Ráo riết ngăn chặn gian lận thi cử

Sau ngày thứ hai thi THPT quốc gia 2015, theo số liệu tổng hợp từ Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh (TS) vi phạm quy chế bị đình chỉ thi gia tăng, chủ yếu ở hai lỗi là mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), đã yêu cầu các cụm thi tăng cường công tác an ninh, an toàn trong và ngoài phòng thi, kiên quyết không để hiện tượng gian lận thi cử xảy ra.

Thí sinh bị đình chỉ tăng nhanh

Tại Hà Nội, PGS-TS Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng cụm thi số 4, cho biết trong hai ngày qua cụm thi số 4 có năm TS vi phạm quy chế bị đình chỉ thi; trong đó có hai TS mang tài liệu, ba TS mang điện thoại di động vào phòng thi. Còn cụm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau hai ngày thi có 28 TS bị đình chỉ thi; trong đó có hai TS mang điện thoại vào phòng thi, 26 TS mang tài liệu.

Tại các cụm thi phía Nam, buổi sáng thi môn ngữ văn có hàng chục TS bị đình chỉ thi với cùng vi phạm là mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi. Theo đó, cụm thi tỉnh Gia Lai do Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM chủ trì và cụm thi Trường ĐH Bạc Liêu là hai cụm thi có số TS bị đình chỉ thi nhiều nhất - mỗi cụm có bảy TS bị đình chỉ. Kế đến là cụm thi do Trường ĐH Nha Trang chủ trì, có sáu TS bị đình chỉ...

Tại TP.HCM, điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, thuộc cụm thi Trường ĐH Sài Gòn) có bốn TS bị đình chỉ; cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có hai TS bị cảnh cáo do trao đổi trong giờ làm bài thi và một TS bị đình chỉ thi.


Với nhiều thiết bị thu phát tinh vi, giám thị khó lòng phát hiện. Trong ảnh: Giám thị phát giấy thi trước giờ làm bài tại một điểm thi của cụm Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: P.ĐIỀN

Cảnh giác thiết bị quay cóp

Ngoài hai vi phạm phổ biến trên, hầu hết các cụm thi báo cáo không phát hiện TS mang thiết bị thu phát công nghệ cao bị cấm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TS không sử dụng các thiết bị cao cấp này mà có thể do khó phát hiện bằng mắt thường. Trước đó một ngày, tại một điểm thi ở TP.HCM, một TS bị đình chỉ thi do mang một thiết bị lưu trữ dữ liệu mà giám thị nghi có thể là thiết bị thu phát thông tin.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Minh, để có thể phát hiện những TS sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận trong kỳ thi, 100% cán bộ coi thi đều được tập huấn kỹ lưỡng. “Chúng tôi cũng đã lường trước về việc TS có thể mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi để gian lận nên đã phổ biến tới giám thị nâng cao cảnh giác” - ông Minh cho biết. Còn theo PGS-TS Lê Minh Thái, bên cạnh tập huấn cho các giám thị thì trường cũng phổ biến kinh nghiệm khi làm nhiệm vụ coi thi, kinh nghiệm phát hiện các thiết bị công nghệ tinh vi. Ngoài ra đối với các trường hợp TS mang thiết bị “lạ” vào phòng thi có thể đề nghị cơ quan an ninh hỗ trợ.

Tại cụm thi Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, giám thị Phạm Thị Ngọc Thu cho biết dù đã được Bộ GD&ĐT phổ biến đầy đủ, đồng thời chỉ ra các thiết bị có chức năng thu phát nhưng công nghệ rất tinh vi, dễ che giấu nên hầu hết giám thị cũng không thể biết được. Giám thị này băn khoăn: “Ví dụ đồng hồ, viết máy giám thị được hướng dẫn rồi nhưng có những thiết bị tinh vi hơn thì làm sao giám thị phát hiện được?”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết qua thông tin phản ánh trên báo chí, sau ngày thi thứ hai xuất hiện tình trạng phao thi được vứt đầy bên ngoài phòng thi ở Hà Nội, Thanh Hóa, TP.HCM… Ngoài ra, TS sử dụng thiết bị thu phát công nghệ cao để quay cóp là điều Bộ cũng đã nghĩ tới. Hiện Bộ đang yêu cầu xác minh, làm rõ.

334TS bị xử lý kỷ luật

Chiều 2-7, báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, trong ngày thi thứ hai có 334 TS bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách chín TS; cảnh cáo 13 TS và có 312 TS bị đình chỉ thi. Như vậy sau hai ngày thi đã có 383 TS bị kỷ luật, 343 TS bị đình chỉ thi.

H.HÀ

Cảm phục thí sinh vừa mổ ruột thừa vội đến phòng thi. Sáng 2-7, ngay sau khi phẫu thuật ruột thừa, thí sinh Bùi Thị Thủy (18 tuổi, quê xã miền núi Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) được xe cấp cứu và bác sĩ đưa đến điểm thi Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) để kịp làm bài thi. Trước đó, chiều 1-7, khi đang làm bài thi môn tiếng Anh, Thủy bị đau bụng dữ dội nhưng em vẫn cố gắng hoàn thành bài thi. Nhân viên y tế đến kiểm tra và cùng các sinh viên tình nguyện đưa Thủy đến BV Đa khoa Thái An (TP Vinh). Các bác sĩ chẩn đoán Thủy bị đau ruột thừa, cần phẫu thuật ngay. Chiều tối 1-7, ca phẫu thuật cho Thủy đã thành công. Thủy chưa ăn được nên các bác sĩ phải truyền nước, điện giải cho em. Sáng 2-7, Thủy bày tỏ quyết tâm đến phòng thi. Bệnh viện đã điều một xe cứu thương cùng một bác sĩ và một y tá với các thiết bị cấp cứu đưa em đến phòng thi. Thủy đã nỗ lực vượt qua cơn đau hoàn thành bài thi môn văn. Đ.LAM

Ngất xỉu xong lại thi tiếp. Đó là trường hợp của thí sinh Trần Thị Khánh Huyền (18 tuổi, trú thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình), thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Huế. Sáng 2-7, đang làm bài thi môn văn Huyền bị ngất xỉu. Huyền được chuyển đến BV Y dược Huế cấp cứu. Các bác sĩ cho biết do mệt mỏi cộng với tinh thần căng thẳng nên Huyền ngất xỉu. Sau khi tỉnh lại, Huyền bày tỏ quyết tâm tiếp tục thi môn vật lý vào buổi chiều 2-7. V.AN

Ngữ văn: Chưa thật xuất sắc

Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi, TP.HCM), nhận xét: Thí sinh trung bình có thể kiếm đủ điểm tốt nghiệp, còn thí sinh khá giỏi mới có thể đạt điểm 7 trở lên. Phần 1 đề thi này đã chẻ nhỏ hai câu lớn với tổng cộng tám câu hỏi nhỏ để kiểm tra toàn diện cả kỹ năng - kiến thức đọc hiểu của thí sinh về tiếng Việt, làm văn, quan điểm nhìn nhận vấn đề trên cái nền hình ảnh người lính đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lối sống vô cảm. Chẻ nhỏ câu hỏi để vừa kiểm tra kiến thức đọc hiểu vừa tạo cơ hội cho thí sinh kiếm điểm là cần thiết. Tôi đánh giá cao giá trị định hướng giáo dục ở phần đọc hiểu của đề thi.

Phần làm văn không mới nhưng cũng có thể phân loại được thí sinh. Hơi tiếc là phần nghị luận văn học chỉ gói gọn trong một tác phẩm với từng ấy vấn đề, nếu liên tưởng mở rộng ra chắc sẽ thú vị hơn. Câu nghị luận xã hội gần gũi với học sinh nhưng phạm vi hơi rộng và có vẻ theo lối mòn. “Tóm lại đề thi dù chưa thật xuất sắc nhưng sát nội dung chương trình, định hướng giáo dục học sinh tốt, phần nào khơi gợi tình cảm tốt đẹp với cuộc sống và như vậy dần bồi đắp tình yêu văn học bởi nó gắn liền với hơi thở cuộc sống” - ông Cải nói.

Vật lý: Nhiều dạng câu “lạ”

Ông Đồng Văn Ninh, tổ trưởng tổ Vật lý - Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho rằng cấu trúc phân bổ 50 câu trắc nghiệm hay với mức độ khó tăng dần giúp thí sinh dễ tập trung làm bài hơn. Phần lớn các câu hỏi trong đề thuộc chương trình lớp 12, chỉ gần 10% câu hỏi có kiến thức liên quan đến lớp 10 và 11. Trong đó các câu thiên về lý thuyết khá nhiều, 25 câu thuộc về phần biết và hiểu, 10 câu vận dụng và 15 câu vận dụng cao theo đúng tiêu chí phân hóa của Bộ GD&ĐT đề ra. Nhìn chung đề vật lý năm nay khó hơn đề thi CĐ và dễ hơn đề thi ĐH năm 2014.

“Mặc dù những câu khó này đều là kiến thức đã học nhưng người ra đề đã biến hóa, nâng cao khiến ngay cả giáo viên chúng tôi cũng chưa từng thấy. Chỉ có một vài em thật giỏi, mê môn vật lý mới có thể làm được. Vì thế phải những em thật xuất sắc mới đạt 9 điểm, điểm 10 là rất ít, khá giỏi có thể đạt 6, 7 và 8 điểm” - ông Ninh cho hay.

PHẠM ANH

Hôm nay: Đón đọc gợi ý bài giải hai môn địa lý, hóa học trên phapluattp.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm