Xét tuyển bổ sung: Thí sinh còn do dự?

Ngày 30-8, sau nửa chặng đường của đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, mặc dù đa phần các trường đều công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn Bộ GD&ĐT công bố là 15 điểm đối với ĐH và 12 điểm đối với CĐ, tuy nhiên số lượng thí sinh (TS) đến nộp hồ sơ rất ít. Thậm chí có trường sau khi TS nộp hồ sơ, nhà trường còn cấp luôn cho TS giấy báo trúng tuyển để giữ chân TS.

Lèo tèo thí sinh

Là một trong số các trường còn chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất cả nước với hơn 4.200 chỉ tiêu cho hệ ĐH và 450 chỉ tiêu cho hệ CĐ, tuy nhiên số lượng TS đến xét tuyển NV bổ sung tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn còn khá thấp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng, cho biết mỗi ngày nhà trường chỉ tiếp nhận 50-60 hồ sơ. “Số lượng TS không trúng tuyển đợt 1 vào các trường ĐH còn rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không thể lý giải vì sao năm nay TS đến nộp hồ sơ ít như vậy. Không biết TS đang ở đâu?” - ông Hóa băn khoăn.

Ông Hóa lo lắng chỉ tiêu của trường còn nhiều mà hồ sơ nhận được quá ít, khác với năm ngoái giờ này TS đến nộp hồ sơ rất đông. “Chúng tôi đành hy vọng vào những ngày tới số TS đến nộp hồ sơ sẽ tăng lên, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng trường phải tuyển đến đợt cuối cùng mới đủ chỉ tiêu” - ông Hóa bày tỏ.

Do là ngày cuối tuần nên số lượng TS đến nộp hồ sơ tại Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội) cũng lẻ tẻ. Ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đến nay trường mới tiếp nhận hơn 100 hồ sơ, trong khi tổng chỉ tiêu của trường hơn 2.200. “Chúng tôi đang lo lắng sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu năm nay” - ông Phán than thở.

Tại TP.HCM, tình hình xét tuyển NV bổ sung tuy có đỡ hơn nhưng vẫn gây tâm trạng lo lắng ở các trường. TS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết với tốc độ nộp hồ sơ như các ngày vừa qua thì dự kiến đến ngày 3-9 trường mới lấp đầy được 2.100 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ còn lại của trường.

ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) hiện vẫn còn hơn 3.000 chỉ tiêu bậc ĐH, CĐ của tất cả các ngành, tuy nhiên trường mới nhận được 430 hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung. Hiện trường này còn 23 ngành với chỉ tiêu 150-200 mỗi ngành như thiết kế đồ họa, Việt Nam học, nhóm ngành ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, nhóm ngành công nghệ, kiến trúc…

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV bổ sung tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Lại lo thí sinh ảo

Trong khi tình hình TS đến nộp hồ sơ khá èo uột thì các trường cũng lo lắng lượng TS ảo sẽ rất lớn trong đợt xét tuyển lần này. Ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội), cho biết: “Trường không lo lắng sẽ thiếu chỉ tiêu. Chỉ lo lắng năm nay TS được nộp cùng lúc ba giấy xét tuyển NV bổ sung cùng lúc nên tỉ lệ ảo rất nhiều. Trường gọi nhập học nếu không tính toán cẩn thận, gọi 1.000 TS mà đến 300 thì thiếu chỉ tiêu, còn gọi dư ra mà TS đến hết thì lại dư, phạm luật của Bộ” - ông An lo lắng. Ông An cho biết trong đợt xét tuyển NV bổ sung, nhà trường tuyển 1.800 chỉ tiêu.

TS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng bày tỏ lo ngại tình trạng TS ảo trong đợt xét tuyển NV bổ sung này. “Thực tế trường đã nhận được hơn 1.800 hồ sơ đăng ký xét tuyển, tuy nhiên để bảo đảm an toàn đáng lẽ trường phải nhận khoảng 3.300 hồ sơ, có vậy mới đủ bù trừ cho số TS ảo” - ông Anh chia sẻ.

Để bớt TS ảo, ông Anh khuyên TS không nên nộp cùng lúc ba hồ sơ đăng ký xét tuyển mà chỉ nên nộp hai hồ sơ, bộ hồ sơ còn lại nên thủ đến ngày cuối nộp vì nếu lỡ không trúng tuyển thì còn kịp trở tay.

Ông Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Tư vấn, Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết đến nay trường đã nhận 400 hồ sơ đăng ký xét tuyển trên 800 chỉ tiêu còn lại của trường. Ông Bình cho rằng với chỉ tiêu còn lại 800 thì đáng lẽ trường nhận hồ sơ xét tuyển gấp đôi con số này mới an tâm, vì theo tính toán số TS ảo rất lớn, chiếm khoảng 60%-70% số NV đăng ký.

“Trường sẽ cập nhật dữ liệu điểm thi hai ngày/lần để TS biết vị trí của mình ở đâu. Đối với những TS có điểm mấp mé ngưỡng điểm an toàn thì không nên quá nao núng, vì thực tế có rất nhiều TS nộp hồ sơ ở nhiều trường, nhiều ngành nhưng chỉ chọn được một ngành của một trường thôi. Lần này TS nộp hồ sơ không được rút ra nên phải cân nhắc kỹ các ngành mình định hướng để không bị phân tâm khi đăng ký xét tuyển vào các trường, các ngành mình ưa thích” - ông Bình nhắn nhủ.

Theo Bộ GD&ĐT, trong đợt xét tuyển NV bổ sung, TS không được thay đổi NV và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. TS có thể sử dụng tối đa ba phiếu để đăng ký vào ba trường khác nhau (mỗi trường đăng ký tối đa bốn NV).

Nhiều thí sinh bức xúc vì từ đậu thành rớt

Chiều 30-8, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết Sở đã có công văn báo cáo Bộ GD&ĐT để thông báo đến các trường ĐH, CĐ bỏ điểm ưu tiên đối với 20 TS tỉnh này do bị cộng nhầm. Theo báo cáo của Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), trong đợt làm thủ tục cho TS đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường ĐH, CĐ, bộ phận nhập dữ liệu của trường đã cộng nhầm điểm ưu tiên đối với 20 TS. Thay vì chỉ được cộng 1,5 điểm ưu tiên thì nhà trường đã cộng 3,5 điểm. Với điểm này, nhiều TS đã trúng tuyển vào trường ĐH. Sau khi phát hiện sai sót, các trường ĐH đã trừ 2 điểm khiến nhiều em từ trúng tuyển trở thành rớt.

Gia đình các TS từ đậu thành rớt rất bức xúc vì thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1 đã qua, các em không còn cơ hội vào các trường ĐH công lập.

Theo ông Cường, hiện chưa xác định thống kê đầy đủ có bao nhiêu TS từ trúng tuyển thành rớt.

TẤN LỘC

280.000 là số TS đủ điều kiện xét tuyển ĐH hiện chưa trúng tuyển vào trường nào. Trong khi tổng chỉ tiêu ĐH còn lại khoảng 150.000.

Kết thúc xét tuyển đợt 1, cả nước có 104 trường (bốn trường CĐ và 100 trường ĐH) đã tham gia xét tuyển (trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước) được gần 253.000 TS, đạt gần 85% chỉ tiêu (xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia).

Cả nước có khoảng 530.000 TS có điểm thi THPT quốc gia từ 15 trở lên, đủ điều kiện đăng ký xét tuyển ĐH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm