầm non tại quận 3 bộc bạch cùng chúng tôi: “Tất cả các sở ngành, lãnh đạo TP đã quán triệt chủ trương đưa trẻ có HIV từ độ tuổi mầm non học hòa nhập. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các cháu và theo dõi chặt chẽ sinh hoạt thường ngày lẫn việc chăm sóc cho các cháu. Để tránh kỳ thị gây ảnh hưởng xấu trong dư luận như ở Củ Chi vừa qua, chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng giữ kín thông tin cho trẻ có HIV hòa nhập”.

Anh Lê Bảo Ân(phường Linh Xuân, quận Thủ Đức):

“Cấm các em hòa nhập cộng đồng là ích kỷ!”

Tôi ở gần Trung tâm Tam Bình và tôi ủng hộ các em có HIV được đến học tại Trường Tiểu học Xuân Hiệp gần đó. Cấm các em hòa nhập với cộng đồng là ích kỷ... Quả thật, lúc đầu tôi cũng rất e ngại về nguy cơ con mình bị lây bệnh khi chơi đùa cùng các em này. Nhưng khi nhà trường cũng như giáo viên cam kết sẽ bảo đảm sức khỏe cho con tôi và đưa ra rất nhiều biện pháp phòng ngừa thì tôi cảm thấy yên tâm hơn. Với con, tôi không hề cấm cháu chơi hay nói chuyện với các bạn có HIV. Tôi chỉ nói cho cháu hiểu về căn bệnh này để cháu không xa lánh các bạn và căn dặn cháu phải tránh những trò chơi dễ gây ra trầy xước vì trẻ con rất hiếu động.

QUANG DUYghi

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm